Dịch thuật: Bất luận hoạ phúc nhi xử sự .... (Vi lô dạ thoại)



不论祸福而处事  平正精详为立言
大丈夫处事, 论是非, 不论祸福; 士君子立言, 贵平正, 尤贵精详.
                                                                                (围炉夜话)

BẤT LUẬN HOẠ PHÚC NHI XỬ SỰ
BÌNH CHÍNH TINH TƯỜNG VI LẬP NGÔN
          Đại trượng phu xử sự, luận thị phi, bất luận hoạ phúc; sĩ quân tử lập ngôn, quý bình chính, vưu quý tinh tường.
                                                                           (Vi lô dạ thoại)

XỬ SỰ BẤT LUẬN HOẠ PHÚC
LẬP NGÔN NÊN NGAY THẲNG RÕ RÀNG
          Đại trượng phu khi xử lí sự việc, chỉ cốt ở chỗ làm như thế nào cho đúng, chứ không phải ở chỗ làm như thế đối với mình là hoạ hay phúc; sĩ quân tử khi viết sách lập ngôn, điều quan trọng là phải công bình chính trực, nếu thêm được tinh yếu rõ ràng thì càng đáng quý hơn.

Phân tích và thưởng thức
          Một người có chí khí và tiết tháo, khi xử lí bất kì sự việc nào, điều đầu tiên nhất định phải nghĩ đến là “đúng” và “sai”, cuối cùng cũng nhất định kiên trì “đúng” và “sai”. Chỉ luận “đúng” và “sai” để làm, tất “đúng thì phải nói là đúng, sai thì phải nói là sai”. Muốn làm được như thế không phải  là dễ. Bởi có một số kẻ tiểu nhân gian hiểm khi cùng với anh cộng sự, chỉ nhắm mưu lợi cho bản thân, không mong anh dựa vào chính đạo để làm việc, chỉ mong anh làm theo cách nào có lợi nhất đối với y. Nếu không làm theo, y sẽ nghĩ mọi cách để ngăn chận, đả kích. Nếu anh chỉ nghĩ đến việc xu cát tị hung, rất dễ mất đi chính đạo. Vì thế đại trượng phu khi làm việc, chỉ hỏi sự việc đúng sai, có dũng khí gánh nhận hết thảy hoạ phúc.
          Còn như người trứ thư lập thuyết, quý ở chỗ ngôn từ khách quan công chính, không thể riêng tư võ đoán. Bởi văn chương là để người ta xem, nếu quan điểm có chỗ sai lệch, há chẳng phải là hướng dẫn nhầm mọi người sao? Tào Phi cho rằng văn chương là nghiệp lớn trăm năm, một chút cũng không được sai sót, còn Khổng Tử thì “thuật nhi bất tác”, họ đều có lí cả. Nhân đó, trứ tác văn chương nhất định phải khách quan công chính, cẩn thận khi đặt bút, nếu khinh suất vội vàng thì làm sao có tính khả khán? Một yêu cầu nữa là cần phải tinh yếu rõ ràng, văn chương như thế mới là đáng quý nhất.

Chú của người dịch
Vi lô dạ thoại 围炉夜话: là một tác phẩm nổi tiếng đời Thanh, tác giả là Vương Vĩnh Bân 王永彬. Vi lô dạ thoại có 221 tắc, đề cập nhiều phương diện như đạo đức, tu thân, độc thư, an bần lạc đạo, giáo tử, trung hiếu, cần kiệm … nêu rõ hàm nghĩa sâu xa: lập đức, lập công, lập ngôn đều lấy “lập nghiệp” làm gốc.Vi lô dạ thoại 围炉夜话cùng với Thái căn đàm 菜根谭, Tiểu song u kí 小窗幽记 được gọi chung là “xử thế tam đại kì thư”.

Vương Vĩnh Bân 王永彬:
          Vương Vĩnh Bân tự Nghi Sơn 宜山, người đời gọi ông là Nghi Sơn tiên sinh 宜山先生, con cháu đời sau của họ Vương gọi ông là Nghi Sơn công 宜山公. Cuộc đời ông trải qua 5 vương triều: Càn Long 乾隆, Gia Khánh 嘉庆, Đạo Quang 道光, Hàm Phong 咸丰, Đồng Trị 同治. Ông sinh ngày 23 tháng Giêng năm Nhâm Tí thời Càn Long, mất ngày 25 tháng Giêng năm Kỉ Tị thời Đồng Trị, hưởng thọ 78 tuổi.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/53686.htm

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 29/12/2017

Nguồn
VI LÔ DẠ THOẠI
围炉夜话
Tác giả: Vương Vĩnh Bân 王永彬
Thiểm Tây lữ du xuất bản xã, 2002. 
Previous Post Next Post