TẦN VƯƠNG PHÙ KIÊN
Phù
Kiên 苻坚 (338 – 385). Tự Vĩnh Cố 永固,
một tên khác là Văn Ngọc 文玉, người Lâm Vị 临渭 Lược Dương 略阳 (nay là phía đông
nam Tần An 秦安 Cam Túc 甘肃), tộc Đê 氐. Tổ phụ Phù Hồng 苻洪
là người đặt nền móng cho Tiền Tần 前秦 thời Thập Lục Quốc.
Phù
Kiên từ nhỏ đã thông minh khảng khái ưa giúp người, cử chỉ không vượt quy củ.
Lúc 8 tuổi chủ động xin tìm thầy để học. Tổ phụ Phù Hồng kinh ngạc nói rằng:
- Chúng ta bộ tộc Nhung Địch, nối đời chỉ biết
uống rượu, cháu mới có tí tuổi mà đã đòi học, quả thật là tốt.
Thế là
ông vui mừng đáp ứng.
Năm
Vĩnh Hoà 永和 thứ 6 (năm 350), Phù Hồng trước sau đến với Tiền Triệu
前赵 và Hậu Triệu 后赵,
tự xưng là Đại đô đốc, Đại tướng quân, Đại Thiền Vu, Tam Tần Vương, dựng ngọn cờ
riêng. Nhưng ông xưng vương chẳng bao lâu thì bị người đầu độc chết. Trước khi
chết, Phù Hồng dặn con là Phù Kiện 苻健 mau chóng vào quan
trung, lấy quan trung làm căn cứ địa. Phù Kiện theo lời cha, thống lĩnh bộ
chúng tiến vào quan trung, công chiếm Trường An 长安.
Sau khi vào quan trung, Phù Kiện bái Phù Kiên làm Long Tương tướng quân 龙骧将军, rơi nước mắt nói với Phù Kiên rằng:
- Tổ phụ của cháu từng ban cho ta phong hiệu
này. Ta đem phong hiệu này ban lại cho cháu, hi vọng cháu tự làm được việc.
Lúc bấy
giờ Phù Kiên chỉ mới 13 tuổi.
Năm
Vĩnh Hoà 永和 thứ 7 (năm 351), Phù Kiện 苻健
tự xưng Thiên Vương 天王, Đại Thiền Vu 大单于,
lấy quốc hiệu Đại Tần 大秦, năm sau lại đổi
xưng là Hoàng đế, sử gọi là Tiền Tần 前秦. Thời gian Phù Kiện
tại vị, lưu tâm chính sự, khu vực quan trung bắt đầu xuất hiện trở lại khí tượng
mới mẻ. Ông tại vị được 4 năm rồi mất.
Phù Sinh 苻生 kế vị, là một bạo quân độc nhãn tự chuyên, lấy việc
giết người làm trò đùa. Lên ngôi chẳng bao lâu đã giết hậu phi, công khanh, hoạn
quan, cung nữ lên đến hơn 500 người, thủ đoạn tàn độc, phi tần và các đại thần
đều run sợ sống qua ngày, mọi hi vọng đều dồn lên người Phù Kiên.
Sau khi
Phù Kiên trưởng thành, bác học đa tài, ôm chí lớn cứu tế thiên hạ, kết giao rộng
rãi anh hào, dùng những người có tài phò tá vương vị tập trung chung quanh mình
như Vương Mãnh 王猛, Lữ Bà Lâu 吕婆楼, Cường Uông 强汪, Lương Bình Lão 梁平老
v.v... họ đều bất mãn Phù Sinh bạo ngược vô đạo, nên ra sức khuyên Phù Kiên
thay thế Phù Sinh. Năm Thăng Bình 升平 thứ nhất (năm 357),
Phù Kiên giết Phù Sinh – người anh họ bạo ngược, tự lên ngôi vị, bỏ đế hiệu,
xưng Đại Tần Thiên Vương 大秦天王, dưới sự phò tá của
đại thần Vương Mãnh, việc đầu tiên là tiến hành chỉnh đốn nội chính.
Các hào
cường vùng Thuỷ Bình 始平 (nay là Hưng Bình 兴平
Thiểm Tây 陕西) đa số là cựu thần tôn thất theo Phù Kiện vào quan
trung, ngang ngược không tuân vương pháp làm càn. Phù Kiên giao Vương Mãnh làm
huyện lệnh Thuỷ Bình, dùng nghiêm hình nhanh chóng thay đổi cục diện Thuỷ Bình.
Sau đó lại giao Vương Mãnh làm Trung thư lệnh kiêm Kinh Triệu doãn, đối với khu
vực kinh thành, ra sức chỉnh đốn bọn quý tộc ngang ngạnh, phong khí khu vực
kinh thành đã có sự thay đổi.
Phù
Kiên cũng ra sức khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp. Lên ngôi chẳng
bao lâu, ông để cho bách tính và phủ quan cùng khai phát sinh lợi. Mùa thu năm
Thăng Bình thứ nhất, trung nguyên phát sinh hạn hán nghiêm trọng, Phù Kiên đi đầu
trong việc tiết kiệm khai chi, đem vàng ngọc cùng lụa là trong phủ quan phân
phát cho sĩ tốt, nơi hậu cung không được mặc áo gấm. Trong tình hình trời hạn
không mưa, canh tác khó khăn, ông xuống chiếu thực hành cách trồng sáng tạo của
đời Hán, lại tổ chức nhân lực làm thuỷ lợi, đục núi đắp đê, thông dòng dẫn nước.
Để hàng hoá thông thương được thuận lợi, Phù Kiên lại hạ lệnh từ Trường An đến
các nơi làm đường lớn bằng phẳng, cứ 20 dặm dựng một đình, 40 dặm đặt một trạm.
Những biện pháp này đã thúc đẩy nhanh chóng việc khôi phục và phát triển kinh tế
Tiền Tần, xuất hiện khí tượng hưng vượng đồng ruộng tươi tốt, kho lẫm có dư.
Phù
Kiên lập nhiều học cung, khích lệ nhân tài, con em từ công khanh trở xuống đều
phải nhập học. Hàng tháng ông đích thân đến nhà Thái học thị sát, khảo sát tình
hình học tập của học sinh, phân định thứ hạng khác nhau. Ông quy định Cấm vệ
quân trung ương luân phiên thay nhau, đối với quan lại bất học vô tài, cách xử
lí của ông cũng rất nghiêm khắc, phàm quan lại hưởng từ 100 thạch trở lên, học
không thông một kinh, tài không thành một nghề, nhất loạt bãi chức cho làm dân thường. Vì thế ai cũng cố gắng, nhân tài một
thời đông đúc.
Năm
Thái Hoà 太和 thứ 4 đời Tấn Phế Đế (năm 369), Hoàn Ôn 桓温 dẫn quân bắc phạt Tiền Yên 前燕.
Tiền Yên Chủ là Mộ Dung Vĩ 慕容暐 cầu viện Phù Kiên,
xin được đem khu vực phía tây của Hổ Lao 虎牢
(nay là trấn Phiếm Thuỷ 泛水 Huỳnh Dương 荥阳 Hà Nam
河南) cắt dâng cho Tiền Tần. Phù Kiên phái 20.000 binh cứu
viện, bức Hoàn Ôn lui quân. Nhưng sau khi quân Tấn triệt thoái, Mộ Dung Vĩ
không giữ lời hứa, không chịu cắt đất. Phù Kiên cả giận, sai Vương Mãnh dẫn
quân phát động tấn công Tiền Yên. Thống soái Tiền Yên Mộ Dung Vĩ tập kết 30.000
quân tại Lộ Xuyên 潞川 (nay là sông Trọc Chương 浊漳)
để chống cự quân Tần, dùng chiến thuật thủ thế dĩ dật đãi lao, đợi thời cơ phản
kích. Vương Mãnh phái 5.000 tinh binh nhân đêm khuya theo đường nhỏ vây phía
sau quân địch, phóng hoả thiêu huỷ quân nhu lương thực của quân Yên, bức quân
Yên xuất binh ứng chiến. Quân Yên đại bại, bị giết hơn 50.000 người. Năm sau,
Phù Kiên lại sai Vương Mãnh tấn công Tiền Yên, quân Yên cả đầu hàng cả bị giết
có đến 100.000 người. Vương Mãnh dẫn quân vào Nghiệp Thành 邺城, Mộ Dung Vĩ không thể không cúi đầu chịu hàng. Tiền
Yên diệt vong. (còn tiếp)
Chú của người
dịch
Họ Phù 苻 vốn trước là họ Bồ 蒲,
thuỷ tổ là Bồ Hồng 蒲洪 cũng chính là tổ phụ của Phù Kiên. Sau nhân vì trên
“dự ngôn thư thần bí” có câu “thảo phó đương vương” 草付当王, nên Bồ Hồng đã đổi sang họ Phù. Phụ thân Phù Kiên là Phù Hùng 苻雄, bác là Phù Kiện 苻健.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 21/11/2016
Nguyên tác Trung văn
TẦN VƯƠNG PHÙ KIÊN
秦王苻坚
Nguồn
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật