Dịch thuật: Lai lịch tự xưng "Pha Ông" của Tô Thức

LAI LỊCH TỰ XƯNG “PHA ÔNG” CỦA TÔ THỨC

          Tô Thức 苏轼 là vị tài tử trên văn đàn cổ đại Trung Quốc. Năm 1057, Tô Thức và em là Tô Triệt 苏辙cùng lên kinh tham dự kì thi, kết quả cả hai đều kim bảng đề danh, chấn động một thời. Từ đó, cha con nhà họ Tô nổi danh trong thiên hạ, người đời gọi là “Tam Tô”. Lĩnh tụ văn đàn lúc bấy giờ là Âu Dương Tu 欧阳修 rất tán thưởng văn chương của Tô Thức, nói rằng:
          Đọc sách của Tô Thức, bất giác xuất mồ hôi, sướng thay! Lão phu nên tránh đường để anh ta có thể vượt lên.
          Danh và tự của hai anh em họ Tô là do phụ thân là Tô Tuân 苏洵đặt cho, chữ dùng rất tinh xảo, ngụ ý lại sâu xa.
         Tô Thức danh là Thức , tự là Tử Chiêm 子瞻; người em danh là Triệt , tự là Tử Do 子由. “Thức” là thanh gỗ ngang đặt ở phía trước xe dùng để vịn. Xe không có “thức” thì không thể phát huy tác dụng “bằng thức nhi quan” 凭轼而观(vịn thức mà quan sát); còn “chiêm” có nghĩa là nhìn. “Thức” và “Tử Chiêm” kết hợp lại, chính là “lên xe vịn vào thức mà nhìn”. “Triệt” là dấu vết bánh xe khi đi qua lưu lại, “do” có hàm ý là dựa vào đó mà theo. “Triệt” và “Tử Do” kết hợp lại, chính là “xuống xe theo vết xe mà đi”. Tô Tuân đặt danh và tự cho hai người con như thế là hi vọng họ trở thành người có ích cho xã hội, là nhân tài trung thành với chức trách. Hai anh em đã không phụ lòng kì vọng của phụ thân, họ đều có được thành tựu trong sự nghiệp.
          Tô Thức từ nhỏ đã đa tài, thành tựu về phương diện văn học rất nổi bật, nhưng về chính trị thì lại trắc trở. Lúc Vương An Thạch 王安石 biến pháp, nhân vì có một số chính kiến không hợp với Vương An Thạch nên Tô Thức bị biếm chức. Sau khi Tư Mã Quang 司马光nắm lại quyền hành, Tô Thức do vì phản đối họ không phân biệt thị phi phế bỏ toàn diện tân pháp nên gặp phải sự đả kích
          Lúc ở tại Hồ Châu 湖州, do vì Tô Thức bất mãn đám quan lại cường hào địa phương hoành hành bá đạo đã viết một số bài thơ phúng thích, bị người khác gièm pha vu cho tội huỷ báng triều đình nên bị bắt giam vào ngục, suýt chút nữa mất đầu. Sau khi được phóng thích, Tô Thức lại bị biếm đến Hoàng Châu 黄州 làm một chức quan nhỏ. Tại Hoàng Châu, Tô Thức nhờ bạn bè giúp đỡ có được một khoảnh đất, ông tự cày ruộng, đồng thời cất một gian nhà tranh bên sườn núi phía đông. Nhân vì nơi đó gọi là “Đông Pha” 东坡, thế là Tô Thức tự đặt cho mình hiệu “Đông Pha Cư Sĩ” 东坡居士, cũng gọi là “Pha Ông” 坡翁.
          Còn có một thuyết khác, Tô Thức lấy hiệu “Đông Pha” là bởi vì ông kính trọng đại thi nhân triều Đường Bạch Cư Dị 白居易cùng cuộc sống của ông tại Đông Pha ở Trung Châu 忠州. Khi Bạch Cư Dị từ chức Tư mã Giang Châu chuyển đến làm Thứ sử Trung Châu, từng tại Đông Pha ở ngoại thành trồng rất nhiều cây, viết rất nhiều câu thơ có liên quan đến Đông Pha, cuộc sống rất vui vẻ nhàn tản. Sau khi Tô Thức bị biếm đến Hoàng Châu, cảnh ngộ cũng tương tự như thế, ông cảm khái mình và Bạch Cư Dị đều là “lúc đầu vì văn chương mà được nổi danh, cuối cùng cũng vì văn chương mà đắc tội”. Cũng trùng hợp với nơi mà Tô Thức cất nhà cũng gọi là Đông Pha, thế là liền tự đặt hiệu là “Đông Pha Cư Sĩ”.
          Tô Thức rất thích hiệu “Đông Pha Cư Sĩ” này, nhưng ông thích tự xưng là “Pha Ông” hơn, Con của ông cũng nhân đó mà được người đời gọi là “Tiểu Pha” 小坡. Từ những bút tích mà Tô Thức để lại, người ta có thể nhìn thấy, có lúc ông dùng “Đông Pha Cư Sĩ”, có lúc ông dùng “Pha Ông”.
          Tô Thức thích đội nón lá, mang guốc gỗ, chống gậy, cho nên còn có nhã hiệu là “Lạp Kĩ Ông” 笠屐翁. Có người đã vẽ cho ông bức hoạ “Đông Pha lạp kĩ đồ” 东坡笠屐图.
          Trừ những hiệu do mình đặt ra, Tô Thức còn có nhiều nhã hiệu do người đời tặng.  Như ông thích kết giao với những hoà thượng đạo sĩ có văn tài, đồng thời ông cũng rất am hiểu về Phật giáo, Đạo giáo, Phật gia bèn đặt cho Tô Thức nhã hiệu “Diệu Hỉ Lão Nhân” 妙喜老人. Người ta còn căn cứ vào quê quán, ngoại mạo, trang phục của Tô Thức, đặt cho ông nhã hiệu như “Mi Sơn Công” 眉山公, “Trường Mạo Ông” 长帽翁, Ngốc Mấn Ông” 秃鬓翁.

                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 17/11/2017

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Previous Post Next Post