Dịch thuật: Chữ "thuyết" trong Hán ngữ cổ

CHỮ “THUYẾT” TRONG HÁN NGỮ CỔ

1- Thuyết minh, giải thích (động từ - ND)
          Trong Luận Ngữ - Bát Dật 論語 - 八佾 có câu:
Thành sự bất thuyết
成事不說
(Sự việc đã thành rồi, không cần phải giải thích nữa)
          Cũng là danh từ, như trong Mặc Tử - Phi Công thượng 墨子 - 非攻上:
          Nhược dĩ thử thuyết vãng, sát thập nhân, thập trọng bất nghĩa, tất hữu thập tử tội hĩ.
若以此說往, 殺十人, 十重不義, 必有十死罪矣.
          (Nếu lấy thuyết đó mà suy ra, giết chết 10 người thì bất nghĩa tăng gấp 10 lần, tất sẽ có tội chết gấp 10 lần)
2- Học thuyết, chủ trương, cách nói.
          Trong Mạnh Tử - Đằng Văn Công hạ 孟子 - 滕文公下 có câu:
Ngã diệc dục chính nhân tâm, tức tà thuyết.
我亦欲正人心, 息邪說.
(Tôi cũng muốn làm cho nhân tâm ngay thẳng, dẹp bỏ tà thuyết)
          Trong Hàn Phi Tử - Nạn Nhất 韓非子 - 難一:
Mâu thuẫn chi thuyết dã
矛楯之說也
(Là cách nói mâu thuẫn)
3- Đọc là shui (thanh 4) (âm Hán Việt là “thuế” – ND), thuyết phục
          Trong Mạnh Tử - Tận Tâm hạ 孟子 - 盡心下:
Thuế đại nhân tắc miểu chi.
說大人則藐之
(Thuyết phục bậc đại nhân thì nên coi thường)
          Trong Sử Kí – Hoài Âm Hầu Liệt Truyện 史記 - 淮陰侯列傳:
Quảng Vũ Quân thuế Thành An Quân viết
廣武君說成安君曰
(Quảng Vũ Quân thuyết phục Thành An Quân rằng)
4- Đọc là yue (thanh 4) (âm Hán Việt là “duyệt” – ND), vui thích.
          Trong Luận Ngữ - Học Nhi 論語 - 學而 có câu:
Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ?
學而時習之不亦說乎?
(Học rồi luôn luyện tập những điều đã học, cũng chẳng phải là vui thích sao?)
          Trong Tả Truyện – Hi Công tam thập niên 左傳 - 僖公三十年:
Tần Bá duyệt, dữ Trịnh nhân minh.
秦伯說, 與鄭人盟
(Tần Bá vui lòng, liên minh cùng với Trịnh)
          Với ý nghĩa này, đời sau dùng chữ .

                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                       Quy Nhơn 07/12/2016

Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 2)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
Previous Post Next Post