Dịch thuật: Phong Thiện

PHONG THIỆN

          Phong Thiện 封禅 là điển lễ đế vương nhận mệnh từ trời. Nghi thức này khởi nguồn từ thời Xuân Thu Chiến Quốc. Đương thời, các nho sĩ nước Tề nước  Lỗ cho rằng Thái sơn 泰山 là núi cao nhất trong thiên hạ, đế vương tối cao chốn nhân gian phải đến ngọn núi cao nhất này để tế thần linh chí cao vô thượng, mà Thái sơn lại là phân giới giữa Tề và Lỗ. Về sau, nghi thức tế tự Thái sơn được mở rộng thành tế vọng thống nhất đế quốc, đồng thời định danh là “Phong Thiện”. Trong hai chữ “Phong Thiện”, “Phong” ý nghĩa là tế Thiên, “Thiện” ý nghĩa là tế Địa. Lễ Phong Thiện, được thấy sớm nhất ở  thiên Phong Thiện 封禅 trong Quản Tử 管子, nhưng thiên này đã thất truyền. Theo lời của Quản Trọng 管仲 luận về Phong Thiện được chép trong Sử kí – Phong Thiện thư 史记 - 封禅书: thời cổ, đế vương Phong Thái sơn 泰山, Thiện Lương Phụ 梁父 có 72 đời, Quản Trọng nhớ được 12 đời. Từ Vô Hoài thị 无怀氏 đến Chu Thành Vương 周成王, đều cử hành điển lễ sau khi thụ mệnh. Đế vương thụ mệnh phải có 15 điềm lành không triệu mà đến thể hiện ra, như vậy mới có thể cử hành điển lễ. Bộ Quản Tử xuất xứ từ học phái ở Tắc Hạ 稷下 nước Tề thời Chiến Quốc, vì thế có lẽ nó đại biểu cho cách nhìn của các Âm Dương gia đối với Phong Thiện.
          Người đầu tiên chân chính cử hành Phong Thiện là Tần Thuỷ Hoàng. Năm Thuỷ Hoàng thứ 3, tuần thú quận huyện đã cùng với các nho sĩ thảo luận điển lễ Phong Thiện. Các Bác sĩ nghị luận sôi nổi, nhưng không đưa ra trình từ lễ nghi cụ thể. Tần Thuỷ Hoàng bèn mượn dùng nghi điển tế Thượng Đế vốn có của nước Tần, trước tiên đến Thái sơn cử hành Phong lễ, sau đó đến Lương Phụ cử hành Thiện lễ. Đầu thời Hán, kinh tế sa sút, năm Hán Văn Đế thứ 13 (năm 167 trước công nguyên), tuy có thảo luận qua Phong Thiện, nhưng vì không có điều kiện kinh tế nên không làm. Thời Vũ Đế kinh tế phục hồi, vì thế sai Triệu Oản 赵绾, Vương Tang 王臧 “thảo tuần thú, Phong Thiện, cải đổi lịch, phục sắc”. Nhưng do Đậu Thái hậu cực lực phản đối nên thôi. Năm Nguyên Phong 元封 thứ 1 (năm 110 trước công nguyên), Vũ Đế mới cử hành Phong Thiện. Nhưng lần Phong Thiện đó, không những nghi thức cụ thể chủ yếu do phương sĩ đảm nhiệm, mà việc cử hành cũng thần bí, sử quan cũng không biết tường tận. Phong ở Thái sơn 泰山, Thiện ở Túc Nhiên sơn 肃然山 (đông bắc Thái sơn), đồng thời cải nguyên là Nguyên Phong 元封. Từ đó về sau, cứ cách 5 năm tổ chức một lần. Trước sau tổng cộng cử hành qua 5 lần. Năm Kiến Vũ 建武 thứ 30 thời Đông Hán (năm 54), đại thần Trương Thuần 张纯 tấu thỉnh Hán Quang Vũ Đế Phong Thiện, nhưng ông cho mình không có đức nên không đồng ý. Hai năm sau, ông tin sấm văn “Xích Lưu chi cửu, hội mệnh Đại Tông” 赤刘之九, 会命岱宗 (9 đời của triều Hán, thụ mệnh ở Đại Tông) (1), sai Lương Tùng 梁松 tìm chế điển Phong Thiện của 9 đời, sau đó đi tuần về phía đông, Phong ở Thái sơn, Thiện ở Lương Âm 梁阴, đồng thời cải nguyên là Trung Nguyên 中元 nguyên niên (năm 56).
          Sau này, trong lịch sử Trung Quốc, Đường Cao Tông, Tống Chân Tông có cử hành qua Phong Thiện.

Chú của người dịch
1- Xích Lưu 赤刘: thời cổ, các nhà sấm vĩ cho triều Hán là “dĩ hoả đức vi vương” 以火德为王”, hoả sắc đỏ, còn triều Hán họ Lưu , cho nên nhân đó dùng “Xích Lưu” để chỉ triều Hán.
          Đại tông 岱宗: từ tôn xưng Thái sơn. Thái sơn còn được gọi là Đại sơn 岱山, Đại nhạc 岱岳, Đông nhạc 东岳, đứng đầu danh sơn toàn quốc, được xưng tụng là “thiên hạ đệ nhất sơn” 天下第一山.
          “Thái” có nghĩa là cực lớn, là thông  sướng, an ninh.
          “Tông” có nghĩa là trưởng, là đứng đầu
          Thái sơn là “ngũ nhạc chi trưởng”, cũng là “quần nhạc chi trưởng”. Ngũ nhạc gồm:
          Đông nhạc Thái sơn 东岳泰山
          Tây nhạc Hoá sơn 西岳华山
          Nam nhạc Hành sơn 南岳恒山
          Bắc nhạc Hằng sơn 北岳恒山
          Trung nhạc Tung sơn 中岳嵩山

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 20/02/2017


Previous Post Next Post