Dịch thuật: Tại sao cô dâu phải trùm khăn che mặt

TẠI SAO CÔ DÂU PHẢI TRÙM KHĂN CHE MẶT

          Ngày trước, con gái khi xuất giá, trên đầu đều phải trùm chiếc khăn màu đỏ, chiếc khăn đỏ đó gọi là “cái đầu” 盖头, người vùng Giang Nam gọi là “phương cân” 方巾. Chiếc khăn đỏ sẽ che kín khuôn mặt cô dâu, sau chiếc khăn đó là một khuôn mặt có đẹp như hoa như nguyệt hay không, quả thực đã khiến cho bạn bè thân hữu hao phí công sức tưởng tượng, và sốt ruột hơn cả đó là chú rể. Hôn nhân ngày trước là “phụ mẫu chi mệnh, môi chước chi ngôn”父母之命, 媒妁之言, một số nam nữ mãi đến đêm động phòng vẫn còn chưa biết mặt nhau, thảo nào lúc gỡ khăn, cô dâu chú rể thắc thỏm không yên, kích động không ngừng. Khăn một khi được gỡ, xuất hiện trước mặt là người như thế nào đây? Không biết đã vén lên biết bao nhiêu tấm màn kịch vui buồn trong hôn nhân.
          Trong dân gian từng lưu truyền qua câu chuyện như sau:
          Cuối thời Bắc Tống, Khang Vương chạy về phía nam, trên đường gặp phải sự truy sát của quân Kim, đương lúc nguy cấp, một cô gái đang phơi thóc đã giấu Khang Vương trong cái bồ, và đã cứu được Khang Vương. Để đáp lại ơn cứu mạng, Khang Vương tặng cô gái chiếc khăn đỏ, đồng thời muốn cưới làm vợ, hẹn rằng ngày này năm sau sẽ đến đón, dặn rằng đến lúc đó cô gái khi lên núi chỉ cần trùm khăn đỏ lên đầu thì sẽ tìm thấy. Khang Vương từ biệt cô gái đi đến Hàng Châu và trở thành Hoàng đế của nhà Nam Tống. Năm sau, Khang Vương y hẹn đến nơi đó, nào ngờ chốn núi non, khắp nơi đều có cô gái trùm khăn đỏ, có thể tìm cô gái ngày trước ở đâu đây? Hoá ra, cô gái nhà nông kia sau khi gặp Khang Vương đã suy nghĩ kĩ, cảm thấy lấy một quân vương không bằng một làm một thôn phụ ung dung tự tại. Nhưng lệnh của hoàng đế khó kháng cự, làm sao đây? Cô gái cùng các chị em bàn bạc, cuối cùng họ đã nghĩ ra diệu kế đó.
          Câu chuyện này ngày càng lan truyền rộng rãi, các cô gái đều cảm thấy thú vị, từ đó về sau khi xuất giá họ đều chuẩn bị một khăn trùm đầu màu đỏ.
          Lí Nhũng 李冗 đời Đường trong Độc dị chí 独异志 có thuật lại một truyền thuyết: Lúc vũ trụ sơ khai, trên thế gian chỉ có hai anh em là Phục Hi 伏羲 và Nữ Oa 女娲, họ bàn với nhau làm vợ chồng, nhưng lại cảm thấy xấu hổ, hai anh em bèn lên núi Côn Luân 昆仑 và thề rằng: nếu ý trời muốn họ trở thành vợ chồng, thì mây khói trên trời sẽ tụ hội lại. Kết quả mây khói đã tụ hội lại, thế là người anh kết cỏ làm thành chiếc quạt để cô em lấy đó che mặt, cả hai thành vợ chồng.
          Từ trong truyền thuyết cổ xưa này, chúng ta dường như có thể thấy được bí mật về lai lịch chiếc khăn trùm đầu.
          Không chỉ thế, truyền thuyết tương tự như vậy cũng có ở nhiều dân tộc thiểu số. Tộc Cao Sơn 高山 ở Đài Loan lưu truyền một câu chuyện: Có một lần phát sinh hồng thuỷ đã nhấn chìm nhiều người, trên thế gian chỉ còn sót lại hai anh em, cô em muốn thành hôn với người anh nhưng người anh không đồng ý. Về sau cô em nói với người anh, trong hang động dưới núi có một cô gái, cô em khuyên người anh nên kết hôn với cô ta. Người anh đến hang động, quả nhiên thấy có một cô gái che mặt, thế là anh ta kết hôn cùng cô gái. Sau khi kết hôn mới biết cô gái đó chính là em gái mình. Từ đó về sau, có tập tục khi kết hôn cô dâu trùm khăn đỏ lên đầu. Trong truyền thuyết của dân tộc Lê tại Hải Nam 海南 cũng có câu chuyện: Thời cổ có hai anh em, cô em hẹn với người anh xuống núi đuổi bắt nhau. Hai người xuống núi, người anh đi về bên trái, cô em lấy lọ nồi bôi lên mặt rồi đi về bên phải. Khi hai người gặp nhau, người anh không nhận ra em gái mình, thế là thành hôn. Từ đó các cô gái dân tộc Lê khi kết hôn có tập tục vẽ mặt. Ở dân tộc Đồng cũng lưu truyền câu chuyện tương tự, nói rằng: sau cơn hồng thuỷ trên thế gian chỉ còn lại hai anh em là Khương Lương 姜良 và Khương Muội 姜妹. Để có con cháu nối dõi, Khương Lương đề xuất thành thân với cô em, nhưng cô em không chịu, về sau cô em nêu ra 3 điều kiện, nếu 2 khói của đám lửa ở 2 bên đông tây hợp lại; nước của 2 dòng sông ở Lĩnh Nam Lĩnh Bắc hợp lại; 2 phiến đá của núi đông và núi tây lăn xuống chân núi và hợp lại, chứng minh trời cao muốn họ thành vợ chồng. Kết quả cả 3 điều kiện đều có được thành công, nhưng Khương Muội vẫn xấu hổ khi kết hôn với người anh, lúc thành thân đã cố ý lấy chiếc dù che mặt. Vẽ mặt, lấy dù che mặt cũng như kết cỏ làm quạt, đại khái đều là một biến thể của khăn trùm đầu.
          Từ những truyền thuyết trên, chúng ta có thể thấy rõ quá trình lịch sử phát triển của xã hội nhân loại, nhân loại từng trải qua giai đoạn quần hôn cùng huyết thống.
Động phòng tạc dạ đình hồng chúc
Đãi hiểu đường tiền bái cữu cô  (2)
洞房昨夜停红烛
待晓唐前拜舅姑
(Đêm qua trong động phòng để đuốc hoa cháy suốt đêm
Đợi sáng sớm lên nhà vái chào cha mẹ chồng)
          Thời cổ, cha mẹ chồng gọi là “cữu cô”, ngày nay dân gian vẫn còn tập tục gọi con dâu là “thư” (chị), gọi chàng rể là “ca” (anh).  Cách xưng hô kì lạ này dường như từ một mặt nào đó có thể làm chứng cho tập tục hôn nhân này đã từng tồn tại trong lịch sử. Đương nhiên, người thời nay nhìn anh em ruột thành hôn là điều không thể tưởng tượng được, nhưng “ở vào thời đại nguyên thuỷ, anh em từng là vợ chồng, mà đó lại là hợp với đạo đức”.
          Cả ngàn năm qua, tại sao tục lấy khăn trùm đầu che mặt lại lưu truyền không hề suy giảm? Vấn đề này e còn có liên quan việc mê tín của người xưa. Theo truyền thuyết, cô dâu từ nhà mẹ đến nhà mẹ chồng, trên đường sẽ bị không ít sát thần xâm hại, trùm khăn đỏ lên đầu có thể xu cát tị hung, sát thần sẽ sợ mà rời xa. Ngoài ra, khăn đỏ che mặt cũng phù hợp với tâm lí xấu hổ của cô dâu. Thời kì phong trào Ngũ tứ tân văn hoá (2), nhóm thanh niên mới đã cách đi cái mạng của nó, lấy cặp kính đen thay vào. Nhưng đến nay, tại một số vùng nông thôn vẫn còn tập tục lấy khăn trùm đầu che mặt khi xuất giá. Cựu tục hãy còn này chính là hoá thạch sống của văn minh cổ đại, khiến chúng ta vén được tấm màn bí ẩn của việc hôn nhân ở vào thời đại hồng hoang, thấy được lễ tục sớm nhất trong hôn nhân – bóng dáng chế độ hôn nhân của thế hệ xưa.

Chú của người dịch
1- Hai câu này trong bài Cận thí thướng Trương Thuỷ Bộ 试上张水部 của Chu Khánh Dư 朱庆余 thời Đường.
2- Phong trào Ngũ tứ (Ngũ tứ vận - 五四运动)
          Đây là phong trào yêu nước của thanh niên học sinh cùng quảng đại quần chúng gồm thị dân, công nhân, thương nhân, văn sĩ…nổ ra vào ngày 4 tháng 5 năm 1919 tại Bắc Kinh. Phong trào được tiến hành dưới nhiều hình thức như biểu tình thị uy, đòi yêu sách, bãi công, bãi thị, bãi khoá mà nguyên nhân là từ “Vấn đề Sơn Đông”. Tại hoà hội Versailles (Paris) được tổ chức sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các nước xâm phạm chủ quyền Trung Quốc, đem quyền lợi của Đức ở Sơn Đông chuyển giao cho Nhật. Chính phủ Bắc Dương của Trung Quốc lúc bấy giờ tỏ ra bạc nhược không bảo vệ được lợi ích của quốc gia, khiến người Trung Quốc vô cùng phẫn nộ. Một trong những khẩu hiệu nổi tiếng lúc bấy giờ là “Ngoại kháng cường quyền, nội trừ quốc tặc” (外抗强权内除国贼). Phong trào đã có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội Trung Quốc.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 25/6/2017

Nguồn
TRUNG QUỐC HÔN LỄ
中国婚礼
Tác giả: Thái Lợi Dân 蔡利民
Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã, 2001
Previous Post Next Post