Dịch thuật: Tư đồ, Tư không, Tư mã, Tư khấu



TƯ ĐỒ, TƯ KHÔNG, TƯ MÃ, TƯ KHẤU
                                                                  
Tư đồ 司徒
          Là hương quan 乡官thời cổ nắm giữ việc giáo hoá. Bắt đầu có từ thời Tây Chu, đời Tần không đặt. Thời Ai Đế 哀帝 nhà Tây Hán đổi gọi Thừa tướng là Đại tư đồ. Thời Đông Hán lại đổi gọi là Tư đồ, là một trong “tam công”, chủ quản việc giáo hoá. Thời Tuỳ Đường về sau, có lúc Tư đồ tham dự chính sự, nhưng đa phần là hư chức. Đời Thanh gọi Hộ bộ Thượng thư là Đại tư đồ.
Tư không 司空
          Là quan viên chủ quản công trình kiến trúc, chế tạo xe cộ khí giới. Bắt đầu có từ thời Tây Chu, đời Tần không đặt. Thời Thành Đế 成帝 nhà Tây Hán đổi gọi Ngự sử đại phu là Đại tư không. Đầu thời Đông Hán đặt chức Đại tư không. Sau đời Tuỳ bỏ chữ “đại” đổi gọi là “Tư không”. Thời Hán Hiến Đế 汉献帝 phế bỏ Tư không, đổi đặt Ngự sử đại phu. Từ thời Tuỳ Đường về sau đa phần là hư hàm biểu thị sự tôn kính. Thời Nguyên về sau bỏ, nhưng cũng quen gọi Công bộ Thượng thư là Đại tư không.
Tư mã 司马
          Là quan viên nắm giữ quân chính và quân nhu. Bắt đầu có từ thời Tây Chu. Đời Tần không đặt. Thời Vũ Đế 武帝 nhà Tây Hán phế bỏ Thái uý, đặt Đại tư mã, nắm giữ đại quyền quân chính của cung đình, nhân đó, từ “Tư mã” được đời sau dùng làm biệt xưng Binh bộ Thượng thư, đồng thời gọi Binh bộ Thị lang là Thiếu tư mã. Thời Đông Hán gọi lại Đại tư mã là Thái uý, dưới Đại tướng quân, nắm giữ quân đội. Đến đời Tống, Tư mã đều là quan viên phủ quân, dưới Đại tướng quân, tham dự mưu hoạch quân sự. Thời Tuỳ Đường, dưới Thứ sử các châu địa phương đặt chức Tư Mã 1 người. Vốn là tá quan 佐官 của châu quận, sau đa phần dùng để an trí quan viên bị bãi truất giáng chức trục xuất khỏi kinh thành, như Bạch Cư Dị 白居易 là “Tả thiên Cửu Giang quận Tư mã” 左迁九江郡司马, Liễu Tông Nguyên 柳宗元 cũng từng bị biếm làm Vĩnh Châu Tư mã 永州司马. Hai triều Minh Thanh gọi Phủ Đồng tri là Tư mã.
Tư khấu 司寇
          Là quan viên thời cổ nắm giữ hình ngục, củ sát. Bắt đầu có từ thời Tây Chu, thời Xuân Thu, thời Tần theo dùng. Về sau, các triều đại lấy “Đại tư khấu” làm biệt xưng cho Hình bộ Thượng thư, Hình bộ thị lang thì gọi là Thiếu tư khấu.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 12/8/2017

Nguồn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
中国古代文化常识
Biên soạn: Thiệu Sĩ Mai 邵士梅
                  Đào Tịch Giai 陶夕佳
                  Tưởng Tiểu Ba 蒋筱波
Tam Xuân xuất bản xã, 2008
Previous Post Next Post