Dịch thuật: Voi và chuột

VOI VÀ CHUỘT

          Tại một vùng nọ không có cư dân, không có nhà cửa cũng không có đền miếu. Từ rất lâu, nơi đây đã có một bầy chuột, chúng cùng con, cháu nội, cháu ngoại đào hang ở dưới đất, hang lớn nối liền hang nhỏ, liên miên bất tận. Những khi tết đến, những lúc kết hôn, chúng ăn uống, hưởng thụ một cuộc sống rất hạnh phúc. Và thời gian cứ trôi đi.
          Lúc bấy giờ, có một con voi chúa được cả hàng ngàn con voi tiền hô hậu ủng, nó dẫn cả đàn đi đến một cái ao để uống nước. Nước ở đây nó đã chú ý từ trước. Khi voi chúa đi đến chỗ có hang chuột, một số chuột bị giậm dưới chân voi, con thì bị lệch đầu, con thì vỡ trán, gãy cổ ...
          Những con chuột còn lại bàn với nhau rằng:
          - Đàn voi này đi qua đây, chúng ta bị giậm chết. Nếu chúng đến lại một lần nữa, chúng ta còn sống sót chẳng bao nhiêu, ngay cả việc lưu truyền con cháu nối dõi cũng không được. Bây giờ phải nghĩ cách.
          Sau khi bầy chuột nghĩ ra được một cách, có mấy con chuột đi đến bên ao cúi đầu chào qua voi chúa, rồi cung kính nói rằng:
          - Thưa bệ hạ! cách đây không xa là nơi ở của chúng tôi do mấy đời truyền lại. Con cháu chúng tôi tại nơi ở đó sinh sôi; các ngài đi ngang qua để uống nước, cả ngàn lũ chuột chúng tôi bị các ngài giậm chết. Nếu các ngài đi qua một lần nữa, chúng tôi còn sống sót chẳng bao nhiêu, ngay cả việc nối dõi cũng không thành. Nếu các ngài thương chúng tôi, xin các ngài đi con đường khác. Bởi vì, những con vật nhỏ bé như chúng tôi, nói không chừng, một lúc nào đó sẽ có ích cho các ngài.
          Sau khi nghe xong, voi chúa suy nghĩ trong lòng, cho rằng lời của chuột rất có lí. Thế là, voi chúa đồng ý với lời thỉnh cầu của chuột.
          Qua một thời gian sau, có một vị quốc vương ra lệnh cho những người chuyên bắt voi đi bắt đàn voi. Họ bao vây khu vực đàn voi ở để bắt voi chúa và cả đàn. Ba ngày sau, họ dùng dây thừng buộc voi lại với nhau và dẫn cả đàn đến cột vào gốc cây to trong khu rừng.
          Sau khi những người bắt voi đi khỏi, voi chúa suy tính:
          - Dùng cách gì, hoặc nhờ vào ai chúng ta mới có thể thoát được đây? Trừ lũ chuột mà ta vừa mới nghĩ đến, thì không còn cách nào khác.
          Thế là voi chúa liền sai một con voi cái trong đám thị tùng nói lại với lũ chuột tình hình đàn voi bị bắt. Con voi cái này đứng ở ngoài khu vực buộc voi, nó vốn từ lâu đã biết nơi lũ chuột ở.
          Bầy chuột sau khi nghe qua, cả bầy tụ tập lại đi đến chỗ đàn voi để báo đáp ơn. Chúng nhìn thấy voi chúa và cả đàn bị cột, chỗ nào có dây thừng, chúng liền cắn đứt chỗ đó; chúng còn bò lên cây cắn đứt dây thừng buộc ở trên cao, cả đàn voi được tự do.
          “Nhân đó, tôi nói rằng:
Cho dù có sức mạnh hay không có sức mạnh
Bạn bè dù sao cũng luôn kết giao;
Bởi một đàn voi bị cột trong khu rừng
Đã nhờ bầy chuột thả ra.”

Chú của người dịch
Lâm Ngữ Đường 林语堂 (1895 – 1976): người Long Khê 龙溪 Phúc Kiến 福建, vốn tên là Hoà Lạc 和乐, sau đổi là Ngọc Đường 玉堂, rồi lại đổi là Ngữ Đường 语堂. Năm 1912, ông theo học tại Đại học Thánh Ước Hàn 圣约翰 (Saint John s University) tại Thượng Hải. Sau khi tốt nghiệp, đến giảng dạy tại Đại học Thanh Hoa 清华. Mùa thu năm 1919, Lâm Ngữ Đường đến học Khoa Văn học của Đại học Cáp Phật 哈佛 (Havard University) nước Mĩ. Năm 1922 đạt được học vị Thạc sĩ Văn học. Cũng trong năm đó, Lâm Ngữ Đường chuyển đến học tại Đại học Thái Tỉ Tích 菜比锡 (Universitat Leipzig) nước Đức, chuyên về ngôn ngữ học. Năm 1923, sau khi đạt được học vị Tiến sĩ, ông về nước, giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh, chủ nhiệm Khoa Anh văn và làm giáo vụ trưởng của Đại học sư phạm dành cho nữ ở Bắc Kinh. Sau năm 1924, ông là một trong những người biên soạn chủ yếu của tờ Ngữ ti 语丝. Năm 1926, Lâm Ngữ Đường đến Đại học Hạ Môn 厦门 giữ chức Viện trưởng Viện Văn học. Năm 1927 ông làm thư kí cho Bộ ngoại giao. Năm 1932 chủ biên nguyệt san Luận ngữ 论语. Năm 1934 sáng lập tập san Nhân Thế Gian 人世间. Năm 1935 sáng lập tập san Vũ Trụ Phong 宇宙风, đề xướng văn tiểu phẩm “dĩ tự ngã vi trung tâm, dĩ nhàn thích vi cách điệu” 以自我为中心, 以闲适为格调. Sau năm 1935, Lâm Ngữ Đường tại nước Mĩ viết những trứ tác văn hoá và trường thiên tiểu thuyết như Ngô quốc dữ ngô dân 吾国与吾民, Kinh hoa yên vân 京华烟云, Phong thanh hạc lệ 风声鹤唳 bằng tiếng Anh. Năm 1944, Lâm Ngữ Đường có về nước giảng bài tại Trùng Khánh. Năm 1945 đến Singapore sáng lập Đại học Nam Dương 南洋, nhậm chức Hiệu trưởng. Năm 1952, tại nước Mĩ cùng với người khác sáng lập tạp chí Thiên Phong 天风. Năm 1966 Lâm Ngữ Đường định cư tại Đài Loan. Năm 1967 ông được mời giảng dạy tại Đại học Trung Văn ở Hương Cảng. Năm 1975 được tiến cử giữ chức Phó hội trưởng của Quốc tế bút hội 国际笔会. Lâm Ngữ Đường qua đời tại Đài Loan năm 1976.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 10/12/2016

Dịch từ bản Trung văn
TRUNG QUỐC ẤN ĐỘ CHI TRÍ TUỆ
(Ấn Độ quyển)
中国印度之智慧
(印度卷)
Tác giả: Lâm Ngữ Đường 林语堂
Người dịch: Dương Thái Hà 杨彩霞
Tây An: Thiểm Tây sư phạm đại học xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post