Dịch thuật: "Tam bả hoả"



三把火
          肇十有二州 (1), 封十有二山, 浚川 (2).
象以典刑 (3), 流宥五刑 (4), 鞭作官刑, 扑作教刑 (5), 金作赎刑. 眚灾肆赦 (6), 怙终贼刑 (7). 钦哉, 钦哉, 惟刑之恤哉 (8)!
流共工于幽州 (9), 放驩兜于崇山 (10)! 窜三苗于三危 (11), 殛鰥于羽山 (12), 四罪而天下咸服.

“TAM BẢ HOẢ”
          Triệu thập hữu nhị châu (1), phong thập hữu nhị sơn, tuấn xuyên (2).
          Tượng dĩ điển hình (3), lưu hựu ngũ hình (4), tiên tác quan hình, phác dĩ giáo hình (5), kim tác thục hình. Sảnh tai tứ xá (6), hỗ chung tặc hình (7). Khâm tai, khâm tai, duy hình chi tuất tai (8)!
          Lưu Cung Công vu U Châu (9), phóng Hoan Đâu vu Sùng Sơn (10)! Thoán Tam Miêu vu Tam Nguy (11), cức Cổn vu Vũ Sơn (12), tứ tội nhi thiên hạ hàm phục.

Chú thích
1- Triệu : ở đây chỉ việc vạch định khu vực
2- Tuấn : khơi thông. 
3- Tượng : khắc hoạ.
          Điển : thường, thường dùng. Điển hình 典刑: 5 loại hình phạt thường dùng là mặc , tị , phí , cung , đại tịch 大辟.
4- Lưu : cho đi đày
          Hựu : khoan thứ.
5- Phác : một loại công cụ mà các trường thời cổ dùng để đánh phạt.
6- Sảnh : lỗi lầm.
          Tứ : thế là
7- Hỗ : dựa vào.
          Tặc : ở đây dùng như chữ (tắc).
8- Tuất : thận trọng.
9- U Châu 幽州: địa danh, khu vực biên giới phía bắc.
10- Sùng Sơn 崇山: địa danh, hiện nay tại phía nam Hoàng Pha 黄陂 Hồ Bắc 胡北.
11- Tam Miêu 三苗: tên một nước thời cổ, hiện nay bên trong tỉnh Hồ Nam 湖南 và Giang Tây 江西.
          Tam Nguy 三危: địa danh, hiện nay tại vùng Đôn Hoàng 敦煌 Cam Túc 甘肃.
12- Cức : cho đi đày.
          Vũ Sơn 羽山: địa danh, ở phía đông.

“BA NGỌN ĐUỐC”
          Đế Thuấn vạch định cương giới 12 châu, đắp đất lập đàn trên 12 ngọn núi để tế tự, đồng thời khơi thông sông ngòi.
Đế Thuấn đem 5 loại hình phạt thường dùng khắc hoạ trên đồ vật, dùng biện pháp lưu đày thay cho ngũ hình để biểu thị lòng khoan dung, dùng hình phạt roi trừng phạt quan viên phạm tội, dùng gậy để trừng phạt người nắm giữ việc giáo hoá mắc phải tội, lấy đồng làm hình phạt chuộc tội. Nhân vì lỗi lầm mà phạm tội, có thể xá miễn: nếu phạm tội mà không biết hối cải, thì dùng hình phạt. Thận trọng! thận trọng! khi sử dụng hình phạt nhất định phải thận trọng.
Đế Thuấn đày Cung Công đến U Châu, đày Hoan Đâu đến Sùng Sơn, đuổi Tam Miêu đến Tam Nguy, đày ông  Cổn đến Vũ Sơn. Bốn tội nhân này chịu hình phạt thích đáng, người trong thiên hạ đều hài lòng thần phục.

Giải bình
          Đế Thuấn sau khi lên ngôi, đã thắp lên 3 ngọn đuốc:
          - Vạch định cương giới các châu
          - Chế định hình phạt
          - Đày các đại thần của Đế Nghiêu là Cung Công, Hoan Đâu, Cổn cùng Tam Miêu.
Vì thế nhân tâm trong thiên hạ quy thuận. Tiếp đó là bổ nhiệm các quan, khiến cỗ máy đất nước được vận chuyển. Đế Thuấn 30 tuổi theo chính sự, ở vị trí đế vương 50 năm, về sau thanh danh lưu truyền trong sử sách.
          Lòng tin của người Trung Quốc đối với các tân quan, hơn một nửa gởi gắm vào “3 ngọn đuốc”. Trọng tâm “3 ngọn đuốc” của Đế Thuấn ở chỗ hình phạt, cho thấy ông coi trọng việc “y pháp trị quốc” 依法治国. Điều đó với việc các vị đế vương đời sau khi có được thiên hạ cho xây dựng những công trình to lớn, ban thưởng công thần, tranh quyền đoạt lợi đã hình thành sự đối lập rõ nét.
          Điều đáng chú ý nữa, Đế Thuấn thận trọng dùng hình phạt, lấy việc răn đe làm mục đích, phân biệt tội trạng, xử phạt thích đáng. Đó là là khu biệt giữa vị khai minh quân chủ với bạo quân (như Tần Thuỷ Hoàng, Tuỳ Dượng Đế). Mấu chốt của việc trị quốc là ở nhân tâm. Không chỉ cần phải thưởng phạt phân minh, mà còn phải thưởng phạt thích đáng, mới có thể khiến nhân tâm quy thuận, thiên hạ đại trị. Thi nhân Đỗ Phủ ưu quốc ưu dân từng nói:
Trí quân Nghiêu Thuấn thượng
Tái sử phong tục thuần
致君尧舜上
再使风俗淳
(Ra sức để hoàng thượng đạt được cảnh giới trị quốc như Đế Nghiêu Đế Thuấn
Khiến xã hội một lần nữa có được phong tục thuần hậu chất phác)
Lời đó đã biểu minh tấm lòng Đỗ Phủ luôn hướng đến thời đại Nghiêu Thuấn.

Chú của người dịch
          Đoạn văn trên ở thiên Thuấn điển 舜典 trong Thượng Thư 尚书

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 28/3/2017

Nguồn
Previous Post Next Post