Dịch thuật: Gia đình học thuật

GIA ĐÌNH HỌC THUẬT

          Tư Mã Đàm 司马谈làm Thái sử lệnh tại triều đình, mỗi lần từ kinh thành về lại quê nhà trấn Chi Xuyên 芝川, những người đọc sách ở chung quanh đều vui mừng đến thăm, hỏi thăm về tin tức ở hoàng thành.
          Những người đọc sách chốn dân gian này rất quan tâm đến tin tức ở kinh thành, nghe nói Vũ Đế trẻ tuổi rất hứng thú với học thuyết Nho gia, chỉ có điều vì ngại tổ mẫu của mình, ông ta không dám làm những việc mà bản thân mình cảm thấy ưa thích. Tổ mẫu của Vũ Đế là Đậu thái hậu rất sùng bái cái học Hoàng Lão, đối với lí luận của Nho gia không ưa. Tình hình cụ thể trong triều như thế nào, những người đọc sách này không hề biết được, cho nên họ rất muốn biết được tin tức từ Tư Mã Đàm.
          Sớm từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc, thiên hạ phân tranh, chiến loạn liên miên, những người có học suy nghĩ về hiện thực xã hội, muốn dùng tư tưởng học thuật của mình để tạo ảnh hưởng đến người cầm quyền, từ đó mà lập nên sự nghiệp. Nhân đó đã sản sinh ra các trào lưu tư tưởng. Đây là sự kiện mà trong lịch sử gọi là “bách gia tranh minh”. Hàn Phi 韩非 chủ trương pháp trị, lí luận của ông đã được triều Tần trọng dụng, thực hành một loạt những cải cách xã hội, khiến kinh tế, quân sự của nước Tần trở nên cường thịnh, đến thời Tần Thuỷ Hoàng đã hoàn thành bá nghiệp thống nhất Trung Quốc. Sau khi triều Hán kiến lập, thực hiện chính sách “hưu dưỡng sinh tức” 休养生息, chính là lí luận của cái học Hoàng Lão. Cái học Hoàng Lão cũng chính là Đạo gia, đến thời Văn Đế, Cảnh Đế vẫn còn được sùng thượng. Hiện Hán Vũ Đế trẻ tuổi, chịu ảnh hưởng của học giả Nho học, đối với tư tưởng Nho gia nảy sinh cảm hứng. Không ít người đọc sách ý thức được rằng, tư tưởng chỉ đạo thực thi chính sách trị quốc của tầng lớp thống trị tối cao đã phát sinh sự điều chỉnh trọng đại.
          Những người đọc sách này đến nhà Tư Mã Đàm hỏi về tin tức ở triều đình, cùng nhau bàn luận về chỗ mạnh yếu của các học phái. Do bởi mỗi người tự đề cao tư tưởng học thuật của mình, nên không tránh khỏi sự biện luận tranh chấp, biến ngôi nhà của Tư Mã Đàm trở thành hội trường để tranh luận học thuật.
          Tư Mã Thiên rất thích cảnh tượng náo nhiệt này, với cặp mắt hiếu kì, Tư Mã Thiên lắng nghe mọi người bày tỏ quan điểm và những kiến văn của họ. Một số chủ đề Tư Mã Thiên nghe không hiểu, một số chủ đề nghe tựa như hiểu, tất cả Tư Mã Thiên đều cảm thấy hứng thú.
          Có khi, thời gian không còn sớm, phải đi ngủ rồi, thế mà mọi người vẫn còn bàn luận sôi nổi. Mẫu thân giục Tư Mã Thiên đi ngủ nhưng ông vẫn kiên trì nghe không biết mệt mỏi là gì.
          Tính hiếu kì của Tư Mã Thiên bị phụ thân nhìn thấy được. Tư Mã Đàm nghĩ rằng, để cho con nghe cũng tốt, có thể mở rộng tầm mắt, tăng thêm kiến thức. Có một lần sau khi tiễn khách, Tư Mã Thiên hỏi phụ thân:
          - Con nghe mọi người bàn luận Đạo gia, Nho gia, Mặc gia, Pháp gia, rốt cuộc tư tưởng của nhà nào là có ích cho đất nước?
          Tư Mã Đàm suy nghĩ rồi nói:
          - Theo cha, Đạo gia khiến thinh thần con người chuyên nhất, tuỳ theo sự dời đổi của thời gian mà dời đổi, theo sự biến hoá của sự vật mà biến hoá, nó tuân theo quy luật của tự nhiên mà phát triển, khiến con người thuận theo phong tục tập quán mà làm việc. Đó gọi là ‘vô vi’, nhưng về hiệu quả lại là ‘vô bất vi’. Nói một cách khác, nó hấp thu những điểm mạnh của học phái các nhà, lấy “hư vô’ làm bản, lấy ‘nhân tuần’ làm dụng, lời ít nhưng ý đủ, mọi người rất dễ nắm bắt. Việc cần làm rất ít, nhưng hiệu quả thu được lại rất lớn.
          Về tinh tuý của Đạo gia, Tư Mã Thiên hoàn toàn không có sự lí giải sâu sắc, nhưng ông đã sớm nghe từ lâu, riêng phụ thân ông đối với học vấn Đạo gia rất hiểu biết và cũng rất có cảm tình. Tư Mã Thiên nói rằng:
          - Thưa cha! Cha luôn nói Đạo gia tốt, nếu đã như thế, tại sao lại còn có những học phái khác? Mọi người đều học theo Đạo gia, theo tư tưởng Đạo gia mà làm việc có phải là không được sao?
          Tư Mã Đàm nói rằng:
          - Không được! Cha hoàn toàn không chủ trương độc tôn một nhà. Tục ngữ nói: ‘Thước có chỗ ngắn, tấc có chỗ dài’, học phái các nhà không đâu là không như thế. Âm Dương gia lấy việc dự đoán cát hung hoạ phúc làm  chính, nhưng lại thường dự đoán không chuẩn, thậm chí có lúc ngược lại với sự thực, đó là khuyết điểm của họ, nhưng họ cho rằng, hành sự cần tuân theo trật tự của bốn mùa xuân hạ thu đông là điều không thể thiếu được trong cuộc sống. Nho gia lấy lục nghệ làm giáo điều, rất phiền phức, có thể nói là bỏ nhiều sức mà ít được công, nhưng họ cường điệu quân thần phụ tử phải có trật tự, phu phụ trưởng ấu phải phân biệt, về điểm này có thể tiếp thu. Mặc gia thì bỉ lận, lại không phân biệt tôn ti, mọi người rất khó làm theo được, nhưng họ chủ trương tiết kiệm giản dị, điều này có thể chấp nhận. Pháp gia không phân thân sơ sang hèn, tất cả dùng pháp luật để phán đoán, lỗi ở chỗ quá vô tình, nhưng họ chủ trương tôn chủ ti thần, chức trách phân minh, cũng có thể chấp nhận. Nói tóm lại, cha cho rằng, các nhà đều có sở trường sở đoản, còn Đạo gia lại giỏi ở chỗ lấy sở trường bù sở đoản. Cho nên tính kế lâu dài, sự phát triển của Đạo gia mới là chính tông. Thời Văn Đế, Cảnh Đế, xã hội ổn định , dân tục thuần phác, sản vật phong phú, đó là kết quả mà tư tưởng Đạo gia đề xướng.
          Sự phân tích chỗ mạnh yếu ở các nhà của phụ thân, có thể nói là rõ ràng khúc chiết. Tư Mã Thiên nghe qua đã có được sự gợi mở.
          Sau khi hai cha con trò chuyện, Tư Mã Đàm cảm thấy con mình ngày càng ham học, phải sớm tìm cho con một người thầy giỏi hơn, và cung cấp điều kiện học tập tốt hơn, không thể để con tại quê nhà chăn trâu làm lỡ tiền đồ của con
          Trải qua sự suy tính cẩn thận, Tư Mã Đàm đã có một quyết sách trọng đại.
                                                                                    (còn tiếp)

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 28/5/2017

Nguồn
TƯ MÃ THIÊN
司马迁
 Tác giả: Đặng Tương Tử 邓湘子
Triết Giang thiếu niên nhi đồng xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post