Dịch thuật: Nguyên nhân hưng thịnh của Tống từ (kì 5)

NGUYÊN NHÂN HƯNG THỊNH CỦA TỐNG TỪ
(kì 5)

 ẢNH HƯỞNG NGƯỢC CỦA ĐẠO HỌC
          Quý tộc cung đình cùng các học sĩ đại phu thời Tống tuy chìm đắm trong không khí say sưa múa hát, nhưng ở vào địa vị lãnh đạo tư tưởng họ lại là những đạo học gia chánh tâm thành ý. Những đạo học gia này vừa có một bộ mặt khác vừa có một dáng vẻ khác, họ ra sức áp chế dục tình, khuếch sung lý trí, việc gì cũng quản, việc gì cũng thích phê bình. Tư tưởng của họ phản ánh trong văn học là văn học quan chính thống. Tôn chỉ của họ là coi nhẹ cái đẹp văn chương, đề xướng tản văn, phản đối tính duy mỹ ở văn học và những biểu hiện diễm tình phong hoa tuyết nguyệt, cổ xuý cho tính thực dụng và tính giáo dục của văn học. Nói một cách đơn giản, văn học không phải để ngôn tình mà là để tải đạo. Loại tư tưởng này, bắt đầu từ Mục Tu 穆修, Thạch Giới 石介 đầu thời Tống, cho đến Chu Đôn Di 周敦颐, Thiệu Ung 邵雍, Nhị Trình 二程, Chu Tử 朱子, tạo thành một hệ thống đầy sức mạnh, trong hoàn cảnh ấy, ảnh hưởng mà giới văn học chính thống tiếp thụ là vô cùng rõ nét. Phong trào cổ văn của Âu Dương Tu 欧阳修, Tô Đông Pha 苏东坡; thơ Tống quét sạch sắc tình phấn sáp là những minh chứng rõ ràng nhất. Người trước phê bình thơ Tống “hay nói nghị luận” “nói lý không nói tình” đó là những tệ nạn, họ đâu biết rằng về điểm này là có bối cảnh tư tưởng của nó. Vì thế văn có văn giáo, thi có thi giáo, hai bộ môn văn học này, vô hình đã chịu sự chỉ đạo và quản thúc của đạo học không nhiều thì ít và đã bị khuất phục. Nhưng dục tình và tình cảm lãng mạn của nhân loại rốt cuộc không thể bị áp chế hoàn toàn, cho dù có gặp trở ngại nào nó vẫn luôn tìm lối thoát. Từ đúng là lối thoát cho dục tình của người thời Tống. Văn cần phải tải đạo, thi cần phải giảng thi giáo, nhưng từ - loại ca từ mới nổi lên, vốn là trò mua vui nơi miệng các kỹ nữ, sinh ra đã có tố chất diễm lệ phóng đãng, muốn tải đạo cũng không biết phải tải từ đâu, muốn giảng từ giáo cũng không biết phải bắt đầu từ chỗ nào, vì thế các đạo học gia đã xem nhẹ đội quân du kích trong giới văn học này, cho rằng nó xuất thân ty tiện cần vứt bỏ, cho nên thời Tống có Đạo học cổ văn gia, có Đạo học thi gia mà không thấy có Đạo học từ nhân. Một là từ vốn không thể chứa đựng đạo học, hai là các Đạo học gia xem thường từ, vì thế trong hoàn cảnh ấy, từ trở thành mảnh đất màu mỡ để cho các anh tài phát tiết dục tình,  trở thành nơi lánh nạn để cho các sĩ đại phu sau khi tháo gỡ bộ mặt đạo học thể hiện cuộc sống riêng tư của mình, trở thành con đường phát triển có xu hướng ngày càng phồn thịnh cho nhạc phủ và ca dao đang lưu hành chốn dân gian, từ đó hình thành nên thể thơ mới tự do nhất, lãng mạn nhất. Yến Cơ Đạo 晏几道, Liễu Vĩnh 柳永không cần phải nói, ngay cả Phạm Trọng Yêm 范仲淹, Tư Mã Quang 司马光, Âu Dương Tu 欧阳修, Vương An Thạch 王安石 trong thơ của họ giảng về đạo lý, nói toàn những lời chính phái, nhưng một khi đến với từ lại viết ra những lời bóng bẩy diễm tình. Hoàng Sơn Cốc 黄山谷 – lãnh tụ của Giang Tây thi phái khi làm thơ phản đối diễm thể, phản đối sự thông tục thô thiển, nhưng trong từ của ông, uế tạp còn hơn cả Liễu Vĩnh, tục ngữ phương ngôn mà Hoàng Sơn Cốc sử dụng có thể sánh với cái đẹp của những kỳ văn cổ tự trong thơ của ông. Về điểm này, chúng ta có thể thấy được rằng thái độ của những người này khi viết văn làm thơ là nghiêm túc, còn khi sáng tác từ quả là có mấy phần lãng mạn. Đến thời Nam Tống, thái độ này đã bắt đầu thay đổi, nhìn chung các từ gia cũng giống như Hoàng Sơn Cốc, Trần Vô Kỷ khi làm thơ, họ dùng hết tâm trí, ra sức đẽo gọt cầu có được sự điển nhã tinh xảo, vì thế từ đã bước lên con đường cổ điển. Từ thời Bắc Tống tuy có lúc cảm thấy thô sơ, nhưng đều có hơi thở, có tình ý, có cá tính, có sức sống, còn từ thời Nam Tống thì ngược lại, nguyên nhân chính là ở đó. Quan niệm đạo học ức chế đối với thơ văn tạo đã ra sự trợ giúp ngược cho thời vận phát triển của ca từ hướng dần đến tự do lãng mạn, chúng ta có thể gọi đó là “ảnh hưởng ngược của đạo học”.
          Như trên đã trình bày, những mối quan hệ tương giao sự thực phát sinh tác dụng tương hỗ tự nhiên sẽ hình thành một hoàn cảnh phát triển đặc biệt có lợi cho từ. Vì thế, từ đời Tống độc thịnh một thời, các từ gia nổi tiếng lớp lớp xuất hiện, từ được phổ biến đến tận dân gian, điều này hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên.  (hết)

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 27/3/2017

Nguyên tác Trung văn
TỐNG TỪ HƯNG THỊNH ĐÍCH NGUYÊN NHÂN
宋词兴盛的原因
Trong quyển
TRUNG QUỐC VĂN HỌC SỬ PHÁT TRIỂN
中国文学史发展
Tác giả: Lưu Đại Kiệt 刘大杰
Thiên Tân: Bách Hoa văn nghệ xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post