Dịch thuật: Tết Trung Thu ngắm trăng ăn nguyệt bính

TẾT TRUNG THU NGẮM TRĂNG ĂN NGUYỆT BÍNH

          Nguyệt bính 月饼 (bánh Trung Thu) tượng trưng cho cả nhà đoàn viên, là loại thực phẩm không thể thiếu được trong ngày tết Trung Thu. Nhưng để trở thành loại bánh trong ngày tết Trung Thu là có cả một quá trình phát triển.
          Ban đầu, nguyệt bính là loại tế phẩm dâng cúng Nguyệt thần 月神 (thần  mặt trăng). Mỗi khi đến Trung Thu, mọi người đều làm ra một loại bánh để dâng cúng. Sau khi cúng xong cả nhà quây quần đem bánh chia ra ăn, biểu thị gia đình đoàn viên. Còn như “nguyệt bính” được xem là một danh xưng chuyên dụng, được thấy sớm nhất trong thư tịch đời Tống. Lúc bấy giờ, nó cũng chỉ là một loại bánh phổ thông. “Nguyệt bính” chính thức trở thành thực phẩm của ngày Trung Thu là bắt đầu vào đời Minh. Trong các thư tịch đời Minh, bắt đầu xuất hiện những ghi chép liên quan đến tục tết Trung Thu ăn nguyệt bính. Đời Thanh, việc chế tác nguyệt bính càng tinh xảo, có loại đã trở thành thực phẩm ngày tết nổi tiếng. Hiện tại, nguyệt bính đã thành loại bánh truyền thống của Trung Quốc. Do việc chế tác nguyệt bính có lịch sử lâu đời, các nơi dùng những nguyên liệu khác nhau và công nghệ cũng khác nhau, nên đã hình thành những loại nguyệt bính mang phong vị địa phương đặc biệt, nổi tiếng nhất có loại bánh của Bắc Kinh, của Quảng Đông, Giang Tô, Vân Nam ...
          Tập tục Trung Thu ăn nguyệt bính trong dân gian cũng có quan hệ mật thiết với hoạt động ngắm trăng trải qua các triều đại ngày càng thịnh hành. Tập tục ngắm trăng có nguồn gốc từ “tế nguyệt”. Thời Nguỵ Tấn, trong sử sách đã có ghi chép liên quan đến hoạt động ngắm trăng, chỉ có điều là hoạt động ngắm trăng Trung Thu lúc bấy giờ chưa lưu hành phổ biến. Mãi đến đời Đường,  sau khi Đường Thái Tông đem ngày rằm tháng 8 chính thức ấn định thành tết Trung Thu, tết Trung Thu mới từ một tiết trong năm trở thành ngày tết dân gian cố định, bắt đầu phát triển trở thành ngày tết lớn bao gồm các hoạt động như cúng trăng, ngắm trăng, chơi trăng. Đường Huyền Tông Lí Long Cơ 李隆基 hạ lệnh cho xây một đài ngắm trăng cao hơn 100 trượng bên bờ tây ao Thái Dịch 太液 ở Trường An 长安 (nay là Tây An 西安Thiểm Tây 陕西), để ông và Dương Quý Phi 杨贵妃 hưởng dụng vào đêm Trung Thu. Phong tục ngắm trăng đời Tống càng thịnh hơn đời Đường. Mỗi khi đến tết Trung Thu, các tửu lâu trong kinh thành đều trang trí mới lạ, đem ra những loại rượu ngon, trên phố những hàng trái cây chất đầy trái ngon, nhưng nhà hào môn hiển quý ngắm trăng trong đài tạ của nhà mình, tiếng cầm tiếng sắt vang lên đến sáng vẫn chưa dứt. Thị dân tranh nhau chiếm lấy một chỗ ngồi tốt trong tửu lâu để nhìn ngắm sắc trăng.
          Đêm Trung Thu rằm tháng 8, trăng sáng trên không, khí thu mát mẻ, nhà nhà đem nguyệt bính, hoa quả bày ra dưới trăng, bà con thân hữu tập trung lại, cùng ngắm trăng sáng, quả thực là một đại khoái lạc của nhân sinh.

                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                      Quy Nhơn 15/9/2016
                                                Tết Trung Thu năm Bính Thân

Nguyên tác Trung văn
TRUNG THU THƯỞNG NGUYỆT THỰC NGUYỆT BÍNH
中秋赏月食月饼
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển trung)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009
Previous Post Next Post