Dịch thuật: Thần thoại tàm mã


THẦN THOẠI TÀM MÃ

          Thê tử của Hoàng Đế 黄帝 là Luy Tổ 嫘祖 được người đời sau thờ phụng tôn làm “Tiên tàm” 先蚕, bởi vì công việc trồng dâu nuôi tằm đa phần là do phụ nữ đảm nhậm. Trong công việc chăn tằm kéo tơ, tiên dân phát hiện đầu của con tằm có chỗ giống với đầu ngựa, thế là những phụ nữ vừa cho tằm ăn vừa trò chuyện đã sáng tạo ra câu chuyện thần thoại “tàm mã” 蚕马.
          Vào thời thượng cổ có một người viễn chinh, ở nhà chỉ có người con gái và một con ngựa đực. Người con gái rất nhớ cha, liền nói đùa với ngựa:
          - Nếu như mầy đưa cha ta trở về nhà , ta sẽ làm vợ mầy. 
          Ai dè ngựa nghe được tiếng người, quả thật nó chạy ra biên ải, người cha trông thấy ngựa chạy đến, tưởng rằng ở nhà xảy ra việc, liền vội vàng quay về nhà. Không ngờ, từ đó ngựa không ăn uống gì, thấy người cô gái, nó liền kêu lên không dứt, nghe rất là tha thiết. Người cha sau khi hỏi con gái nguyên nhân, bèn giết chết ngựa, chỉ để lại tấm da ngựa treo trong nhà. Người cha lại ra đi, cô gái đá vào tấm da ngựa và nói rằng:
          - Mầy là con vật, sao lại vọng tưởng lấy người làm vợ?
          Cô gái vừa dứt lời, tấm da ngựa liền bay lên, cuốn lấy cô gái rồi lăn đi mất. Về sau người cha phát hiện đứa con gái và tấm da ngựa hoá thành con tằm với phần đầu giống ngựa, nó nhả tơ trên cành cây làm kén, những sợi tơ trắng đó là loại nguyên liệu tốt để làm thành chiếc áo.
          Câu chuyện li kì đó đã phản ánh một cách sinh động thế giới tình cảm nội tâm phong phú ở giới nữ của tiên dân thời thượng cổ.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 18/5/2017

Nguyên tác Trung văn
TÀM MÃ THẦN THOẠI
蚕马神话
Trong quyển
ĐỒ VĂN TRUNG QUỐC THÔNG SỬ
图文中国通史
(tập Sử tiền sử - Chiến quốc)
Chủ biên: Triệu Hướng Tiêu 赵向标
Tân Cương nhân dân xuất bản xã, 2002.
Previous Post Next Post