Dịch thuật: Kiêm tương ái, giao tương lợi

KIÊM TƯƠNG ÁI, GIAO TƯƠNG LỢI

          “Kiêm tương ái, giao tương lợi” 兼相爱, 交相利 là mưu lược trị quốc do Mặc Địch 墨翟 người sáng lập học phái Mặc gia đề xuất, là cương lĩnh cơ bản của học thuyết Mặc Tử.
          Gọi là “kiêm ái” chính là yêu người như yêu mình, muốn người trong thiên hạ đều tương thân tương ái lẫn nhau. Theo cách nhìn của Mặc Tử, nguyên nhân sinh ra mọi hoạ loạn trong thiên hạ như cướp đoạt, ai oán, thù hận v.v... đều do không tương ái mà ra. Chư hầu không tương ái tất sẽ đánh nhau, khanh đại phu không tương ái, tất sẽ tranh đoạt lẫn nhau, người với người không tương ái tất làm tổn thương lẫn nhau, quân thần không tương ái tất bất huệ bất trung, phụ tử không tương ái tất bất từ bất hiếu, huynh đệ không tương ái tất gia đình không hoà mục. Với cục diện đó, cần phải dùng phương pháp kiêm tương ái, giao tương lợi để giải quyết, xem nước của người như nước mình, xem gia đình của người như gia đình mình, xem thân thể của người như thân thể mình. Nếu người trong thiên hạ đều kiêm ái, thì sẽ không có việc kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu, người giàu khinh khi người nghèo.
          Mục đích và biểu hiện của kiêm ái là giao lợi. Mặc Tử cho rằng, yêu người khác, người khác nhất định sẽ yêu lại mình; làm lợi cho người khác, người khác nhất định sẽ làm lợi lại cho mình. Nếu ghét người khác, người khác nhất định sẽ ghét mình; làm hại người khác, người khác nhất định sẽ làm hại mình. Do đó, người trong thiên hạ tương thân tương ái lẫn nhau, có thể “giao lợi” lẫn nhau, lợi ích của mỗi người có thể có được đầy đủ.
          Trong thực tiễn trị quốc, để thực hiện “kiêm tương ái”, “giao tương lợi”, về nội chính, Mặc Tử đề xuất chủ trương “thượng hiền” 尚贤, “thượng đồng” 上同; về quan hệ đối ngoại, chủ trương “phi công” 非攻. “Thượng hiền” chính là tiến cử người có đức có tài, cho dù địa vị xuất thân của người đó có nghèo hèn thấp kém, “tuy là nông dân hoặc công nhân, hễ có tài thì tiến cử”. “Thượng đồng” 尚同 tức 上同, chính là ý kiến của mọi người phải thống nhất ở cấp trên, từ một làng một xóm của một địa phương cho đến cả thiên hạ, đều phải thống nhất ở vị trưởng quan của họ, cấp dưới đều phải theo sự thống nhất ở cấp trên, cho đến thiên tử phải thống nhất ở “thiên”. Mặc Tử chủ trương “phi công”, chính là phản đối chiến tranh nước lớn đánh nước nhỏ, nước mạnh đánh nước yếu. Mặc Tử cho rằng chiến tranh đó đem lại tai nạn vô cùng cho dân chúng, là “cái hại to lớn trong thiên hạ” (thiên hạ chi cự hại 天下之巨害), còn căn nguyên của chiến tranh đó thì là do không tương ái mà ra.
          Có một lần, Mặc Tử nghe được tin nước Sở sắp đánh nước Tống, liền vội vàng từ nước Sở khởi hành, đi suốt 10 ngày 10 đêm đến đô thành nước Sở là Dĩnh , để gặp Sở Vương. Sau khi bái chào Sở Vương, Mặc Tử hỏi rằng:
          - Nghe nói đại vương sắp đánh nước Tống, có chuyện đó không?
          Sở Vương đáp rằng:
          - Có.
          Mặc Tử nói tiếp:
          - Hiện tại ở đây có một người, xe cộ lộng lẫy của mình không dùng, lại đến hàng xóm lấy cắp xe cũ nát; quần áo lụa là thêu hoa của mình không mặc, lại đến hàng xóm lấy cắp quần áo vải thô; sơn hào hải vị của mình không dùng, lại đến hàng xóm lấy cắp hèm rượu và cám. Đó là hạng người như thế nào?
          Sở Vương đáp rằng:
          - Hạng người đó nhất định là mắc chứng bệnh trộm cắp.
          Lúc bấy giờ, Mặc Tử chuyển mũi nhọn, nói rằng:
          - Cương thổ nước Sở vuông tròn 5000 dặm; cương thổ nước Tống chỉ có 500 dặm, đó cũng giống như xe cộ lộng lẫy sánh với xe cũ nát. Nước Sở có đầm Vân Mộng 云梦, khắp nơi có tê ngưu, hươu nai; Trường giang, Hán thuỷ có cá, ba ba, cá sấu Dương Tử, tính ra là giàu có nhất trong thiên hạ; nước Tống ngược lại ngay cả gà rừng, thỏ, cá giếc đều không có, đó cũng giống như sơn hào hải vị sánh với hèm rượu và cám. Nước Sở có đại thụ như thông, tử, nam mộc, chương mộc; nước Tống không có đại thụ, đó cũng như quần áo lụa là thêu hoa sánh với quần áo vải thô. Cho nên, thần cho rằng việc đại vương đánh nước Tống cũng giống như thế.
          Đồng thời, Mặc Tử còn cùng đại thần nước Sở là Công Thâu Ban 公输般 tiến hành so sánh khí giới và chiến thuật, khiến Sở Vương và Công Thâu Ban đuối lí. Cuối cùng, Sở Vương nói:
          - Được rồi! Ta không đánh nước Tống nữa.
          Mặc Tử dùng mưu lược “kiêm tương ái”, “giao tương lợi” và tư tưởng “phi công” ngăn chận được chiến tranh.

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 03/01/2017

Nguyên tác Trung văn
KIÊM TƯƠNG ÁI, GIAO TƯƠNG LỢI
兼相爱交相利
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post