Dịch thuật: Hậu đại của Sử quan - Tư Mã Thiên

HẬU ĐẠI CỦA SỬ QUAN – TƯ MÃ THIÊN

          Năm 206 trước công nguyên, Lưu Bang 刘邦 kiến lập triều Hán, lấy Trường An 长安 làm đô thành (nay là Tây An 西安 Thiểm Tây 陕西).
          Kẻ thống trị triều Hán từ bài học triều Tần thực hành chính sách bạo ngược dẫn đến sự diệt vong nhanh chóng, nhìn thấy xã hội chiến tranh động loạn trường kì đã gây nên sự phá hoại to lớn, mà nhân đó đã áp dụng chính sách hưu dưỡng dân sinh, giảm nhẹ thuế khoá, động viên bách tính sản xuất để thực hiện sự ổn định xã hội, đạt đến mục đích củng cố chính quyền.
          Chính sách hưu dưỡng dân sinh đã đạt hiệu quả tốt, sản xuất xã hội từng bước phát triển, xuât hiện cục diện phồn vinh “Văn Cảnh Chi trị” 文景之治.
          Năm Trung Nguyên 中元 thứ 5 đời Hán Cảnh Đế 汉景帝, cũng chính là năm 145 trước công nguyên, nhà Tư Mã Đàm 司马谈 sinh sống tại trấn Chi Xuyên 芝川, Hạ Dương 夏阳 Thiểm Tây 陕西 (nay là tây nam huyện Hàn Thành 韩城 tỉnh Thiểm Tây 陕西), vui mừng có được người con trai. Tư Mã Đàm vô cùng mừng, đặt cho con tên là Thiên , tự Tử Trường 子长.
          Tổ tiên gia tộc Tư Mã từng là Sử quan đời Chu, đến thời Tư Mã Đàm, sinh sống bằng nghề nông, nhưng vẫn giữ truyền thống gia đình đọc sách nghiên cứu học vấn. Tư Mã Đàm siêng năng ham học, từng bái nhà thiên văn học nổi tiếng Đường Úc 唐郁 làm thầy, học tri thức thiên văn. Ông còn đến với chuyên gia “Dịch” học Dương Hà 杨何, học qua “Dịch”, theo học giả nổi tiếng phái Hoàng Lão là Hoàng Sinh 黄生, nghiên cứu tư tưởng triết học của Đạo gia. Đến khi sinh Tư Mã Thiên, Tư Mã Đàm tuy địa vị thấp nhưng đã là một học giả nổi danh.
          Sinh ra trong một gia đình như thế, Tư Mã Thiên từ nhỏ đã được giáo dục một nền văn hoá nồng đậm. Tính ông hiếu kì, có hứng thú ham hiểu biết và nghiên cứu các loại sự vật một cách mãnh liệt. Khách đến nhà, khi khách và phụ thân bàn luận thời sự và học vấn, ông thích nghe những lời mới lạ đầy hứng thú của họ. Mỗi khi nhà cúng tế, phụ thân đốt nến tế tự tổ tiên trong gian từ đường u ám, ông đứng lặng yên nhìn làn khói nhẹ nhàng bay lên, trong đầu tràn đầy sự tưởng tượng thần bí.
          Tư Mã Đàm rất coi trọng việc giáo dục con cái. Bắt đầu từ khi Tư Mã Thiên có hiểu biết, Tư Mã Đàm đã giảng cho ông nghe lịch sử gia tộc, những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử cùng những câu chuyện thú vị về họ. Khi phụ thân đi thăm bà con bạn bè, rất thích dẫn Tư Mã Thiên theo cùng để ông mở mang kiến thức. Nơi đồng hoang Chi Xuyên, an táng tổ tiên của gia tộc Tư Mã, mùa xuân tảo mộ tế tự, Tư Mã Thiên bé xíu cũng theo cha tham gia cùng đám người đạp thanh tế tảo.
          Những lúc nông nhàn, Tư Mã Đàm đem những suy nghĩ cùng những hiểu biết tâm đắc của mình cấu tứ thành văn, dùng dao khắc chữ trên thẻ trúc, lấy dây buộc những thanh trúc lại thành một thiên văn chương. Tư Mã Thiên hiếu kì luôn bên cạnh cha nhìn cha vất vả làm việc, cảm thấy sự việc thần kì và thú vị biết bao. Ông không dám gây tiếng động sợ quấy rầy cha.
          Từ trong đôi mắt thông tuệ của con, Tư Mã Đàm đã nhìn thấy ở con tâm linh tràn đầy hiếu kì và khát vọng, liền bắt đầu dạy con học chữ. Sức nhớ của Tư Mã Thiên rất tốt, sức chú ý cũng rất tập trung, dạy qua là nhớ ngay. Tư Mã Đàm cảm thấy rất vui. Từ đó mỗi khi rảnh rỗi dạy con đọc sách trở thành niềm vui trong cuộc sống của Tư Mã Đàm.

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 02/12/2016

Nguồn
TƯ MÃ THIÊN
司马迁
 Tác giả: Đặng Tương Tử 邓湘子
Triết Giang thiếu niên nhi đồng xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post