Dịch thuật: Vương Tiễn (kì 2)

VƯƠNG TIỄN
(kì 2)

LÂM NGUY THỌ MỆNH
 HAI LẦN BÌNH ĐỊNH PHẢN LOẠN TRONG NƯỚC

          Năm 251 trước công nguyên, Tần Chiêu Vương 秦昭王 qua đời, Thái tử An Quốc Quân 安国君 kế vị là Hiếu Văn Vương 孝文王, Tử Sở 子楚 làm thái tử.
          Năm 250 trước công nguyên, Hiếu Văn Vương bệnh mất, Tử Sở kế vị là Trang Tương Vương 庄襄王. Ba năm sau, Trang Tương Vương cũng qua đời, thái tử Doanh Chính 嬴政 tức vị, tôn Lã Bất Vi 吕不韦 làm “Trọng phụ” 仲父.
          Thời Trang Tương Vương, đem 12 huyện ở Lam Điền 蓝田 phong cho Lã Bất Vi làm phong ấp, sau đó, lại đem ruộng đất 10 vạn hộ ở Lạc Dương 洛阳 Hà Nam 河南 phong cho Lã Bất Vi. Lã Bất Vi giữ chức Thừa tướng, quyền hành khuynh đảo cả trong triều ngoài nội. Khi Doanh Chính 13 tuổi kế vị, Lã Bất Vi bắt chước 4 đại công tử: “Mạnh Thường Quân 孟尝君của nước Tề, Bình Nguyên Quân 平原君君 của nước Triệu, Tín Lăng Quân 信陵君 của nước Nguỵ, Xuân Thân Quân 春申君 của nước Sở”, chiêu tập môn khách, kết giao hiền sĩ. Môn khách ngày càng đông, danh tiếng vang khắp thiên hạ.
          Từ Chiêu Vương  đến Tần Vương Doanh Chính kế vị, Vương Tiễn 王翦 trải qua 4 triều. Đương nhiên Vương Tiễn biết rõ Tử Sở nhờ sự giúp đỡ của Lã Bất Vi mới thành quốc quân, cũng biết rõ Triệu thái hậu nguyên là ái cơ của Lã Bất Vi, Tần Vương Doanh Chính là con của Lã Bất Vi. Vương Tiễn không quên những bài học của Thương Ưởng 商鞅: không thực hành biến pháp, thì làm sao có thể đắc tội với Tần Huệ Vương? Không cắt mũi công tử Kiền , thích chữ vào mặt công tử Giả , thì làm sao đắc tội với bọn quyền quý? Không thực hiện khốc hình, thì làm sao đến nỗi vướng vào cảnh “ngũ ngưu phân thi”, cả nhà bị giết?
          Vương Tiễn không quên bài học của Vũ An Quân 武安君: không tranh công, thì làm sao có thể đắc tội với Thừa tướng Phạm Thư 范雎? Không cự lại vương mệnh, thì làm sao có thể bị giáng xuống làm lính? Không nói ra những lời oán hận, thì làm sao có thể rước lấy cái hoạ diệt thân?
          Vương Tiễn chế định cho mình nguyên tắc xử thế; không tính toán địa vị danh dự, không công cao tự kiêu, không khi phụ quần thần; chỉ phục tùng vương mệnh, không nghị luận chính trị. Thừa tướng Phạm Thư thời Chiêu Vương, Thừa tướng Thái Trạch 蔡泽 thời Hiếu Văn Vương, Lã Bất Vi thời Trang Tương Vương, và còn có cả các đại thần văn võ đều rất tôn trọng Vương Tiễn.
          Tần Vương Chính năm thứ 8, Doanh Chính 21 tuổi, thân cao 8 xích, uy vũ hùng tráng, uẩn tàng hùng tài đại lược, hiển lộ uy nghi của bậc quân vương. Tần Vương Doanh Chính không hiểu quân sự, nhưng có tráng chí hùng tâm thống nhất thiên hạ. Tần Vương chính thương nghị cùng Trọng phụ Lã Bất Vi. Tần  Vương Chính nói rằng:
          - Tần muốn bình thiên hạ, cần phải đánh nước nào trước tiên?
          Lã Bất Vi nói rằng”
          - Nay các nước, trừ Tần ra, nước Triệu mạnh nhất, cầm tặc tiên cầm vương, nước Triệu một khi bị ngã, các nước nghe tin hoảng sợ, thì sẽ dễ dàng đối phó.
          Tần Vương Chính nói:
          - Có phải cần Tướng quân Vương Tiễn xuất mã?
          Lã Bất vi đáp:
          - Không cần phải Vương Tiễn xuất mã. Theo thần thấy, có thể chia binh làm 2 lộ, một lộ do Mông Ngao 蒙骜 làm chủ tướng, Trương Đường 张唐 làm phó tướng, một lộ khác do vương đệ là Trường An Quân Thành Kiểu 成峤 làm chủ tướng. Phàn Ô Kì 樊于期  (1) làm phó tướng, mỗi lộ thống lĩnh 15 vạn quân đủ để đối phó với quân Triệu.
          Tần Vương Chính nói rằng:
          - Thành Kiểu em ta chưa từng đánh trận, làm sao có thể chế ngự quân địch?
          - Thành Kiểu tuy còn trẻ, nhưng hết sức trung thành, còn Phàn Ô Kì dũng mãnh vô địch, xin đại vương yên tâm!
          Sau khi đại quân xuất chinh, Tần Vương Chính thỉnh giáo Vương Tiễn, Vương Tiễn nói rằng:
          - Mông Ngao, Vương Đường đều hữu dũng vô mưu, không có cách gì kháng cự với quân Triệu. Hơn nữa, xuất binh viễn chinh, 15 vạn người là quá ít.
          Tần Vương Chính bảo rằng:
          - Còn có 15 vạn quân của Thành Kiểu, Phàn Ô Kì tiếp ứng?
          Vương Tiễn đáp rằng:
          - Thành Kiểu dã tâm lang sói, tướng quân Mông Ngao hung đa cát thiểu!
          Tần Vương Chính không tin, phái sứ giả ra tiền tuyến do thám tình hình. Kết quả, lộ quân của Mông Ngao xuất phát từ Hàm Cốc quan, lấy lộ Thượng Đảng 上党. Quân Triệu chiếm cứ cao điểm Nghiêu sơn 尧山, hướng xuống dưới dũng mãnh tấn công. Trương Đường dẫn 2 vạn quân Tần kháng cự, bị thương vong hơn một nửa. May có  tướng quân Mông Ngao tới kịp, cứu Trương Đường về Đô sơn 都山. Mông Ngao giục Thành Kiểu tiến lên cứu viện. Phàn Ô Kì, Thành Kiểu lấy lí do Lã Bất Vi nạp thiếp, dẫn quân tạo phản.
          Thành Kiểu, Phàn Ô Kì đã công hạ Tử Hồ quan 子壶关. Mông Ngao sau khi biết tin, dẫn quân tháo chạy. Quân Triệu nấp trong rừng sâu ở núi Thái Hàng 太行 phục kích, đánh bại quân Tần, Mông Ngao bị giết. Quân Triệu đắc thắng trở về.
          Tần Vương Chính nghe nói Trường An Quân Thành Kiểu tạo phản, vội bái Vương Tiễn làm tướng, đem 10 vạn quân chinh phạt Trường An Quân. Vương Tiễn dẫn quân đến Đồn Lưu 屯留, hợp binh cùng Trương Đường.
          Thành Kiểu hoảng kinh, nói với Phàn Ô Kì:
          - Phàn tướng quân! Làm sao bây giờ?
          Phàn Ô Kì nói rằng:
          - Như nay đã cưỡi lên lưng cọp, chỉ có cách giết cọp mà thôi!
          Ngày hôm sau, Vương Tiễn dẫn quân đến dưới thành. Phàn Ô Kì dẫn quân
Xuất chiến. Vương Tiễn nói rằng:
          - Ông tại sao lại khuyến khích Trường An Quân tạo phản?
          Phàn Ô Kì đứng tại trận chiến, nói rằng:
          - Tần Vương Chính là con riêng của Lã Bất Vi, Trường An Quân mới là cốt huyết của tiên vương. Nếu tướng quân còn nghĩ đến ân điển của tiên vương, thì cùng chúng tôi tiến đến Hàm Dương giết chết Lã Bất Vi và Tần Vương Chính, lập Trường An Quân làm vương. Đến lúc đó, tướng quân không mất địa vị phong hầu. Tướng quân có bằng lòng không?
          Vương Tiễn hét rằng:
          - Ông chớ có hồ đồ. Thái hậu mang thai Doanh Chính 10 tháng, ai dám nói đại vương không phải là cốt huyết của tiên đế. Ông huỷ báng đại vương, phạm vào đại tội diệt môn, lại còn làm nhiễu loạn quân tâm, bắt được ông, sẽ chém ông ra làm muôn khúc.
          Phàn Ô Kì huơ trường đao, xông đến quân Tần đại sát. Phàn Ô Kì vô cùng kiêu dũng, phút chốc đã giết một số lượng lớn quân Tần. Vương Tiễn sai tướng sĩ vây bắt Phàn Ô Kì, cuối cùng không có cách nào bắt được, trời đã tối, đành thu binh.
          Vương Tiễn cho rằng Thành Kiểu tuổi nhỏ không biết, không hề có chủ kiến, bị bức tạo phản; Phàn Ô Kì hữu dũng vô mưu, thề đối địch với triều Tần. Có thể trước tiên làm Trường An Quân dao động, nghĩ cách sai người đi khuyên. Đương lúc đêm tối, Vương Tiễn triệu tập các tướng lĩnh bàn về chuyện đó, nói rõ tính toán của mình. Dương Đoan Hoà 杨端和 nói rằng:
          - Mạt tướng từng là môn khách dưới trướng của Trường An Quân, nguyện nghe theo lời sai bảo của tướng quân.
          Vương Tiễn lệnh cho các tường về nghỉ, chỉ giữ lại Dương Đoan Hoà:
          - Ta sẽ viết một phong thư ông giao tận tay Thành Kiểu, khuyên ông ấy nên sớm quy thuận!
          - Mạt tướng làm sao có thể vào thành?
          - Ngày mai, ta cùng với Phàn Ô Kì giao chiến, đợi lúc lệnh thu binh, ông giả trang thừa cơ trà trộn. Sau khi vào thành, ông xem thế công của quân ta ngày càng dũng mãnh thì hãy gặp Trường An Quân. Đến lúc đó, ông nhìn thời cơ mà hành sự, cả cứng lẫn mềm, bức Trường An Quân đầu hàng.
          Ngày hôm sau, Vương Tiễn phái hai viên mãnh tướng, mỗi người dẫn một lộ nhân mã, chia ra tấn công thành Hồ Quan 壶关và thành Trưởng Tử 长子. Vương Tiễn đích thân tấn công Đồn Lưu 屯留.
          Vương Tiễn nghinh chiến Phàn Ô Kì, chưa tới 5 hồi đã bại. Phàn Ô Kì cười nói rằng:
          - Lão già Vương Tiễn, ông trước giờ kiêu dũng thiện chiến, nay sao lại như thế?
          Vương Tiễn đáp rằng:
          - Hôm nay coi như tôi thua ông. Sau này chúng ta sẽ phân thắng bại.
          Phàn Ô Kì biết Vương Tiễn túc trí đa mưu, không dám truy kích, liền dẫn quân về thành. Dương Đoan Hoà thừa cơ trà trộn vào, ở nhờ nhà thân thích, đợi  thời cơ hành sự. (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Với tên nhân vật 樊于期:
Chữ : theo Từ điển Trung Việt của nhà xuất bản Khoa học xã hội, âm Bắc Kinh hiện đại có mấy cách đọc sau: yu (thanh 2) / wu (thanh 1) / yu (thanh 1).
          Với âm yu (thanh 1) giải thích rằng : Yu Ô (họ)
          Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có âm Vu  và âm Hu
          Ở đây, tên nhân vật nếu viết theo dạng phồn thể sẽ là .
- Với chữ , trong Khang Hi tự điển có 2 âm như sau:
          - Âm Bắc Kinh là wu (thanh 1)
             Đường vận 唐韻  phiên thiết là AI ĐÔ 哀都 (ô).
             Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 phiên thiết là UÔNG HỒ 汪胡.
          Đều có âm là .
          - Âm Bắc Kinh là yu (thanh 2) .
          Quảng vận 廣韻 phiên thiết là ƯƠNG CƯ 央居 (ư)
Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 phiên thiết là Y HƯ 衣虛 (ư).
Đều có âm là .
(trang 430, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003)
Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có 2 âm: ƯÔ
- Với chữ , trong Khang Hi tự điển cũng có 2 âm:
          - Âm Bắc Kinh là qi (thanh 1)
           Đường vận 唐韻 , Tập vận 集韻, Vận hội 韻會  đều phiên thiết là CỪ CHI 渠之 (kì)
          - Âm Bắc Kinh là ji (thanh 1)
          Tập vận 集韻  phiên thiết là CƯ CHI 居之 (ki)
(trang 454, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003)
Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có 2 âm: KỲKY
Theo http://baike.baidu.com/view/671559.htm, tên của nhân vật viết theo dạng phồn thể là樊於期 với âm Bắc Kinh chú bên cạnh là Fan Wu ji, phiên theo âm Hán Việt sẽ là Phàn Ô Ki.
Theo http://www.zwbk.org/MylemmaShow.aspx, tên của nhân vật lại chú âm Bắc Kinh là Fan Wu qi, phiên theo âm Hán Việt sẽ là Phàn Ô Kì.
Trong Sử Kí, bản dịch của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê phiên âm là Phàn Ô Kì; bản của Phan Ngọc, bản dịch của Phạm Văn Ánh phiên âm là Phàn Ư Kỳ.

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 16/9/2017

Nguyên tác
VƯƠNG TIỄN
王翦
Trong quyển
HỔ CHI UY
虎之威
Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post