DANH XƯNG “ĐÔN HOÀNG” CÓ LAI LỊCH NHƯ THẾ
NÀO
Hang động
Đôn Hoàng Mạc Cao 敦煌莫高 được cho là Viện bảo tàng nghệ thuật thế giới ở
phương đông, nơi đây không chỉ có nhiều hang động to lớn, tượng tạc tinh xảo,
bích hoạ huy hoàng, mà còn có số lượng kinh Phật rất nhiều khiến người ta phải
kinh ngạc. Năm 1900, sự kiện người nước ngoài lấy cắp những văn hiến trong tàng
kinh động đã làm chấn động thế giới lúc bấy giờ. Văn hoá Đôn Hoàng có nguồn gốc sâu xa, là tiêu điểm cho các nhà
khảo cổ và giới nghệ thuật nghiên cứu. Lật trang sách lịch sử, chúng ta không
khó để phát hiện ra rằng, theo sự biến thiên của triều đại, rất nhiều danh xưng
địa lí cũng đã biến đổi theo hoặc nhiều hoặc ít, duy chỉ có Đôn Hoàng, dường
như không có sự biến đổi nào, tại sao như thế?
Danh
xưng “Đôn Hoàng” 敦煌 xuất hiện sớm nhất trong Sử kí – Đại Uyển liệt truyện 史记 - 大宛列传. Theo sách
này ghi chép, Trương Khiên 张骞 đi sứ Tây Vực, có
đi ngang qua “Đôn Hoàng”. Sau khi trở về lại Trường An 长安,
Trương Khiên khi báo lên Hán Vũ Đế những điều mắt thấy tai nghe trên đường, có
nhắc đến “Đôn Hoàng”. Ông đã ngợi khen khiến Vũ Đế rất muốn đến vùng đất này. Về
sau, triều Tây Hán có được vùng đất này bèn lập ra quận Đôn Hoàng.
Đôn
Hoàng nằm trên trục giao quan trọng của Tây Vực, về nguồn gốc của danh xưng Đôn
Hoàng, đến nay vẫn chưa có sự luận định xác đáng. Có quan điểm cho rằng, tên
Đôn Hoàng là do Hán Vũ Đế lập quận mà có. Như Ứng Thiệu 应劭 thời Đông Hán nói rằng:
Đôn, đại dã. Hoàng, thịnh dã.
敦,
大也. 煌, 盛也
(Đôn là lớn. Hoàng là thịnh)
Hậu
nhân Lí Cát Phủ 李吉甫 bổ sung:
Đôn, đại dã, dĩ kì quảng khai Tây Vực, cố
dĩ thịnh danh.
敦, 大也, 以其广开西域, 顾以盛名
(Đôn là lớn, do mở rộng Tây Vực, nên nhân đó mà nổi
danh)
Rõ
ràng, họ cho rằng “Đôn Hoàng” là do triều Hán đặt ra. Nhưng theo sự nghiên cứu
văn hiến cùng những tư liệu khảo cổ không ngừng được phát hiện, thuyết này dần
bị phủ định.
Theo Sử kí 史记 và Hán thư 汉书, trước khi có
quận Đôn Hoàng, huyện
Đôn Hoàng thì danh xưng “Đôn Hoàng” trước đó đã xuất
hiện, cho nên có học giả cho rằng, “Đôn Hoàng” là dịch âm từ ngôn ngữ của dân tộc
thiểu số. Chứng cứ đó là trong tấu sớ mà Trương Khiên viết dâng lên Hán Vũ Đế,
thường đem 2 từ “Đôn Hoàng” 敦煌 và Kì Liên” 祁连dùng liền nhau. “Kì Liên” là dịch âm ngôn ngữ dân tộc
thiểu số, và “Đôn Hoàng” theo lí là cũng như thế.
Tư liệu
khảo cổ cho thấy, cư dân vốn cư trú ở Đôn Hoàng là người Hoả Thiêu Câu 火烧沟. Từ thời Chiến Quốc đến thời Tần Hán, giữa Đôn Hoàng
và Kì Liên có người Tắc Chủng 塞种, người Ô Tôn 乌孙, người Nguyệt Chi 月氏
cư trú. Về sau người Nguyệt Chi mạnh lên, độc chiếm vùng Hà Tây với cây cỏ
phong phú, sau khi Hung Nô phương bắc là
Thiền vu Mạo Đốn 冒顿 quật khởi, đánh bại
người Nguyệt Chi, nơi đây trở thành lãnh địa của Hung Nô. Nhân đó có học giả
cho rằng, “Đôn Hoàng” là dịch âm từ tiếng Hung Nô, nhưng trong văn tự Hung Nô
không hề thấy ghi chép về việc này.
Cũng có
học giả cho rằng, căn cứ vào tập quán của con người, có tập quán lấy 2 chữ của địa
danh và tộc danh vùng biên cương dịch đơn giản mà thành, họ cho rằng, “Đôn
Hoàng” là dịch một cách đơn giản từ “Thổ Hoả La” 土火罗.
Trong Sơn hải kinh – Bắc sơn kinh 山海经 - 北山经 có dịch “Thổ Hoả La” là “Đôn Hoăng” 敦薨, từ đó mà từ “Đôn Hoàng” xuất hiện trong Sử kí – Đại Uyển liệt truyện cũng là bắt
nguồn từ một tộc danh.
Về lai
lịch của từ “Đôn Hoàng”, mãi đến nay vẫn chưa có kết luận xác thiết, nhưng giới
học thuật có thể khẳng định rằng: “Đôn Hoàng là dịch âm từ ngôn ngữ dân tộc thiểu
số”.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 29/5/2017
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên
soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã,
2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật