CUNG A BÀNG CÓ PHẢI DO HẠNG VŨ ĐỐT
Sử sách
có ghi, Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ 项羽 sau khi tiến vào
Hàm Dương 咸阳, nhìn thấy bạo quân của triều Tần hưởng lạc xa xỉ như
thế, trong lòng cả giận, một ngọn lửa đã thiêu rụi cung A Bàng 阿房 (1). Từ đó mọi người cho rằng cung A Bàng là do Hạng Vũ đốt.
Nhưng hiện nay không ít người chỉ ra rằng, Hạng Vũ thiêu đốt kiến trúc cung điện
ở Hàm Dương, chứ không phải cung A Bàng. Rốt cuộc Hạng Vũ có thiêu đốt hay
không? Nếu không, thế thì cung A Bàng với quy mô to lớn đi đâu, vì sao lại biến
mất?
Thi
nhân Đỗ Mục 杜牧 đời Đường trong A
Bàng cung phú 阿房宫赋 đã
miêu tả cung này như sau:
Phú áp tam bách dư lí, cách li thiên nhật.
Li sơ bắc cấu nhi tây chiết, trực tẩu Hàm Dương. Nhị xuyên dung dung, lưu nhập
cung tường. Ngũ bộ nhất lâu, thập bộ nhất các; lang yêu mạn hồi, thiềm nha cao
trác; các bão địa thế, câu tâm đấu giác.
覆压三百余里, 隔离天日. 骊山北构而西折, 直走咸阳. 二川溶溶, 流入宫墙. 五步一楼, 十步一阁; 廊腰缦回, 檐牙高啄; 各抱地势, 钩心斗角.
(Mái
cung che phủ mặt đất hơn 300 dặm, cách mặt trời. Được xây dựng từ Li sơn phía bắc
rồi rẽ về phía tây, chạy thẳng một mạch tới Hàm Dương. Sông Vị, sông Phàn mênh
mông chảy vào tận bên trong cung tường. 5 bộ một lầu, 10 bộ một gác, hành lang như dải lụa vẫn vít, mái thềm sắp
xếp như hàm răng tựa mỏ chim mổ lên trời cao; lầu đài đều xây dựa theo thế đất
cao thấp, góc nhà chỗ thấp như móc vào mái nhà chỗ cao, nhìn như đang đấu
nhau.)
Đương
thời, Đỗ Mục nhìn thấy chỉ là những tường vách đổ nát, nhưng chúng ta vẫn có thể
tưởng tượng khí thế to lớn của cung A Bàng. Trong Sử kí – Tần Thuỷ Hoàng bản kỉ
史记 - 秦始皇本纪 có hình dung về cung A Bàng lúc bấy giờ như sau:
Tiền điện A Bàng đông tây ngũ bách bộ, nam bắc
ngũ thập trượng, thượng khả dĩ toạ vạn nhân, hạ khả dĩ kiến ngũ trượng kì, chu
trì vi các đạo, tự điện há trực để Nam sơn, biểu Nam sơn chi điên dĩ vi khuyết,
vi phức đạo, tự A Bàng độ Vị, thuộc chi Hàm Dương.
前殿阿房东西五百步, 南北五十丈, 上可以坐万人, 下可以建五丈旗, 周驰为阁道, 自殿下直抵南山, 表南山之巅以为阙, 为复道, 自阿房渡渭,属之咸阳.
(Tiền
điện A Bàng, đông tây rộng 500 bộ, nam bắc dài 50 trượng, bên trên có thể ngồi
được vạn người, bên dưới có thể dựng cột cờ cao 5 trượng, bốn phía chung quanh
xây cầu trên không làm đường, từ A Bàng đi thẳng xuống Nam sơn, trên đỉnh Nam
sơn dựng bài lâu làm cửa khuyết, xây cầu trên không. Từ A Bàng vượt qua sông Vị,
đi đến Hàm Dương)
Phụ cận
phía nam thôn A Bàng hiện nay có một nền đài lớn bằng đất nện, chu vi khoảng
310m, cao khoảng 20m, toàn dùng đất để xây, dân nơi đó gọi là “Thuỷ Hoàng thướng
thiên đài” 始皇上天台. Phụ cận phía tây nam thôn A Bàng, đất nện kéo dài
không dứt, hình thành vùng đất hình chữ nhật, diện tích khoảng 26.000m2, dân địa
phương gọi là “Mi Ổ lãnh” 眉坞岭. Hai nơi này là di
tích kiến trúc rõ nét nhất trong di chỉ cung A Bàng.
Vì sao
xây cung A Bàng và hàm nghĩa tên gọi của nó vẫn còn có nhiều thuyết. Trong truyền
thuyết, Tần Vương Doanh Chính 嬴政 yêu một cô gái dân gian xinh đẹp, tên là A Bàng 阿房. Câu chuyện ái tình này rốt cuộc không có kết cục tốt
đẹp, để kỉ niệm người con gái mà mình từng yêu, Tần Thuỷ Hoàng không tiếc hao
phí nhân lực vật lực xây nên cung A Bàng xa hoa cực độ.
Căn cứ
vào những phát hiện khảo cổ gần đây, các chuyên gia cho rằng, những ghi chép
trong lịch sử liên quan đến việc Hạng Vũ thiêu đốt cung A Bàng là không chuẩn
xác. Theo đội khảo cổ giới thiệu, trong khoảng thời gian một năm, nhân viên khảo
cổ nghiên cứu tìm hiểu qua một khu vực với diện tích hơn 20000m2, diện tích
phát quật cũng lên đến 1000m2, nhưng đất bị thiêu đỏ phát hiện được chỉ là mấy
khoảnh, số lượng rất ít. Nếu như nói với một diện tích lớn bị thiêu đốt trong 3
tháng (theo sử liệu ghi chép), thì đất bị thiêu đỏ phải có khắp nơi. Ngoài đất
bị thiêu đỏ ra, còn có cả tro than của cây cỏ nữa chứ.
Thế
thì, cung điện mà Hạng Vũ thiêu đốt như trong sử sách ghi chép là cung điện
nào? Có người cho rằng: “Hạng Vũ thiêu đốt cung Hàm Dương.” Còn liên quan đến
thuyết Hạng Vũ thiêu đốt cung A Bàng, lửa cháy 3 tháng không tắt, trong các tư
liệu văn hiến thời Tần Hán không có ghi như thế, có thể là do người đời sau đối
với văn hiến cổ đã lí giải nhầm. Họ nói rằng: trong Sử kí – Hạng Vũ bản kỉ, Hạng Vũ đồ sát dân chúng tại Hàm Dương, “thiêu Tần
cung thất, hoả tam nguyệt bất diệt” 烧秦宫室, 火三月不灭(thiêu đốt cung thất nhà Tần, lửa cháy 3 tháng không dứt).
Ở đây nói địa điểm mà lửa thiêu đốt cung thất nhà Tần là tại Hàm Dương. Các
thiên khác trong Sử kí càng nói rõ địa
điểm thiêu đốt cung điện triều Tần là Hàm Dương. Trong Cao Tổ bản kỉ 高祖本纪 có nói, Hạng Vũ “đồ thiêu Hàm Dương Tần cung thất” 屠烧咸阳秦宫室; trong Tần Thuỷ
Hoàng bản kỉ 秦始皇本纪 cũng nói Hạng Vũ “toại đồ Hàm Dương, thiêu kì cung thất”
遂屠咸阳, 烧其宫室. Hàm Dương là
kinh đô triều Tần, cung điện thiêu huỷ cũng là cung điện kinh đô, căn bản không
phải cung A Bàng được xây trong Thượng Lâm uyển 上林苑 ở phía nam sông
Vị. Điều này đã được chứng thực từ những khai quật khảo cổ sau này, di chỉ cung
Hàm Dương từng phát hiện di tích một khu vực lớn đất đỏ bị thiêu đốt.
Cung A
Bàng không bị huỷ diệt bởi lửa, thế thì rốt cuộc bị huỷ vì thứ gì?
Có người
nói, kì thực cung A Bàng hoàn toàn không to lớn như tưởng tượng, nó là một công
trình chưa hoàn thành, tuy Tần Thuỷ Hoàng có ý xây dựng thành một quần thể cung
điện to lớn, nhưng vì chưa kịp xong thì Tần Thuỷ Hoàng qua đời. Trong quá trình
hơn một năm nghiên cứu tìm hiểu di chỉ tiền điện, nhân viên khảo cổ không phát
hiện một viên ngói đời Tần cùng những mảnh vở của nó mà đương thời dùng phổ biến
trong xây dựng. Điều này nói rõ kiến trúc chủ thể cung A Bàng đương thời chưa lợp
mái. Họ phân tích rằng, “cung A Bàng có khả năng xong phần cơ sở, nhưng cung điện
chưa lợp xong hoàn toàn.” Đương thời xây dựng cung A Bàng chưa tới hơn một năm
thì Tần Thuỷ Hoàng đã mất, sức lao động bị điều đi xây lăng mộ, lăng mộ chưa
xây xong, Tần Nhị Thế đã rớt đài, cung A Bàng cũng chưa hoàn công. Việc khai quật
khảo cổ lần đó không tìm thấy một thứ gì của phần mái cũng là một chứng cứ.
Cung A Bàng chỉ là một quy hoạch to lớn, về cơ bản chưa xây dựng, thế thì việc
không thấy cung A Bàng là dễ giải thích, không tồn tại vấn đề bị huỷ diệt.
Nhưng
nhiều người cho rằng, cho dù cung A Bàng có khả năng chưa hoàn thành, nhưng nhất
định nó đã có qua quy mô cụ thể, có nhiều kiến trúc. Còn như những kiến trúc đó
nếu không phải bị Hạng Vũ thiêu đốt, thế thì bị huỷ hoại như thế nào, vấn đề đó
vẫn còn là một bí ẩn thiên cổ, đợi tương lai làm rõ.
Chú của người
dịch
1- Về chữ 房 trong tên cung 阿房:
Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có 2 âm
“phòng” và “bàng”. Với âm “bàng” ghi rằng:
A bàng 阿房 tên cung điện
của nhà Tần.
(trang 223, nxb tp/ Hồ Chí
Minh, năm 1993)
Trong Khang Hi tự điển 康熙字典:
- 房 bính âm fáng.
Đường vận 唐韻, Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 đều phiên thiết là PHÙ PHƯƠNG 符方, âm 防 (phòng).
- 房 bính âm páng.
Quảng vận 廣韻 phiên thiết là BỘ QUANG 步光
Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 phiên thiết là BỒ QUANG
Đều âm 傍 (bàng). Trong Quảng vận 廣韻 ghi rằng:
A Bàng, Tần cung danh
阿房, 秦宮名
(A Bàng là tên một cung nhà Tần)
(trang
362, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, năm 2002)
Ở “Tần Thuỷ Hoàng bản kỉ” đã
bính âm hai chữ 阿房 là e (thanh
1) pang (thanh 2), như vậy tên cung đọc
là “A Bàng”.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 01/5/2017
Nguyên tác Trung văn
A BÀNG CUNG CHÂN ĐÍCH THỊ HẠNG VŨ THIÊU ĐÍCH MA
阿房宫真的是项羽烧的吗
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Tác giả: Hải Tử 海子
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật