Dịch thuật: Cách nói "hạnh lâm" có nguồn gốc từ đâu

CÁCH NÓI “HẠNH LÂM” CÓ NGUỒN GỐC TỪ ĐÂU

          “Hạnh lâm trung nhân” 杏林中人 chỉ người theo sự nghiệp y học; “Hạnh lâm chi gia” 杏林之家 thường dùng để hình dung người trong một nhà y thuật đều cao. Thế thì tại sao đem giới y học gọi là “hạnh lâm” 杏林 (rừng hạnh)? Cách nói này có liên quan đến Đổng Phụng 董奉 – thần y cuối thời Đông Hán, từ ngữ xuất xứ từ Thần tiên truyện 神仙传 :
          Phụng cư sơn bất chủng điền, nhật vị nhân trị bệnh, diệc bất thủ tiền. Trọng bệnh dũ giả, sử tài hạnh ngũ chu, khinh giả nhất chu. Như thử sổ niên, kế đắc thập vạn dư chu, úc nhiên thành lâm.
          奉居山不种田, 日为人治病, 亦不取钱. 重病愈者, 使栽杏五株, 轻者一株. 如此数年, 计得十余万株, 郁然成林.
          (Đổng Phụng sống trong núi không làm ruộng, hàng ngày chữa bệnh cho người, cũng không lấy tiền. Người bệnh nặng mà khỏi, bảo họ trồng 5 cây hạnh, người bệnh nhẹ thì trồng 1 cây. Cứ như vậy qua mấy năm, tính được có đến hơn 10 vạn cây, xanh tốt thành rừng.)
          Đổng Phụng là y học gia nổi tiếng thời Đông Hán, đương thời cùng với Hoa Đà 华佗 ở Tiều Quận 谯郡, Trương Trọng Cảnh 张仲景 ở Nam Dương 南阳 được gọi là “Kiến An tam thần y” 建安三神医. Đổng Phụng từ nhỏ đã học y, tin theo Đạo giáo, dân gian lưu truyền rất nhiều câu chuyện Đổng Phụng cứu người. Thái thú Giao Châu 交州 Đỗ Nhiếp 杜燮 (có thuyết nói là Sĩ Nhiếp 士燮) bệnh nguy, chết cứng đã 3 ngày. Vừa lúc Đổng Phụng đi ngang qua, dùng nước cho uống 3 hoàn thuốc. Một lúc sau, tay chân bệnh nhân đã có thể cử động được, sắc da cũng dần ấm lại, 1 ngày sau có thể ngồi dậy, 4 ngày sau có thể nói chuyện, chẳng bao lâu là hoàn toàn bình phục. Có cô gái con của một viên huyện lệnh mắc phải chứng bệnh quái lạ, thỉnh cầu danh y khắp nơi nhưng vô hiệu, mời Đổng Phụng đến chữa thì khỏi ngay, thế là viên huyện lệnh gã con gái cho Đổng Phụng.
         Về già Đổng Phụng ẩn cư trong Lư sơn 庐山, trị bệnh cho mọi người trước sau không lấy tiền, chỉ cần chữa khỏi người bị bệnh nặng, người đó sẽ trồng 5 cây hạnh, người bị bệnh nhẹ trồng 1 cây, người khắp nơi nghe tin đến chữa trị rất đông. Qua một thời gian dài, cả sườn núi phía nam được trồng đầy cây hạnh. Đến lúc trái hạnh chín, Đổng Phụng đem đi phân phát cho người nghèo hoặc người dân lưu li thất tán, nêu không thì tích trữ lại, đem bán lấy tiền phát cho người dân bị nạn tai. Truyền thuyết kể rằng, có một con cọp chủ động  đến trấn giữ rừng hạnh để phòng có kẻ ăn trộm, đó chính là điển cố “Hổ thủ hạnh lâm” 虎守杏林 (Hổ giữ rừng hạnh). Đổng Phụng được bách tính yêu mến, sau khi ông mất, mọi người lập Hạnh đàn 杏坛, Chân nhân đàn 真人坛, Báo tiên đàn 报仙坛 để kỉ niệm ông.
          Kĩ thuật y học cao siêu và phẩm đức cao thượng của Đổng Phụng đáng để người đời sau học tập. Về sau người ta thường dùng “hạnh lâm” để chỉ giới y học, dùng “Hạnh lâm xuân noãn” 杏林春暖 và “Dự mãn hạnh lâm” 誉满杏林 để ví những y sinh có y đức cao thượng giống như Đổng Phụng.

                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 11/9/2017

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post