Dịch thuật: Vì sao có tượng Quán Âm dạng phẫn nộ

VÌ SAO CÓ TƯỢNG QUÁN ÂM DẠNG PHẪN NỘ

          Tượng Bồ Tát Quán Âm phẫn nộ là một dạng hoá thân khác của Quán Âm, gọi là “Mã Đầu Quán Âm” 马头观音, hoặc gọi là “Mã Đầu Minh Vương” 马头明王 (1), là thần Hộ pháp quan trọng trong Phật giáo.
          Đối với những người tham sân si nặng, Quán Âm sẽ dùng uy đức phẫn nộ để hàng phục họ. Nội tâm người nào sân ác nhiều nhất, hình dạng của Quán Âm so với  người đó càng sân ác hơn; người nào ưa giận dữ phẫn nộ, hình dạng của Quán Âm so với người đó càng khó coi hơn. Kì thực, Mã Đầu Quán Âm là vị Bồ Tát mặt ác lòng thiện, vai trò  của Quán Âm giống như vị giáo quan nghiêm khắc, những học sinh hư hỏng nhìn thấy là sợ.
          Ý nghĩa tượng trưng của Mã Đầu Quán Âm là nhân theo tài mà thi giáo, nhằm làm mềm yếu những ai có tính cách ngoan cố, vẫn thể hiện bản chất từ bi yêu thương của Quán Âm.
          Mật giáo cho rằng, chư Phật trong vũ trụ có thể hiển hiện 3 dạng thân:
          - Tự tính luân thân 自性轮身
          - Chánh pháp luân thân 正法轮身
          - Giáo lệnh luân thân 教令轮身
          Tự tính luân thân là chân thân của chư Phật, như Đại Nhật Như Lai 大日如来, A Di Đà Phật 阿弥陀佛.
     Chánh pháp luân thân là chư Phật hiển hiện thân Bồ Tát để giáo hoá thế gian, như Văn Thù Bồ Tát 文殊菩萨, Hư Không Tạng Bồ Tát 虚空藏菩萨, những vị Bồ Tát này lấy chánh pháp để độ nhân.
          Còn Giáo lệnh luân thân là phụng theo mệnh lệnh Phật tôn, chỉ thị hoá thân mà hiển hiện. Mã Đầu Quán Âm chính là theo chỉ thị của Phật tôn, hiển hiện dạng phẫn nộ để giáo hoá những người tham ngu trên thế gian.
          Mã Đầu Quán Âm, đầu đội đầu ngựa, như Bảo Mã Chuyển Luân Thánh Vương宝马转轮圣王, bôn trì uy phục tứ phương, có thể hàng phục ác ma, diệt tận chướng ngại vô minh ở thế gian. Trong “Mật giáo lục Quán Âm” 密教六观音 thịnh hành ở Trung Quốc và Nhật Bản, nắm giữ súc sinh đạo, cũng gọi là Sư Tử Vô Uý Quán Âm 狮子无畏观音, Mật hiệu Đạm Thực Quán Âm 噉食观音, Tấn Tốc Quán Âm 迅速观音, cũng là một trong Bát Đại Minh Vương 八大明王 (2) của Mật giáo, có nhiều hình tượng: 1 mặt 2 tay, 1 mặt 4 tay, 3 mặt 2 tay, 3 mặt 4 tay, 3 mặt 8 tay, 4 mặt 2 tay, 4 mặt 8 tay.

Chú của nguyên tác
1- Minh Vương 明王: Phạm văn Vidya-raja, ý nghĩa là trí huệ quang minh phá trừ ngu vọng.
2- Bát Đại Minh Vương 八大明王: do 8 vị Đại Bồ Tát chuyển hoá mà ra. 7 vị Minh Vương còn lại lần lượt là 7 vị Bồ Tát:
          - Kim Cang Thủ Bồ Tát 金刚手菩萨 – Giáng Tam Thế Minh Vương 降三世明王.
          - Văn Thù Bồ Tát 文殊菩萨 – Đại Uy Đức Minh Vương 大威德明王.
          - Hư Không Tạng Bồ Tát 虚空藏菩萨 – Đại Tiếu Minh Vương 大笑明王.
          - Di Lặc Bồ Tát 弥勒菩萨 – Đại Luân Minh Vương 大轮明王.
          - Địa Tạng Bồ Tát 地藏菩萨 – Vô Năng Thắng Minh Vương 无能胜明王.
          - Trừ Cái Chướng Bồ Tát 除盖障菩萨 – Bất Động Minh Vương 不动明王.
          - Phổ Hiền  Bồ Tát 普贤菩萨 – Bộ Trịch Minh Vương 步掷明王

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 09/10/2017

Nguyên tác Trung văn trong
QUAN ÂM TIỂU BÁCH KHOA
观音小百科
Tác giả: Nhan Tố Tuệ 颜素慧
Trường Sa – Nhạc Lộc thư xã, 2002
Previous Post Next Post