Dịch thuật: Danh lợi bất khả tham, học nghiệp tại đức hạnh


名利不可贪, 学业在德行
    名利之不宜得者竟得之, 福终为祸; 困穷之最难耐者能耐之, 若定回甘. 生资之高在忠信, 非关机巧; 学业之美在德行, 不仅文章.
                                                                          (围炉夜话)

DANH LỢI BẤT KHẢ THAM, HỌC NGHIỆP TẠI ĐỨC HẠNH
          Danh lợi chi bất nghi đắc cánh đắc chi, phúc chung vi hoạ; khốn cùng chi tối nan nại giả năng nại chi, nhược định hồi cam. Sinh tư chi cao tại trung tín, phi quan cơ xảo; học nghiệp chi mĩ tại đức hạnh, bất cận văn chương.
                                                                               (Vi Lô Dạ Thoại)

DANH LỢI KHÔNG THỂ THAM,
HỌC NGHIỆP Ở CHỖ ĐỨC HẠNH
          Có được danh lợi mà vốn không đáng có, ban đầu là phúc nhưng cuối cùng trở thành hoạ; ở vào cảnh khốn cùng khó chịu đựng nhất mà có thể chịu đựng được, cuối cùng sung sướng tất sẽ trở về. Tư chất cao thấp của con người ở chỗ có lòng trung tín hay không, không phải ở chỗ khéo dùng cơ xảo; người có học vấn tốt là ở đức hạnh cao thấp, không phải chỉ ở văn chương.

Phân tích và thưởng thức
          Một người có thể thành danh, nhất định phải có chỗ hơn người, nếu không thì cũng có sở trường nhân đó mà được danh. Một người có thể có được lợi, tất nhiên đã từng nỗ lực, đổ mồ hôi và công sức, nếu không thì dựa vào đâu mà có được lợi? Điều mà gọi là “danh chi bất nghi đắc” 名之不宜得, chính là bản thân mình không có sở trường và ưu điểm tương đương, không đủ để mà có được danh ấy; còn “lợi chi bất nghi đắc giả” 利之不宜得者,  tức bản thân mình không hề bỏ ra một chút công sức nào, không đủ để có được cái lợi ấy. Nhưng, cứ an nhiên hưởng thụ, hoặc dùng những thủ đoạn không chính đáng để có được, thế thì, danh và lợi ấy, nhìn từ bề ngoài như là phúc, nhưng cuối cùng sẽ thành hoạ. Vì sao vậy? bởi cổ nhân có nói danh và thực không phù hợp nhau, bản thân sẽ thành hoạ. Vì sao vậy? bởi cổ nhân có nói danh và thực phải phù hợp nhau, bản thân không có ưu điểm tương đương với danh đó, lâu ngày bị người khác thấy được. Nguyên cho là thiên tài, cuối cùng là cái bọc mủ; nguyên cho là kẻ sĩ tài giỏi, cuối cùng chỉ là kẻ lừa gạt. Đến lúc đó, mĩ danh biến thành xú danh, há chẳng phải là “phúc chung vi hoạ” sao? Lợi ích không đáng có mà lại đi tranh đoạt, bỏ ra nhiều tâm huyết tất nhiên không dễ dàng, hoặc giả báo thù riêng, hoặc giả công khai tố tụng. Cho dù không như thế, thì “lấy một phân, cũng trả một lượng”. Quan hệ nhân quả không phải là không có đạo lí.
          Người ở vào cảnh khốn cùng, cố nhiên là khó chịu đựng được, nhưng nguyên nhân các vĩ nhân xưa nay lúc ban đầu ở vào cảnh khốn cùng cuối cùng có thể phát đạt, đa phần vì có thể nhẫn nại vượt qua những tháng ngày khó  khăn đó. Nhân vì lúc khốn cùng, chí tiết của con người là có thể mài giũa nhất. Điều mà gọi là:
          Lao kì cân cốt, ngạ kì thể phu, không phạp kì thân,  hành phất loạn kì sở vi, sở dĩ động tâm nhẫn tính, tăng ích kì sở bất năng.
          劳其筋骨, 饿其体肤, 空乏其身, 行拂乱其所为, 所以动心忍性, 增益其所不能.
          (Làm cho gân cốt mệt mỏi, cơ thể đói khát, thân thể tiều tuỵ, hành vi rối loạn, luôn không được như ý; thông qua những điều đó để cảnh tỉnh trong lòng, rèn tính nhẫn nại, tăng thêm tài năng mà chưa có đủ)
          Người mà có thể chịu đựng được khốn khổ, đủ thấy tâm chí kiên cường. Trong Dịch kinh 易经 có nói “bĩ cực thái lai” 否极泰来, cũng chính là “khổ tận cam lai” 苦尽甘来.
          Tư chất thiên tính của con người khác nhau, người cơ trí xảo diệu không nhất thiết thiên tư cao. Bởi người cơ trí xảo diệu nếu như tâm không tốt, sẽ trở thành hoạ hại của xã hội, như thế thì có ích gì? Chẳng bằng người tuy có ngu một chút nhưng trung hậu thực thà, những người đó nhiều ít cũng có lợi cho xã hội. Nhìn từ điểm này, tư chất của những người đó tương đối cao hơn hạng người trước. Cũng như vậy, người có học vấn tốt, chưa hẳn là người viết văn chương hay, bởi vì đọc sách là đạo lí học làm người, có người văn chương tuy hay nhưng phẩm đức rất kém, làm sao có thể cho là người có học vấn? chẳng bằng những sách đó tuy đọc không nhiều, nhưng thông hiểu nhân tình sự lí. Đương nhiên, nếu cả hai có đủ, thì đó là điều tốt nhất.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 18/02/2017

Nguồn
VI LÔ DẠ THOẠI
围炉夜话
Tác giả: Vương Vĩnh Bân 王永彬
Thiểm Tây lữ du xuất bản xã, 2002. 
Previous Post Next Post