Dịch thuật: Kí Bích Đào động (Bí Viên thi thảo)



記碧桃峝
     峝在莪山縣治內社. 相傳徐式遇絳香仙於此. 桂堂范公貴適有詩云:
海上神仙事渺芒
碧桃峝口太荒凉
乾坤一褐窮徐式
雲水雙蛾老絳香
石鼓有聲敲曉日
砂鹽無味捏秋霜
世人苦作天台夢
誰識天台亦戲塲
     前尹陶泰亨勒其詩于石. 今存.

徐式不來仙女渺
此地空餘碧桃峝
奇奇怪怪不可名
歸後思之恍如夢
峝中層層相貫通
怪石森布千萬重
或如高壇坐古佛
或如寶塔懸巨鐘
或如松邊臥黃鹿
或如雲間盤黑龍
又如群仙
雲幢霧蓋齊赴瑤池會
又如嫦娥
風鬟露鬢兀坐廣寒宮
安排點綴自然巧
推斧斲削疑人工
日光不到霜華重
寒氣陰森毛骨聳
虎蹲象伏都寐然
石鼓一聲萬竅動
     第一峝沙土平坦以石投之其聲逢之然後號石鼓
當峝一穴何邃微
螺徑屈曲通萍池
土人傳聞僅如此
從古無人能及之
絳香舊事局可信
異境仙人當在斯
自惜我非探險手
一窮穴底之離奇
桂堂詩句尚殘碣
讀罷感想空淋漓
                              阮輝濡

KÍ BÍCH ĐÀO ĐỘNG
          Động tại Nga Sơn huyện Trị Nội xã. Tương truyền Từ Thức ngộ Giáng Hương tiên ư thử. Quế Đường Phạm Công Quý Thích hữu thi vân:
Hải thượng thần tiên sự diểu mang
Bích Đào động khẩu thái hoang lương
Càn khôn nhất hạt cùng Từ Thức
Vân thuỷ song nga lão Giáng Hương
Thạch Cổ hữu thanh xao hiểu nhật
Sa Diêm vô vị niết thu sương
Thế nhân khổ tác Thiên Thai mộng
Thuỳ thức Thiên Thai diệc hí trường
          Tiền Doãn Đào Thái Hanh lặc kì thi vu thạch. Kim tồn.

Từ Thức bất lai tiên nữ diểu
Thử địa không dư Bích Đào động
Kì kì quái quái bất khả danh
Quy hậu tư chi hoảng như mộng
Động trung tằng tằng tương quán thông
Quái thạch sâm bố thiên vạn trùng
Hoặc như cao đàn toạ cổ Phật
Hoặc như bảo tháp huyền cự chung
Hoặc như tùng biên ngoạ hoàng lộc
Hoặc như vân gian bàn hắc long
Hưu như quần tiên
Vân tràng vụ cái tề phó Dao Trì hội
Hựu như Thường Nga
Phong hoàn lộ mấn ngột toạ Quảng Hàn cung
An bài điểm xuyết tự thiên xảo
Thôi phủ trác tước nghi nhân công
Nhật quang bất đáo sương hoa trọng
Hàn khí âm sâm mao cốt tủng
Hổ tôn tượng phục đô mị nhiên
Thạch cổ nhất thanh vạn khiếu động
          Đệ nhất động sa thổ bình thản, dĩ thạch đầu chi, kì thanh phùng chi, nhiên hậu hiệu Thạch Cổ.
Đương động nhất huyệt hà thuý vi
Loa kính khuất khúc thông bình trì
Thổ nhân truyền văn cận như thử
Tùng cổ vô nhân năng cập chi
Giáng Hương cựu sự cục khả tín
Dị cảnh tiên nhân đương tại ti
Tự tích ngã phi thám hiểm thủ
Nhất cùng huyệt để chi li kì
Quế Đường thi cú thượng tàn kệ
Độc bãi cảm tưởng không lâm li
                                                                      Nguyễn Huy Nhu

GHI CHÉP VỀ ĐỘNG BÍCH ĐÀO
          Động tại xã Trị Nội huyện Nga Sơn. Tương truyền Từ Thức gặp tiên Giáng Hương ở nơi đây. Quế Đường Phạm Quý Thích có thơ rằng:
Thần tiên trên biển, sự việc rất mênh mông
Động Bích Đào này vô cùng hoang vắng
Trong cõi đất trời, một bộ quần áo vải thô làm cho Từ Thức hoá nghèo
Chốn nước mây, cặp mày ngài khiến Giáng Hương bỗng già
Hang Thạch Cổ có tiếng vang, làm xao động mặt trời buổi sớm
Chốn Sa Diêm không có vị để có thể níu sương thu lại
Người đời khổ cực mơ giấc mộng chốn Thiên Thai
Nhưng ai có biết đâu, Thiên Thai cũng là chốn hí trường
          Quan Lệnh doãn ngày trước là Đào Thái Hanh đã cho khắc bài thơ này vào đá. Đến nay hãy còn.

Từ Thức không đến nữa, tiên nữ cũng vắng
Nơi đây chỉ còn lại động Bích Đào
Rất kì lạ không thể nào gọi tên được
Khi về rồi nhớ lại nơi ấy cứ tưởng như là giấc mộng
Trong động tầng tầng lớp lớp thông nhau
Đá có những hình thù kì lạ chất đầy phô muôn nghìn hình dáng
Hoặc như là đàn cao bên trên có tượng Phật cổ ngồi
Hoặc như là bảo tháp có treo chuông lớn
Hoặc như nai vàng nằm bên cạnh gốc tùng
Hoặc như rồng đen cuộn trong đám mây
Hoặc như quần tiên
Có mây làm cờ, sương móc làm lọng, cùng đi phó hội Dao Trì
Hoặc như Thường Nga
Có gió thổi tóc búi, sương đọng tóc mai, ngồi chót vót trên cung Quảng Hàn
Xếp đặt và điểm xuyết là do tự nhiên
Gõ búa đẽo gọt là do con người
Ánh sáng mặt trời không soi thấu đến những hạt sương nặng
Khí lạnh dày đặc làm cho xương cốt rung động
Đá có dáng hổ ngồi rồng nằm, đều như ngủ
Hang Thạch Cổ vang lên một tiếng, muôn vạn hốc đá đều vọng lại
          Động thứ nhất bãi cát bằng phẳng, lấy đá ném xuống, tiếng của nó vang lại, nên gọi là Thạch Cổ (trống đá).
Động có hang sâu không biết chừng nào
Mà đường trôn ốc đi xuống quanh co uốn khúc thông với ao bèo
Người địa phương truyền lại chỉ biết có chừng ấy
Từ xưa đến nay chưa có ai có thể đi đến tận cùng của hang
Chuyện cũ nàng Giáng Hương có thể tin
Cảnh lạ của người tiên hãy còn lại nơi đây
Tiếc rằng mình không phải là tay thám hiểm
Để làm một chuyến xuống tận cùng khám phá những kì bí ở dưới đáy hang
Câu thơ của Quế Đường được khắc ở bia đá hãy còn
Đọc xong bài thơ ấy, cảm xúc dâng trào.

Dịch thơ
GHI CHÉP VỀ ĐỘNG BÍCH ĐÀO
Từ Thức vắng, nữ tiên cũng vắng
Nơi đây còn lại động Bích Đào
Lạ kì nói được đâu nào
Xem về cứ ngỡ mới vào giấc mơ
Hang động mờ tầng tấng lớp lớp
Đá xếp chồng hình dáng khác nhau
Như là Phật ở trên cao
Như là chuông lớn mắc vào trên non
Hoặc như nai nằm bên cổ thụ
 Hoặc như rồng vần vũ trong mây
Hoặc như tiên nữ kết bầy
Lọng cờ phó hội đến ngay Dao Trì
Hoặc như thể Thường Nga cung Quảng
Thong dong ngồi ngất ngưỡng trên cao
Hoá công điểm xuyết biết bao
Người trần đẽo gọt góp vào chút công
Mặt trời chẳng soi cùng sương móc
Khí lạnh nhiều rung động da xương
Hổ quỳ voi phục bên đường
Động vang một tiếng bốn phương vọng chầu
Trong động có hang sâu thăm thẳm
Đường quanh co thông với ao bèo
Mọi người chỉ biếc bấy nhiêu
Xưa nay đâu đã ai theo tận cùng
Chuyện xưa kể giáng trần tiên nữ
Cảnh người tiên lưu giữ bên trong
Tiếc mình hiểu biết chưa hung
Vì chưa đi đến tận cùng hang sâu
Quế Đường thơ cũ đôi câu
Đọc xong cảm xúc dễ hầu nào phai.

Chú của người dịch
1- Nguyễn Huy Nhu 阮輝濡 (1887 – 1962): còn gọi là Nghè Nhu, là một danh sĩ Nho học và nhà giáo dục Việt Nam đầu thế kỉ 20. Ông là người làng Vạn Lộc, tổng Thượng Xá, huyện Nghi Lộc, phủ Hưng Nguyên (nay là phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò) tỉnh Nghệ An. Nguyên quán ông ở xã Bột Thái, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá, tổ tiên dời vào Nghệ An.
          Ông đỗ Cử nhân khoa Kỉ Dậu 1909, sau đó được sung chức Giáo thụ phủ Quảng Ninh, Huấn đạo hạng nhất. Năm 1916, ông đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn, dưới triều vua Khải Định khi mới 30 tuổi.
          Bia Văn miếu Huế chép ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, đứng thứ 5 trong số 7 Tiến sĩ của khoa này. Về sau ông làm quan đến Hàn lâm viện tu soạn, Đốc học Quảng Ninh.
          Khi Viện đại học Huế thành lập năm 1957, ông được mời làm giáo sư môn Hán văn.
          Ông qua đời năm 1962.
          Ở trang đầu trong nguyên tác ghi là:
Lư Phong Nguyễn Huy Nhu Bính Thìn Tam giáp Tiến sĩ Lễ bộ tá lí.
山盧(*)峯阮輝濡丙辰三甲進士礼步佐理
    (Chữ “Lư” này gồm bộ bên trái và chữ bên phải)

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 07/11/2017
Previous Post Next Post