Dịch thuật: Hoàng Cân đại khởi nghĩa

HOÀNG CÂN ĐẠI KHỞI NGHĨA

          Trong triều đình Đông Hán, hoạn quan và ngoại thích tranh quyền đoạt lợi, khiến xã hội không ổn định, nhân dân càng thêm thống khổ. Lại thêm, từ Hán Hoà Đế Lưu Triệu 刘肇, các nơi trong cả nước liên tiếp bị thuỷ tai, hạn hán và nạn sâu bọ phá hoại mùa màng. Nông dân quả thực không còn con đường sống, đành phải bỏ làng quê, bôn ba tứ xứ, hình thành từng đoàn lưu dân. Lưu dân xin ăn khắp nơi, ăn gió nằm sương, số người chết đói chết rét rất đông, ngay cả trên đường phố thủ đô Lạc Dương 洛阳, cũng thường bắt gặp thi thể lưu dân chết đói chết rét. Trong nhất thời hình thành cảnh tượng bi thảm người chết đói dài cả ngàn dặm.
          Nông dân không còn đường sống, cuối cùng buộc phải dựng cờ tạo phản, bắt đầu tụ tập khởi nghĩa. Chính quyền Đông Hán đối với cuộc khởi nghĩa nông dân các nơi đã tiến hành trấn áp một cách tàn khốc, nhưng ngọn lửa đấu tranh phản kháng của nông dân không tắt. Đương thời, dân gian từng lưu hành bài ca dao:
Phát như cửu, tiễn phục sinh; đầu như kê, cát phục minh
Lại bất tất khả uý, tiểu dân tùng lai bất khả khinh
发如韭, 剪复生; 头如鸡, 割复鸣.
吏不必可畏, 小民从来不可轻.
(Tóc như hẹ, cắt lại mọc ra; đầu như gà, cắt vẫn còn gáy.
Không phải sợ bọn lại, xưa nay không thể coi thường tiểu dân)
          Khi Hán Linh Đế Lưu Hoành 刘宏 tại vị, nổ ra cuộc đại khởi nghĩa Hoàng Cân 黄巾.
          Lĩnh tụ khởi nghĩa tên là Trương Giác 张角. Trương Giác người Cự Lộc 巨鹿 (nay là phía tây nam huyện Bình Hương 平乡 tỉnh Hà Bắc 河北), thủ lĩnh Thái Bình Đạo太平道. Thái Bình Đạo là một phái của Đạo giáo, họ tôn thờ thần Trung Hoàng Thái Nhất 中黄太一, lấy Thái Bình Thanh Lĩnh Thư 太平清领书 làm kinh điển, tuyên truyền tư tưởng “Hoàng Thiên thái bình” 黄天太平, cho rằng chỉ có thời đại thái bình mọi người mới có thể không lo về cái ăn cái mặc, sống những ngày không ưu phiền lo lắng.
          Trương Giác vốn biết chút y thuật, thường trị bệnh miễn phí cho nông dân. Bịnh trị khỏi, ông khuyên họ gia nhập Thái Bình Đạo. Nông dân cùng khổ đều xem Trương Giác là vị cứu tinh của mình, lũ lượt tin theo Thái Bình Đạo. Tín đố của Trương Giác ngày càng đông. 8 châu Thanh , Từ , U , Kí , Kinh , Dương , Duyện , Dự (tức nay là vùng Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, An Huy, Giang Tô), tín đồ Thái Bình Đạo nhanh phóng phát triển lên đến mấy chục vạn người.
          Trương Giac sai em tổ chức lại, tín đồ 8 châu tổ chức thành 36 phương, phương lớn hơn 1 vạn người, phương nhỏ 6,7 ngàn người, mỗi phương đều phái một vị Đạo Lĩnh làm lĩnh đạo, gọi là Cừ soái 渠帅. 36 Cừ soái đều nghe theo sự chỉ huy thống nhất của Trương Giác.
          Trương Giác còn đặt ra khẩu hiệu khởi nghĩa 16 chữ:
Thương thiên dĩ tử, Hoàng thiên đương lập, tuế tại Giáp Tí, thiên hạ đại cát
苍天已死, 黄天当立, 岁在甲子, 天下大吉
Trong đó: “Thương thiên” chỉ Đông Hán, “Hoàng thiên” chỉ thiên hạ mà quân khởi nghĩa sáng tạo, Giáp Tí là niên hiệu, tức năm Trung Bình 中平 thứ nhất đời Hán Linh Đế (năm 184). Dự định ngày 5 tháng 3 năm đó, 8 châu đồng thời phát động khởi nghĩa. Trương Giác còn sai người dùng đất trắng viết lên cửa phủ quan các châu quận ở thủ đô Lạc Dương 2 chữ “Giáp Tí”, biểu thị các nha môn phủ quan này đến lúc đó đều thay đổi chủ nhân, mượn việc đó để cổ vũ nhân tâm.
          Một tháng trước khi khởi nghĩa, trong quân khởi nghĩa ở Tế Nam có một tên phản đồ tên là Đường Chu 唐周, hắn bí mật viết thư tố cáo với chính quyền. Sau khi tin tức khởi nghĩa bị tiết lộ, chính quyền Đông Hán bắt đại đệ tử của Trương Giác là Mã Nguyên Nghĩa 马元义 – một trong những Cừ soái của phương lớn, đem chém đầu thị chúng tại Lạc Dương. Những người ở Lạc Dương liên luỵ bị hại lên đến hơn ngàn người, máu của quân khởi nghĩa nhuộm đỏ cả đường phố Lạc Dương. Chính quyền Đông Hán còn hạ lệnh truy bắt Trương Giác. Trương Giác được tin, liền trong đêm sai người đi thống báo tín đồ các nơi, bảo họ lập tức phát động khởi nghĩa. (còn tiếp)

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 08/12/2016

Nguyên tác Trung văn
HOÀNG CÂN ĐẠI KHỞI NGHĨA
黄巾大起义
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post