Dịch thuật: Tào Tháo chiếm cứ Duyện Châu (tiếp theo)

TÀO THÁO CHIẾM CỨ DUYỆN CHÂU
(tiếp theo)

          Sau khi Đổng Trác dời đô đến Trường An, vẫn đóng quân tại Lạc Dương. Đổng Trác nghe nói Tào Tháo tự dẫn binh mã đến, căn bản không hề để mắt tới, sai Đại tướng Từ Vinh 徐荣 chặn tại Biện Thuỷ 汴水 (nay là phía bắc huyện Huỳnh Dương 荥阳 tỉnh Hà Nam 河南). Trong lúc đợi Tào Tháo dẫn quân đến Biện Thuỷ, Từ Vinh sớm đã bố trí thế trận.
          Tào Tháo cùng địch đánh nhau đến tối, nhưng không phải là đối thủ của Từ Vinh. Tào Tháo quay đầu ngựa chạy, Từ Vinh phía sau đuổi theo, tên bắn ra như mưa, Tào Tháo bị tên bắn trúng vai.
          Khi Tào Tháo mang cả mũi tên ở vết thương về doanh trại, các tướng lĩnh khác đang vui vẻ uống rượu, Tào Tháo kích động nói rằng:
          - Các vị tướng quân không lo tiến thủ, lẽ nào không sợ người trong thiên hạ chê cười sao?
          Mọi người cơ bản không thèm để ý đến, vẫn ăn uống như thường. Chỉ có Thái thú Trần Lưu là Trương Mạo 张邈 cất lời:
          - Mạnh Đức! hay là trước tiên dưỡng vết thương của ông đi.
          Mấy ngàn nhân mã của Tào Tháo chỉ còn lại mấy trăm, những người khác lại án binh bất động. Tào Tháo liền rời khỏi Toan Tảo 酸枣, định chiêu binh mãi mã ra lại chiến trường. Ai ngờ, nội bộ quân quan đông phát sinh mâu thuẫn, kiêm tính lẫn nhau. Như vậy, quân quan đông đã tan rã.
          Tào Tháo dẫn quân đến Duyện Châu 兖州, có Tào Nhân, Tào Hồng, anh em Hạ Hầu Đôn phò tá, binh không nhiều nhưng tướng mạnh. Thế lực của Tào Tháo tại Duyện Châu phát triển nhanh chóng. Tại Đông Quận 东郡 Tào Tháo  có được mưu sĩ Tuân Úc 荀彧. Tuân Úc đưa ra chủ ý giúp Tào Tháo:
          - Đổng Trác đã bạo ngược đến cực điểm, hắn nhất định sẽ mất mạng trong lúc động loạn.
          Tuân Úc kiến nghị Tào Tháo chuyên tâm khuếch trương tại Duyện Châu. Tào Tháo tiếp nhận ý kiến của Tuân Úc.
          Lúc bấy giờ quân Hoàng Cân 黄巾 ở Thanh Châu 青州 đã phát triển rất mạnh. Họ giống như cơn sóng dữ, ào ạt từ Thanh Châu đổ vào Duyện Châu, giết chết Thứ sử Duyện Châu là Lưu Đại 刘岱. Nhưng quân Hoàng Cân chỉ biết tác chiến lưu động, không biết lấy Duyện Châu làm căn cứ địa cho mình. Sau khi Lưu Đại chết, Duyện Châu quần long vô thủ, tin tức truyền đến Bộc Dương 濮阳, Thái thú Đông Quận Tào Tháo trong lòng ngứa ngáy, sai thủ hạ là mưu sĩ Trần Cung 陈宫 đi thuyết phục quan viên Duyện Châu. Như vậy, Tào Tháo dễ dàng làm Duyện Châu Mục mà không phí một binh một tốt.
          Tào Tháo biết rõ, muốn xưng bá bốn phương, chỉ có địa bàn không chưa đủ, quan trọng là cần phải có lực lượng quân sự hùng mạnh. Tào Tháo phái binh tác chiến cùng quân Hoàng Cân ở Thanh Châu, đánh thắng mấy trận, quân Hoàng Cân vừa gặp đã thất bại, bèn viết một phong thư cho Tào Tháo. Trong thư nói rằng:
          Trước đây khi ông đảm nhiệm chức quan ở Tế Nam, đã huỷ diệt hơn 600 miếu tà thần, được bách tính ủng hộ. Tư tưởng của ông  và chân đạo của quân Hoàng Cân chúng tôi cũng gần như nhau, hiện tại lại mê hoặc rồi. Ông phải nhìn thấy vận số của triều Hán đã hết, hoàng thiên đang lập, đó là ý trời, không phải là tài lực của ông có thể kéo lại. 
          Từ trong thư của quân Hoàng Cân, Tào Tháo nhìn thấy họ không còn ý chí chiến đấu, vả lại quân Hoàng Cân thiếu đi thống soái tài năng, làm sao đánh lại Tào Tháo. Bọn họ buông vũ khí đầu hàng. Tào Tháo từ trong đội quân nông dân chọn ra hơn 30 vạn thanh niên khoẻ mạnh, gọi là “Thanh Châu quân”. Từ đó, Thanh Châu quân trở thành cốt cán của đội quân Tào Tháo.
          Từ Thái thú Đông Quận đến Duyện Châu Mục, từ tướng nhiều binh ít đến thu nhận biên chế 30 vạn Thanh Châu quân, Tào Tháo trở thành một đại quân phiệt thế lực siêu quần. Mưu sĩ lương tướng về theo ngày càng nhiều. Tào Tháo không chỉ thoát li Viên Thiệu, trở thành một thế lực độc lập, mà còn dần dần dám đối kháng cùng Viên Thiệu. (hết)

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 12/10/2016

Nguyên tác Trung văn
TÀO THÁO CHIẾM CỨ DUYỆN CHÂU
曹操占据兖州
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post