Dịch thuật: Sự ra đời của hoá tệ

SỰ RA ĐỜI CỦA HOÁ TỆ

          Tiền, là thứ dùng để mua đồ, lúc không dùng có thể bỏ vào túi, cất vào tủ, cũng có thể gởi ngân hàng. Nhưng vào thời thượng cổ ở Trung Quốc, “tiền” lại là danh xưng một loại nông cụ, về sau mới thành thông xưng hoá tệ.
          Được xem là một loại hình chế, tiền chỉ là một loại hoá tệ. Trước khi nó xuất hiện, hoá tệ đã tồn tại với nhiều loại hình chế. Từ sau khi hoá tệ kim loại mô phỏng được đúc ra, “tiền” trở thành biệt xưng của hoá tệ, mà hình dáng ban đầu của nó người ta lại quên mất.
          Thế thì, hoá tệ ra đời như thế nào? Hoá tệ thời kì đầu có hình dáng như thế nào?
          Người Trung Quốc cổ đại sinh sống trên dải đất Trung Hoa đã mấy chục vạn năm, nhưng sử dụng hoá tệ lại chỉ mới hơm 4000 năm.
          Lịch sử sự ra đời của hoá tệ đến nay so với lịch sử thời viễn cổ tương đối ngắn hơn rất nhiều, do bởi thời viễn cổ không cần dùng đến hoá tệ.
          Lúc đó, tổ tiên người Trung Quốc lấy bộ lạc thị tộc làm đơn vị, sống một cuộc sống quần cư nguyên thuỷ. Họ mặc da thú, lá cây và cỏ, ăn trái cây rừng, rễ củ cùng một số động vật săn bắn được, nơi ở là những sơn động tối tăm, những hốc núi nhỏ hẹp, đi lại dựa vào đôi chân. Họ cố gắng miễn cưỡng duy trì cuộc sống, không biết đến đồ vật dư thừa, cũng không ai nghĩ đến việc trao đổi vật phẩm.
          Theo sự phát triển của sức sản xuất, ngoài việc duy trì nhu cầu sinh hoạt của bản thân, họ còn có một số đồ vật dư thừa. Lúc bấy giờ, thủ lĩnh bộ lạc sẽ lấy những vật phẩm chung dư thừa tặng cho bộ lạc lân cận; thủ lĩnh của bộ lạc lân cận cũng sẽ tặng lại một số vật phẩm dư thừa  của họ. Có thể nói đó là phương thức trao đổi nguyên thuỷ nhất.
          Qua những năm tháng lâu dài, tổ tiên người Trung Quốc đều lấy vật đổi vật, ví dụ như dê và gạo trao đổi nhau, dao và lúa mạch trao đổi nhau ... Địa điểm để trao đổi rất náo nhiệu và thú vị. Trong sách cổ có chép:
          Nhật trung vi thị, trí thiên hạ chi dân, tụ thiên hạ chi hoá. Giao dịch nhi thoái, các đắc kì sở.
          日中为市, 致天下之民, 聚天下之货. 交易而退, 各得其所.
         (Giữa trưa nhóm chợ, quy tụ dân chúng trong thiên hạ lại, tập trung hàng hoá trong thiên hạ lại. Trao đổi xong ra về, ai nấy đều có được thứ mình cần)
          Nhưng, phương thức lấy vật đổi vật không tồn tại lâu dài. Do bởi đồ vật làm ra được không chỉ số lượng nhiều, mà chủng loại cũng rất nhiều, nếu cứ mãi trao đổi như thế, sẽ mang đến nhiều bất tiện.
          Ví dụ như nói, 1 con dê có thể đổi được 20 cân gạo hoặc 4 tấm da thú, 6 chiếc rìu, 1 vỏ sò đẹp. Trao đổi như thế, tính ra 1 tấm da thú có thể đổi được ¼ con dê hoặc ¼ vỏ sò, 1,5 chiếc rìu. Nếu có người chỉ có 1 tấm da thú, thế thì làm sao đổi dê, vỏ sò hoặc rìu đây?
          Lại ví dụ, người có dê muốn đổi lấy gạo, nhưng người có gạo lại muốn đổi lấy dao. Như vậy, hai người họ không thể đổi. Thế là người có dê đành đi tìm người có dao, cùng với anh ta đổi xong lại đi đổi lấy gạo. Nhưng nếu người có dao không muốn dê mà muốn thứ khác thì làm sao. Thật là phiền phức.
          Dần dần, người xưa trong việc trao đổi đã tích  luỹ kinh nghiệm, trước tiên đem vật trong tay mình đổi món vật mà người khác muốn đổi, sau đó đem vật đó đổi lấy vật mà mình cần, trao đổi như vậy dễ thành công hơn. Vật mà người khác muốn đổi, theo cách nói hiện nay chính là “vật ngang giá”, nó cũng chính là hoá tệ. Vật sau khi trải qua vô số năm trao đổi, hoá tệ cuối cùng ra đời.
          Thế thì, vật ngang giá mà người ta muốn lấy là thứ gì? Lúc mới bắt đầu là dao, là xẻng, cày,  cung tên, vỏ ốc thậm chí cả trâu ngựa v.v...đều có thể làm vật ngang giá. Nhưng, trong đó một số món quá nặng, một số món có giá trị quá cao, một số món không vững chắc đều dần bị đào thải, chỉ còn một thứ được mọi người tiếp thụ, đó là vỏ sò.
          Tại sao người đương thời đều thích dùng vỏ sò làm hoá tệ?
          Sò lại loại động vật thân mềm sống gần biển, vỏ của nó rất cứng, trơn láng và có hoa văn. Vỏ sò có thể làm vật trang sức được mọi người ưa thích, xem nó như là vật tị tà hoặc bùa hộ thân.
          Nhưng nếu chỉ được người ta ưa thích thì chưa thể thành hoá tệ. Sở dĩ vỏ sò được mọi người tiếp thụ là còn do bởi nó có thể đếm từng chiếc từng chiếc, cứng và bền, không dễ bị hư, lại thêm nhẹ dễ dàng mang theo bên mình, cho nên nó dần thay cho những vật ngang giá khác. Căn cứ vào những cuộc khai quật và những ghi chép trong sử sách, chí ít là vào đời Thương, vỏ sò đã được xem như loại hoá tệ sử dụng phổ biến.
          Nhiều người nói, sò có nhiều ở biển, mọi người đều đi nhặt về làm hoá tệ, cũng không phải là không đáng giá sao?
          Điều lo lắng này không cần thiết, bởi vì tổ tiên người Trung Quốc sống nơi đất liền phía tây bắc, nơi đó cách biển rất xa. Họ không có khả năng ra đến biển. Cho nên vỏ sò đối với họ mà nói, là thứ tương đối quý.
          Sò có đến hơn cả trăm loại, Trung Quốc cổ đại sử dụng phổ biến loại “xỉ bối” 齿贝, loại này nhỏ và lóng lánh, bề mặt có đường rãnh. Nhân vì nó được dùng làm hoá tệ nhiều nhất, cho nên lại gọi là “hoá bối” 货贝; lại nhân vì rất quý nên cũng còn gọi là “bảo bối” 宝贝.
          Từ đời Thương đến đời Chu, vỏ sò luôn tồn tại được dùng làm hoá tệ. Người ta tích  trữ nó, dùng nó để mua bán, lại còn xem nó là vật cống hiến trân quý hoặc vật ban thưởng, trên những đồ đồng phát hiện được đã chứng minh.
          Xem vỏ sò là hoá tệ, trong chữ Hán ngày nay cũng có sự phản ánh. Phàm những chữ có liên quan đến tiền bạc dường như đều có bộ “bối” , như tài , hoá , bần , quý , tiện , tham , thưởng , tứ , cống , hạ v.v...
          Đã là hoá tệ, cần phải có đơn vị tính toán. Thế thì đơn vị tính toán của vỏ sò như thế nào?
          Vỏ sò lấy “bằng” làm đơn vị tính toán. Mỗi  vỏ sò đều xoi 2 lỗ, dùng dây xâu lại, hai xâu 10 chiếc hoặc 20 chiếc gọi là 1 bằng. Như vậy, tính toán và mang theo bên người tương đối tiện lợi. Còn như 1 bằng rốt cuộc có giá trị bao nhiêu, trong sử sách không có ghi chép rõ. Nhưng từ việc ban thưởng của đế vương đời Ân có thể định ra được, giá trị của nó rất lớn, bởi đương thời 1 lần thưởng nhiều nhất chỉ có 10 bằng.
          Trên thế giới, bất kì thứ nào cũng đều không thể nhất thành bất biến, hoá tệ cũng vậy. Đến cuối đời Thương xuất hiện đồng bối 铜贝, cũng chính là dùng đồng mô phỏng hình dạng vỏ sò đúc thành một loại hoá tệ, nó có thể gọi là “đồng tệ” 铜币. Công dụng của nó với vỏ sò gần như nhau, nhưng nó tuyên cáo cho một loại hoá tệ mới – sự ra đời của hoá tệ kim loại. Nó là hoá tệ kim loại mà Trung Quốc và trên thế giới sử dụng sớm nhất.
          Đồng tệ tuy ra đời vào cuối đời Thương, nhưng bắt đầu từ đó cho mãi đến thời Tây Chu, vỏ sò vẫn thông dụng như trước đó. Điều này sản sinh ra nghi vấn: việc đúc các đồ đồng đời Thương đã đạt đến trình độ tương đối cao, sản lượng đồng cũng không ít, hơn nữa dùng đồng làm hoá tệ càng thực dụng, cứng chắc  hơn vỏ sò, vừa dễ mang theo dễ bảo quản, có thể phân cắt ra, nó kiêm cả những ưu điểm của vỏ sò. Đã như thế, tại sao đồng tệ không thay thế ngay vỏ sò?
          Kì thực rất dễ lí giải. Lúc bấy giờ sự phát triển của thương nghiệp hãy còn tương đối nguyên thuỷ, số lần giao dịch không nhiều lắm, nếu đem đồng cắt ra không phải là một việc đơn giản, lại thêm việc mọi người sử dụng vỏ sò đã thành thói quen, cho nên nó lại được sử dụng thêm mấy thế kỉ nữa. Mãi đến thời Xuân Thu mới dần bị đồng tệ thay thế. (còn tiếp)

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 15/8/2017

Nguyên tác Trung văn
HOÁ TỆ ĐÍCH ĐẢN SINH
货币的诞生
Trong quyển
VĂN HOÁ NGŨ THIÊN NIÊN
Biên soạn: Vũ Nhân 羽人
Thiếu niên nhi đồng xuất bản xã
Previous Post Next Post