Dịch thuật: Bí ẩn việc Lưu Bị "tam cố mao lư"

BÍ ẨN VIỆC LƯU BỊ “TAM CỐ MAO LƯ”

          Cuối thời Kiến An 建安, quần hùng cát cứ. Tào Tháo 曹操 bức thiên tử ra lệnh chư hầu,  chiếm cứ thiên thời; Tôn Quyền 孙权 nối nghiệp cha anh, bàn cứ Giang Đông 江东, chiếm lấy địa lợi; duy chỉ Lưu Bị 刘备 ở nhờ người khác, tuy ôm ấp chí lớn nhưng một việc cũng không thành, trong lòng vô cùng thống khổ.
          Đương thời, Lưu Bị dựa vào Lưu Biểu 刘表 ở Kinh Châu 荆州. Tuy được Lưu Biểu tiếp đãi rất hậu, nhưng Lưu Bị luôn khổ não. Ngày nọ trong buổi yến tiệc, Lưu Bị ra ngoài, lúc quay lại hai mắt ngấn lệ. Lưu Biểu lấy làm lạ. Lưu Bị nói rằng, nhân vì thấy mình “ăn không ngồi rồi”, cảm thán thời gian qua đi mà chưa làm được gì, cho nên đau lòng. Những lời này khiến Lưu Biểu nghi kị, bèn bảo Lưu Bị đem theo người đến một huyện thành nhỏ phụ cận Kinh Châu. Ở nơi đó, Lưu Bị đến thăm danh sĩ Tư Mã Đức Tháo 司马德操. Tư Mã Đức Tháo tiến cử cho Lưu Bị “Ngoạ Long” 卧龙 (Chư Cát Lượng 诸葛亮) và “Phụng Sồ” 凤雏 (Bàng Thống 庞统), nói rằng, chỉ cần được một trong hai người đó thì có có được thiên hạ. Từ Thứ 徐庶 ở Dĩnh Xuyên 颖川 đầu bôn Lưu Bị, cũng nói Chư Cát Lượng là anh tài đương thế. Lưu Bị muốn bảo Từ Thứ đi mời Chư Cát Lượng, Từ Thứ bảo rằng:
          - Người này chỉ có thể đích thân tướng quân đến gặp chứ không thể tuỳ tiện tìm người thay thế. Tướng quân nên hạ cố.
          Thế là, Lưu Bị dẫn Quan Vũ 关羽, Trương Phi 张飞 đến Ngoạ Long Cương 卧龙岗 ở Long Trung 隆中 Tương Dương 襄阳 (nay là Tương Phàn 襄樊 Hồ Bắc 湖北) thăm Chư Cát Lượng. Hai lần đầu đều không gặp, lần thứ 3 mới gặp được. Trong gian nhà cỏ ở Ngoạ Long Cương, Chư Cát Lượng luận hình thế thiên hạ, đề xuất kế sách “đỉnh túc tam phân” 鼎足三分 (chia ba chân vạc), khiến Lưu Bị hết sức bái phục. Còn Chư Cát Lượng cũng bị thành ý của Lưu Bị đánh động, đồng ý xuống núi phò tá Lưu Bị. Đó chính là sự kiện “tam cố mao lư” 三顾茅庐 mà mọi người thường nói (Tục Tư trị thông giám 续资治通鉴). Tam quốc chí 三国志 của Trần Thọ 陈寿 theo thuyết này. Trong Xuất sư biểu 出师表 của Chư Cát Lượng có câu:
Tam cố thần vu thảo lư chi trung, tư thần dĩ đương thế chi sự.
三顾臣于草庐之中, 咨臣以当世之事
(Ba lần hạ cố đến lều cỏ của thần, đem việc nước lúc bấy giờ hỏi thần)
Câu này đã chứng minh sự thực lịch sử này.
          Nhưng Ngư Hoạn 鱼豢 trong Nguỵ lược 魏略 lại theo thuyết khác, Lưu Bị chưa từng hạ cố đến mời Chư Cát Lượng, mà là Chư Cát Lượng tự nguyện quy phụ Lưu Bị. Tư Mã Bưu 司马彪 thời Tây Tấn trong Cửu châu Xuân Thu 九州春秋 cũng có những ghi chép tương đồng. Đương thời Lưu Bị đóng quân tại Phàn Thành 樊城, Chư Cát Lượng dự kiến Tào Tháo muốn đánh Kinh Châu, nên đã đi về phía bắc cầu kiến Lưu Bị. Lúc bấy giờ Lưu Bị cùng với tân khách bàn luận,
Nhân vì chưa từng nghe qua danh tiếng Chư Cát Lượng, nên không hề mảy may chú ý. Qua một lúc sau, các tân khách đều ra về, chỉ còn một mình Chư Cát Lượng lưu lại. Lưu Bị trước giờ vốn có sở thích kết lông thú lại thành túm, vừa lúc có người đến tặng Lưu Bị lông đuôi trâu, Lưu Bị bèn kết lại. Chư Cát Lượng hỏi rằng:
          - Tướng quân có chí hướng cao xa, lẽ nào bình thường lại lấy việc kết túm lông thú để qua ngày?
          Lưu Bị giải thích rằng:
          - Chẳng qua mượn đó để giải buồn mà thôi.
          Chư Cát Lượng bèn bắt đầu trình bày hình thế Kinh Châu, cùng đối sách mà Lưu Bị cần phải có. Lưu Bị dung nhan biến động, cảm thấy là đây nhân tài khó gặp, từ đó lấy lễ thượng khách đãi Chư Cát Lượng.
          Có người cho “tấn kiến thuyết” 晋见说 (thuyết đến gặp) phù hợp với lịch sử. Nguỵ lược có sớm hơn Tam quốc chí, hơn nữa sử liệu phong phú, thái độ nghiêm cẩn, thuyết này của Ngư Hoạn đáng tin. Phân tích tình thế đương thời, Chư Cát Lượng nếu đã có lòng muốn phò tá Lưu Bị, tại sao lại tránh 2 lần không chịu gặp? Huống hồ Chư Cát Lượng tuổi vừa 27, “Hoàng thúc” Lưu Bị lại chịu khuất tiết hạ cố? quả thực khiến người ta hoài nghi.
          Hồng Di Huyên 洪颐煊 đời Thanh trong Thanh sử khảo dị 清史考异 lại kiêm cả 2 thuyết này, Chư Cát Lượng khi bắt đầu gặp Lưu Bị, tuy Lưu Bị lấy lễ tiếp đãi, nhưng không coi trọng ông ta. Về sau qua sự tiến cử của Từ Thứ, Lưu Bị mới 3 lần đến nhà cỏ để gặp. Chư Cát Lượng vô cùng cảm kích, nên đã ghi lại trong Xuất sư biểu để biểu thị lòng biết ơn của mình, coi nhẹ việc “tấn kiến” trước khi ‘tam cố”.
          Bất luận “Lượng nghệ Bị” 亮诣备 (Chư Cát Lượng đến với Lưu Bị) hoặc Lưu Bị “tam cố” mời Chư Cát lượng, quân thần tương ngộ, mây gió gặp nhau, đã làm nên sự nghiệp “đỉnh túc tam phân”, để lại giai thoại cho ngàn đời sau.

Chú của người dịch
Về tên nhân vật Chư Cát Lượng, với chữ :
          - Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu chỉ có âm “Chư”. (trang 630)
          - Trong Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của Nguyễn Tôn Nhan cũng chỉ có âm “Chư”. Và ở nét nghĩa số 11 ghi rằng: Họ người (Chư Cát Lượng 诸葛亮, tức Khổng Minh đời Tam quốc). (trang 1339)
          - Trong Khang Hi tự điển 康熙字典 có các âm đọc như sau:
          * Đường vận 唐韻, Quảng vận 廣韻 phiên thiết là “chương ngư” 章魚Tập vận集韻, Loại thiên 類篇, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 đều có phiên thiết là “ chuyên ư”專於, đọc như chữ  nhưng bình thanh. Âm đọc này có nhiều nét nghĩa, trong đó có nét nghĩa là họ kép:
          Hựu phức tính. “Hán thư” hữu Chư Cát Phong. “Tam quốc chí” hữu Chư Cát Lượng.
          又複姓. “漢書” 有諸葛豐. “三國志” 有諸葛亮.
          (Họ kép. Trong “Hán thư” có Chư Cát Phong. “Trong “Tam quốc chí” có Chư Cát Lượng)
         * Quảng vận 廣韻  phiên thiết là “chính xa” 正奢 . Tập vận 集韻  phiên thiết là “chi xa” 之奢, đều có âm là  (già), cũng là một họ.
          (Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 1146, 1147).
          Như vậy tên gọi đúng của nhân vật là Chư Cát Lượng, nhưng mọi người quen đọc là Gia Cát Lượng. 

                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 29/7/2017

Nguyên tác Trung văn
LƯU BỊ “TAM CỐ MAO LƯ” CHI MÊ
刘备三顾茅庐之谜
Tác giả: Ngô Phụng Ngọc 吴凤玉
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CHI MÊ
中国历史之谜
Chủ biên: Lí Quảng Sinh 李广生
Thiên Tân: Bách hoa văn nghệ xuất bản xã, 2001
Previous Post Next Post