Dịch thuật: Mở cửa buôn bán, tôi đóng cửa muộn

MỞ CỬA BUÔN BÁN, TỐI ĐÓNG CỬA MUỘN

          Khoảng thời Càn Long 乾隆 triều Thanh, có một người Sơn Tây tên là Vương Thuỵ Phúc 王瑞福 mở một tiệm rượu nhỏ ở phố Tiền Môn 前门 Bắc Kinh. Ông chủ họ Vương này trước giờ rất nghiêm túc, quy định của tiệm rượu cũng rất chặt chẽ, trong có một điều đó là buổi tối chưa qua giờ Tí thì không được đóng cửa.
          Đêm trừ tịch hàng năm, mọi người không ngại đường xa cũng trở về nhà cùng người thân đoàn tụ, cả nhà vui vẻ ngồi quây quần ăn bữa cơm đoàn viên.
          Một năm nọ, lại đến đêm trừ tịch mà người Trung Quốc rất coi trọng. Lúc bấy giờ, mọi người đã về nhà ăn tết, nhiều tiệm đã đóng cửa từ rất sớm, trên phố không thấy một bóng người, chỉ có gió lạnh thổi đến, những người hầu bàn của tiệm rượu đều khẩn khoản nói với ông chủ họ Vương rằng:
          - Ông xem, trên phố không có người, nay đã là ngày 30, mọi người đã về  đoàn tụ với gia đình, có lẽ không có đến ăn cơm nữa đâu. Một năm bận rộn, đêm nay chúng ta phá lệ đóng cửa sớm một chút, để chúng tôi cũng được về nhà sớm ăn tết.
          Nhưng ông chủ họ Vương không thấu nhân tình, kiên quyết nói rằng:
          - Đợi đến giờ Tí rồi đóng cửa, quy định nghiêm túc phải chấp hành.
          Người hầu bàn ngồi bên bàn chống tay lên má ngủ gục, màn cửa bỗng vén lên, hai người nô bộc mặc sa tanh một trước một sau, dẫn theo một anh thanh niên có dáng vẻ thư sinh bước vào. Chàng thanh niên này điệu bộ hiên ngang, tuy ăn mặc như một nhà nho, nhưng nhất cử nhất động đều bộc lộ khí khái vương giả; còn hai người nô bộc, mũ áo chỉnh tề, rất cung kính đối với chủ nhân, không dám coi thường. Ông chủ họ Vương vừa nhìn thấy đã biết là khách quý, vội nhiệt tình đón tiếp, lập tức bảo tiểu nhị đưa họ lên lầu, đồng thời đem rượu “Phật Thủ Lộ” 佛手露 trân quý của cửa tiệm cùng mấy món nguội như “tao nhục” 糟肉, “lương nhục” 凉肉, “mã liên nhục” 马莲肉 dọn ra, đích thân rót rượu cho 3 người, đồng thời đứng một bên để hầu. Chàng thanh niên thư sinh nọ vừa ăn vừa giơ ngón tay cái , liên tiếp khen rượu ngon, món ăn ngon và phục vụ chu đáo, lại còn nói rằng mấy tiệm rượu nổi tiếng trong kinh thành không thể sánh lại rượu và thức ăn ở đây, hai nô bộc cũng lên tiếng phụ hoạ. Ông chủ họ Vương nghe qua vô cùng vui sướng.
          Uống đến độ hưng phấn, chàng thanh niên thư sinh hỏi chủ tiệm Vương Thuỵ Phúc rằng:
          - Tiệm của ông tên gì?
          Vương Thuỵ Phúc vội đáp:
          - Vẫn chưa có tên
          Chàng thanh niên gật đầu bảo rằng:
          - Tôi sẽ đặt cho tiệm của ông một cái tên, được không?
          Ông chủ Vương nói rằng
          - Vậy thì hay quá.
          Thế là bảo tiểu nhị chuẩn bị giấy bút mực nghiên. Chàng thanh niên cầm bút lên nghĩ một lát rồi nói:
          - Vốn đã tối lắm rồi, lại là đêm trừ tịch, nếu tiệm đóng cửa sớm, ba người chúng tôi sẽ bị đói. Nhưng không ngờ, tiệm rượu nhỏ của ông vẫn còn mở cửa bán, có lẽ toàn kinh thành chỉ có một mình tiệm của ông, vậy thì đặt tên là “Đô Nhất Xứ” 都一处 đi.
          Nói xong đưa bút viết, trong phút chốc viết xong 3 chữ lớn “đô nhất xứ”. Sau khi viết xong, chàng thanh niên hài lòng gật gật đầu, hai người nô bộc cũng vỗ tay tán thưởng, nói rằng tên rất hay, chữ cũng rất đẹp. Ông chủ họ Vương sau khi hai tay nhận lấy vội cảm tạ. Ba người cười rồi rời khỏi tiệm
          Sự việc qua đi cũng đã qua giờ Tí, hầu bàn đóng cửa tiệm, rửa mặt rồi đi ngủ. Còn chữ đề tên tiệm mà chàng thanh niên viết, ông chủ họ Vương cũng không chú ý lắm, để nó sang một bên. Mấy ngày sau, bỗng có mười mấy vị thái giám sắp thành hàng, thần khí nghiêm trang đến tiệm rượu họ Vương, đem một tấm biển đầu hổ với 3 chữ “Đô Nhất Xứ” trao cho chủ tiệm. Đến lúc đó, mấy người hầu bàn mới hiểu ra, hoá ra là vào đêm 30 mươi nọ, chàng thanh niên thư sinh đến uống rượu chính là Càn Long, tấm biển này là do đích thân Càn Long viết, sai người đem đến tặng. Ông chủ họ Vương cảm động đến nỗi không nói nên lời, vội quỳ xuống tiếp nhận, khấu đầu tạ ơn. Sau đó, ông treo ngay ngắn trên cửa tiệm, lại đem chiếc ghế mà đêm nọ Càn Long ngồi trải lên tấm đoạn màu vàng, phía dưới còn chêm thêm đất vàng, cung kính bày ra, và nghiêm cấm không ai được ngồi lên. Tin Càn Long viết cho biển hiệu, như cơn gió nhanh chóng lan ra khắp kinh thành, khiến cho tên gọi “Đô Nhất Xứ” cũng vang xa, việc buôn bán ngày càng phát đạt.
          Về sau, nhà họ Vương để lại quy định, con cháu sau này nếu như buôn bán, nhất định phải đóng cửa muộn.

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 29/11/2016

Previous Post Next Post