Dịch thuật: Ngưu Lang và Chức Nữ

NGƯU LANG VÀ CHỨC NỮ

          Ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch cũng là “Thất tịch” 七夕. Tương truyền là ngày mà Ngưu Lang 牛郎 và Chức Nữ 織女mỗi năm gặp nhau một lần tại Thước kiều 鵲橋. Trong những câu chuyện truyền thuyết dân gian Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ được xem là câu chuyện ái tình lãng mạn nhất và cũng đau buồn nhất, cho nên ngày này cũng được xem là “lễ Tình nhân” của Trung Quốc.
          Tương truyền vào thời xưa, bên phía đông thiên hạ là nơi ở của Thiên Đế. Thiên Đế có 7 cô con gái, mọi người gọi là “thất tiên nữ”, 7 cô không những xinh đẹp mà còn giỏi dệt vải. Trong đó cô út là xinh đẹp nhất, mà tay nghề cũng giỏi nhất, đồng thời lại có tấm lòng lương thiện, vì thế rất được Thiên Đế sủng ái. 7 cô tiên nữ này mỗi ngày chủ yếu là dệt, lúc rảnh rỗi đi ngao du tiên cảnh. Kì thực, Chức Nữ rất muốn lén xuống nhân gian chơi, nhưng đó là luật cấm, vì thế chỉ đành ở trên thiên đình nhìn xuống nhân gian không dám xuống.
          Ngưu Lang lúc bấy giờ ở bên phía tây thiên hà. Lúc nhỏ, cha mẹ đều mất sớm, Ngưu Lang và người anh giữ khoảnh ruộng mà cha mẹ để lại cùng với một con trâu sống qua ngày, cuộc sống cũng tương đối dễ chịu. Về sau, Ngưu Lang có chị dâu, nhưng chẳng có được sự quan tâm của “chị dâu như mẹ”. Ngược lại, lúc nào cũng bị ngược đãi, lúc thì chẻ củi, lúc thì gánh nước, cơm ăn không no, ngủ không ngon giấc. Trong lòng Ngưu Lang rất buồn nhưng không dám nói cho người anh biết, đành một mình đến khóc nói với con trâu mà Ngưu Lang yêu thương:
          Ngày trước, khi cha mẹ còn sống, ta hạnh phúc biết bao. Sau khi cha mẹ qua đời, người anh đối xử với ta cũng rất tốt. Nhưng từ khi chị dâu bước vào nhà, ta chẳng có lấy một ngày yên vui.
          Lúc bấy giờ đột nhiên truyền đến những lời nghe rất nhỏ:
          - Này Ngưu Lang, anh chớ có đau buồn. Nhẫn nại một chút đi! Ngày vui sắp đến rồi. Sau này có những uẩn khúc gì, anh có thể nói cho tôi biết. từ nay về sau chúng ta là bạn tốt với nhau.
          Ngưu Lang nhìn chung quanh nhưng chẳng thấy ai. Anh ta cảm thấy kì lạ, lẽ nào:
          - Là ai, người nào lén nghe những lời của tôi?
          - Là tôi, con trâu của anh đây.
          Ngưu Lang kinh ngạc, anh ta trước giờ chưa nghe nói trâu biết nói. Con trâu lại nói với anh:
          - Anh chớ có nói lại với người khác chuyện tôi biết nói.
          Ngưu Lang bằng lòng. Từ đó, Ngưu Lang có được một người bạn tốt có thể tâm sự, điều đó làm cho cuộc sống của Ngưu Lang có phần nào an ủi.
          Một ngày nọ, chị dâu của Ngưu Lang nhân lúc người chồng ra ngoài thu tiền nợ, muốn hạ độc giết chết Ngưu Lang. May mà trâu cứu được nên bà ta không thể ra tay. Sau khi đợi người chồng trở về, bà ta lại gây sự muốn phân chia gia tài. Người anh của Ngưu Lang bất đắc dĩ đành chấp thuận. Lúc bấy giờ nhân vì Ngưu Lang nghe theo lời của trâu, gia sản anh ta không cần, chỉ cần con trâu. Người chị  dâu mừng ra mặt, nghĩ rằng:
          “Mầy là thằng ngốc, trâu già đó sắp đi không nữa rồi mà mầy hãy còn muốn.”
          Nhưng Ngưu Lang vẫn dắt trâu về gian nhà nhỏ bên cạnh chuồng trâu.
          Tuy Ngưu Lang chỉ có được trâu, nhưng siêng năng cày cấy, trâu cũng tuy già nhưng không đến nỗi đi không được, mà ngược lại còn rất khoẻ. Một đêm nọ, trâu nói với Ngưu Lang:
          - Ngày mai, anh ra bên cạnh hồ trước thôn, sẽ thấy 7 cô gái đang tắm. Anh lén lấy quần áo của cô thứ 7.
          Ngưu Lang đi ngủ mà không hỏi vì sao.
          Sáng sớm hôm sau, khi Chức Nữ lén xem dưới trần gian, bị 6 người chị phát hiện. Chức Nữ ra sức thuyết phục 6 người chị cùng xuống trần gian du ngoạn. Đương lúc đi ngang qua một hồ nhỏ nước trong xanh, các tiên nữ cảm thấy khí trời nóng bức, thế là cởi bỏ quần áo xuống nước. Ngưu Lang nấp một bên, lén lấy quần áo của Chức Nữ rồi bỏ chạy. Các tiên hoảng kinh kêu lên, nhanh chóng lên bờ mặc quần áo rồi bay về thiên đình. Chỉ còn lại một mình Chức Nữ, nấp bên bờ kêu khóc. Ngưu Lang từ xa nhìn thấy, trong lòng cảm thấy thương hại liền đem quần áo trả lại. Ngưu Lang ở ngay trước mặt, tuy diện mạo không đẹp đến mức kinh hồn, nhưng lại có tấm lòng chân thành trung hậu, Chức Nữ đem lòng mến mộ; lại nghe nói Ngưu Lang gặp khó, phút chốc động lòng thương. Lúc bấy giờ trời đã tối, Nam Thiên môn đã đóng, Ngưu Lang liền đưa Chức Nữ về nhà, đồng thời cưới làm vợ.
          Sau khi Ngưu Lang và Chức Nữ kết thành vợ chồng, hai người rất thương  yêu nhau. Chức Nữ sinh cho Ngưu Lang 2 đứa con, 1 trai 1 gái. Cả nhà 4 người cùng con trâu sống một cuộc sống rất hạnh phúc. Tuy là như thế, nhưng Chức Nữ vẫn thường nhớ đến Thiên Đế và 6 người chị. Có lúc nửa đêm thức dậy, cầm lấy bộ quần áo tiên, rất muốn mặc vào bay về thiên đình. Nhưng nghĩ đến Ngưu Lang và 2 con, Chức Nữ cảm thấy không đành.
          Cứ như thế mấy năm qua đi, 2 đứa con đã lớn thêm một chút, Chức Nữ quyết tâm phải quay về thiên đình. Một đêm nọ, Chức Nữ thay quần áo, lén ra khỏi cửa, bay về trời. Lúc bấy giờ, Ngưu Lang thức dậy không thấy Chức Nữ, vô cùng lo lắng, đẩy cửa ra xem, Chức Nữ đang nhẹ nhàng bay lên cao. Ngưu Lang vội lấy đòn gánh gánh 2 đứa con chạy theo, miệng luôn gọi:
          - Nương tử, mau quay lại!
          Hai đứa con cũng khóc và kêu lên:
          - Mẹ! đừng đi, đừng đi.
          Nhưng Chức Nữ không về.
          Ngày hôm sau khi trời vừa sáng, Ngưu Lang đưa 2 đứa con về nhà, nhưng nhà không còn vui tươi ấm áp như trước.
          Sau khi Chức Nữ về đến thiên đình, bị Thiên Đế trách phạt, từ đó không được xuống trần gian nữa, còn bị giam lỏng, suốt ngày chỉ có dệt vải.
          Trâu già nhìn thấy tình cảnh như thế cũng rất đau lòng, liền nói với Ngưu Lang:
          - Qua mấy hôm nữa là ngày mồng 7 tháng 7, đến tối hôm đó, anh lấy tấm da của tôi, gánh theo 2 đứa con của anh, thì có thể gặp được Chức Nữ.
          Ngưu Lang rất cảm động, nói rằng:
          - Không! Tôi tuyệt đối không thể làm tổn hại ông, ông là người bạn tốt của tôi, tôi không thể làm việc này.
          Trâu già không nói gì thêm nữa.
          Đêm mồng 7 tháng 7 hôm đó, Ngưu Lang phát hiện trâu già đã chết. Ngưu Lang đau lòng ôm lấy trâu khóc lớn, và theo lời dặn của trâu, Ngưu Lang cắt lấy tấm da trâu. Đêm đó, Ngưu Lang gánh 2 đứa con, mang theo tấm da trâu. Nói ra cũng lạ, Ngưu Lang và 2 đứa con, cả 3 người từ từ bay lên hướng về phía thiên đình.
          Khi đến giới tuyến thiên đình thì không bay được nữa. Ngưu Lang lúc bấy giờ gọi lớn tên người vợ, hai đứa con cũng kêu gào tên mẹ. Chức Nữ bị giam lỏng vừa mới nghe được tiếng gọi của chồng và 2 con, lòng đau như cắt, khẩn cầu Thiên Đế cho phép họ gặp nhau. Thiên Đế vốn kiên trì giới luật, nhưng nhìn thấy Ngưu Lang và cháu ngoại cũng vô cùng cảm động, hạ lệnh mở cổng trời, sai chim hỉ thước bắt cầu, đưa Chức Nữ sang gặp mặt. Vợ chồng, mẹ con gặp nhau cùng ôm nhau khóc. Nhưng thời gian qua rất nhanh, phút chốc phương đã sáng, hai vợ chồng đành chia tay.
Về sau Thiên Đế hạ lệnh, lệnh cho Ngưu Lang Chức Nữ mỗi người làm tốt công việc của mình, hàng năm cứ đến mồng 7 tháng 7 mới có thể gặp nhau trên Thước kiều. Đó chính là lai lịch của “Thất tịch Thước kiều tương hội” 七夕鵲橋相會.

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 28/8/2017
                                       (Ngày lễ Tình nhân của Trung Quốc mồng 7/7)

Nguồn
TRUNG QUỐC ĐỒNG THOẠI ĐÍCH XỬ THẾ TRÍ TUỆ
中國童話的處世智慧
Tác giả: Lâm Huệ Văn 林惠文
Đài Bắc huyện Trung Hoà thị: Hoa văn cương
Năm 2002 (Dân Quốc năm thứ 91)
Previous Post Next Post