Dịch thuật: Luận về tiến thủ, mạo hiểm (kì 4)

LUẬN VỀ TIẾN THỦ, MẠO HIỂM
(kì 4)

Sinh ra từ lòng dũng cảm
          Nã Phá Luân 拿破侖 (1) nói rằng:
          - Với một chữ “nan”, duy chỉ có trong tự điển mà người ngu dùng.
          Lại nói:
          - Với hai chữ “bất năng”, không phải chữ mà người Pháp dùng đến.
          Nột Nhĩ Tốn 訥爾遜 (2) cũng nói:
          - Tôi chưa từng thấy điều gì đáng sợ. Tôi không biết “sợ” là vật như thế nào.
          Than ôi! đến nay đọc mấy dòng này mà thần khí hãy còn vượng (3). Há căn khí của vĩ nhân vốn không phải là thứ mà chúng ta có thể mong? Hay là tự có mà không tự dùng? Những gì Nã Phá Luân từng trải qua, cảnh ngộ khó khăn nhất cũng nhiều, những gì Nột Nhĩ Tốn gặp, việc đáng sợ cũng không ít. Nhưng Nã, Nột nếu như làm những việc bình thường, thì không có gì, chí khí của họ trước tiên cũng đủ để thắng rồi. Nhà Phật có nói “tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” 三界唯心, 萬法唯識 (4). Ta cho rằng không thể, cho rằng đáng sợ, thì là không thể, thì là đáng sợ vậy; ta cho rằng có thể, cho rằng không đáng sợ, thì cũng có thể, thì cũng không đáng sợ vậy. Lí lẽ đó không phải chúng sinh độn căn (5) có thể ngộ được.
          Tuy nhiên, còn có 2 nghĩa:
Phàm người có tật bệnh, tuy đau răng, sổ mũi, tinh thần chí khí hàng ngày dần suy thoái, mà khí lực và thể phách phải nương vào nhau mới được. Đó là một thuyết.
Đoan trang thành kính theo đó đức nghiệp ngày càng tăng, an nhàn phóng tứ theo đó phẩm hạnh ngày càng cẩu thả (6), đó là đại kinh (7) của sinh lí vậy. Tăng Văn Chính 曾文正 (8) nói rằng:
Thân thể tuy nhược, khước bất nghi quá ư ái tích; tinh thần dũ dụng tắc dũ xuất, dương khí dũ đề tắc dũ thịnh. Nhược tồn nhất ái tích tinh thần đích ý tứ, tương tiền tương khước, yêm yêm vô khí, quyết nam thành sự.
身體雖弱, 却不宜過於愛惜; 精神愈用則愈出, 陽氣愈提則愈盛. 若存一愛惜精神的意思, 將前將却, 奄奄無氣, 決難成事.
(Thân thể tuy yếu, không nên quá tiếc, tinh thần càng dùng thì càng dồi dào, dương khí càng nhiều thì càng vượng. Nếu còn có tinh thần tiếc nuối, vừa muốn tiến lại vừa muốn lui, không có khí lực thì quyết khó nên việc lớn.)
Đó cũng là một thuyết.
Nếu thể phách không thể không tự mạnh mẽ lên thì lòng dũng cảm không thể nuôi dưỡng được. Như Nã Phá Luân, như Nột Nhĩ tốn, như Tăng Quốc Phiên đều là hào kiệt có chí tiến thủ, mạo hiểm, mãi mãi là điển hình cho lớp hậu bối vậy. Chúng ta biết chí tiến thủ mạo hiểm không thể ngừng như vậy đó.
Nguy thay, người Trung Quốc chúng ta không có tính tiến thủ mạo hiểm, từ xưa đã vậy, mà nay mỗi ngày lại càng đi xuống nữa. Bảo rằng:
Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi (9)
知足不辱, 知止不殆
(Biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy)
Tri bạch thủ hắc, tri hùng thủ thư (10)
知白守黑, 知雄守雌
(Biết trắng giữ đen, biết trống giữ mái)
Bất vi vật tiên, bất vi vật hậu (11)
不為物先, 不為物後
(Không vượt trước sự vật, cũng không ở sau sự vật)
Vị thường tiên nhân, nhi thường tuỳ nhân (12)
未嘗先人, 而常隨人
(Chưa từng trước người, mà thường theo người)
          Đó là những lời nói vu của họ Lão, không phải luận bàn. Còn những người xưng tụng Khổng Tử , lại bỏ sót đại thể mà chỉ thiên về lời nói; lấy chủ nghĩa “quyến” , mà bỏ chủ nghĩa “cuồng” (13), theo chủ nghĩa “vật” mà bỏ chủ nghĩa “vi” (14), lấy chủ nghĩa “khôn” mà bỏ chủ nghĩa “càn” (15), theo chủ nghĩa “mệnh” mà bỏ chủ nghĩa “lực” (16), xứng với đạo gọi là:
Lạc tắc hành chi, ưu tắc vi chi (17)
樂則行之, 憂則違之
(Vui thì làm, lo thì tránh)
Vô đa ngôn, đa ngôn đa hoạn; vô đa sự, đa sự đa bại (18)
無多言, 多言多患; 無多事, 多事多敗.
(Không nhiều lời, nhiều lời thì nhiều lo; không nhiều việc, nhiều việc thì nhiều thất bại)
Nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư (19)
危邦不入, 亂邦不居
(Nước nguy không đến, nước loạn không ở)
Hiếu tử bất đăng cao, bất lâm thâm (20)
孝子不登高, 不臨深
(Con hiếu không lên cao, không xuống vực sâu)
          Những lời này há không phải là những truyền thuật của Khổng môn, nhưng lời nói không phải chỉ có một cách nói, mà mỗi lời đều có ý nghĩa thích đáng của nó (21), Khổng Tử há từng dùng những lời ấy để ước thúc người trong thiên hạ sao? (22), nhưng tập tục gần đây đều thừa tiếp phong khí mà lưu hành (23), lấy tiện lợi cho mình, đem ngựa của Lão mà khoác lên da hổ của Khổng (24), thay Ni Tằng 尼鄫 bằng Đam Cử 聃莒 (25), vì thế tinh thần tiến thủ mạo hiểm bị tiêu diệt (26) gần hết. Thử xem liệt truyện ở “Thập thất sử” 十七史” (27), tìm những người như Ca Luân Bố 哥侖布, Lập Ôn Tư Đôn 立溫斯敦 (28) có không? đáp rằng: “không có”. Tìm những người như Mã Đinh Lộ Đắc 馬丁路得 (29), Lâm Khẳng 林肯 có không? đáp rằng “không có”. Tìm những người như Khắc Lâm Uy Nhĩ 克林威爾, Hoa Thịnh Đốn 華盛頓 (30) có không? đáp rằng “không có”.
          ........
          Than ôi! Một nước lớn, chỉ có nữ đức mà không có nam đức (31), chỉ có kẻ bệnh tật mà không người khoẻ mạnh, chỉ có khí lúc chiều tối mà không có khí lúc sớm mai, thậm chí chỉ có quỷ đạo mà không có nhân đạo. Đau lòng thay! (32) Đau lòng thay! Tôi không biết đất nước lấy gì mà đứng vững được?   (hết)

Chú của nguyên tác
1- Nã Phá Luân 拿破侖 (Napoléon Bonaparte - ND): hoàng đế nước Pháp, quân sự gia nổi tiếng trên thế giới.
2- Nột Nhĩ Tốn 訥爾遜 (Nelson ? – ND): danh tướng hải quân nước Anh.
3- Nguyên tác là chữ “vượng” , giải thích là “thịnh” , “vượng” .
          Trong Trang Tử - Dưỡng Sinh thiên 莊子 - 養生篇 có câu:
Thần tuy vượng bất thiện dã
神雖王不善也
(Tinh thần xem ra rất vượng nhưng nội tâm lại không vui)
4- Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức 三界唯心, 萬法唯識:
Tam giới 三界: Phật giáo đem vũ trụ phân ra 3 cảnh giới
          - Dục giới 欲界: nơi trú ngụ của chúng sinh dâm dục, thực dục, trên từ trời, xuống đến địa ngục.
          - Sắc giới 色界: trên dục giới, nơi trú ngụ của chúng sinh không có dâm thực dục, nhưng có hình thể tốt và nhan sắc đẹp, có thân thể, cung điện, quốc thổ.
          - Vô sắc giới 無色界: trên sắc giới, ở cảnh giới này không có sở hữu, không có cái gọi là hình và sắc, chỉ dùng “tâm và thức” minh tưởng trong cảnh thiền thâm diệu.
Vạn pháp 萬法: là tất cả đạo lí. Thức là “liễu ngộ phân biệt” 了悟分別. Câu Xá Luận 俱舍論: có nói:
Liễu biệt cố danh thức
了別故名識
(Phân biệt rõ nên gọi là thức)
          “Tam giới duy tâm” ý nói mọi cảnh giới do “tâm” sinh ra, tạo ra
          “Vạn pháp duy thức” ý nói hết thảy đạo lí , chỉ có “thức” có thể liễu biệt.
Cả câu ý nói mọi cảnh giới, hết thảy đạo lí, do “tâm và thức” tạo ra. Vô “tâm, thức”, tức không có tam giới, cũng không có vạn pháp.
5- Độn căn 鈍根: thiên tư ngu độn. Trong kinh Pháp Hoa 法華 có ghi Lợi căn, độn căn 利根, 鈍根, lợi căn chỉ thông minh, độn căn chỉ chậm lụt.
6- Trong nguyên tác, đoạn này là:
Trang kính nhật cường, an tứ nhật thâu
莊敬日強, 安肆日偷
          Câu này xuất xứ từ Lễ Kí – Biểu Kí 禮記 - 表記  ý nói, trang kính thân thể thì có thể ngày càng mạnh khoẻ, an lạc phóng tứ thân thể thì ngày càng bị huỷ hoại. “Tứ” tức là phóng tứ, buông tuồng, “thâu” là cẩu thả.
7- Đại kinh 大經: “kinh” chỉ thường pháp. “Đại kinh” là nguyên tắc lớn.
8- Tăng Văn Chính 曾文正: Văn chính 文正 là tên thuỵ của Tăng Quốc Phiên 曾國藩. Ông có tên tự là Tử Hàm 子涵, hiệu Địch Sinh 滌生, người Tương Hương 湘鄉 Hồ Nam 湖南.
9- Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi 知足不辱, 知止不殆: câu này trong Lão Tử 老子 chương 37. “Đãi” là nguy hiểm. Không cầu mong cho nên không bị nhục; không tiến lên cho nên không có hiểm nguy trên đường. Ở chương 39 lại nói:
          Hoạ mạc đại ư bất tri túc, cữu mạc đại ư dục đắc. Cố tri túc chi túc thường túc hĩ.
          禍莫大於不知足, 咎莫大於欲得. 故知足之足常足矣.
          (Với hoạ không có hoạ nào lớn bằng không biết thế nào là đủ; với nguy không có nguy nào lớn bằng ham muốn được nhiều. Cho nên biết thế nào là đủ mà vừa lòng với cái đủ đó thì thường thấy đủ)
          Ông lại nói:
Thiên chi đạo, cao giả ức chi, hữu dư giả tổn chi.
天之道, 高者抑之, 有餘者損之
(Đạo trời, cao quá thì hạ thấp xuống, dư nhiều thì bớt đi)
10- Tri bạch thủ hắc, tri hùng thủ thư  知白守黑, 知雄守雌:  câu này trong Lão Tử 老子, chương 24; Tri kì hùng thủ kì thư, tri kì bạch, thủ kì hắc 知其雄守其雌, 知其白守其黑, ý tức là “bất cầu hữu tri, bất cầu tranh thắng”. Có thể phân đen trắng mà không cần phân biệt, biết trống sẽ lấy được thắng nhưng cam giữ lấy mái.
11- Bất vi vật tiên, bất vi vật hậu不為物先, 不為物後: câu trên ở Lão Tử 老子,
Chương 58:
          Ngô hữu tam bảo, tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên ..... Cố năng thành khí trưởng.
吾有三寶, 三曰不敢為天下 ..... 先故能成器長.
(Ta có 3 vật báu, vật thứ 3 là không dám tranh trước thiên hạ ..... Cho nên có thể làm chủ được thiên hạ.)
Chính là “chủ trương bất tranh” của Lão Tử.
          “Bất vi vật hậu” cũng là khác với đứng cùng chúng nhân.
12- Vị thường tiên nhân, nhi thường tuỳ nhân未嘗先人, 而常隨人: câu này trong Trang Tử - Thiên Hạ 莊子 - 天下, lời của Quan Doãn 關尹, không phải lời của Lão Tử.
13- Chủ nghĩa “quyến” : chính là chủ nghĩa “hữu sở bất vi”, cũng chính là chủ nghĩa bảo thủ tiêu cực. “Cuồng” là ham cao thích lớn. Chủ nghĩa “cuồng” chính là chủ nghĩa “tiến thủ” tích cực. Trong Luận Ngữ 論語 có câu:
Khổng Tử viết: “Cuồng giả tiến thủ, quyến giả hữu sở bất vi dã.
孔子曰: “狂者進取, 狷者有所不為.”
(Khổng Tử bảo rằng: “Người “cuồng” thì có chí tiến thủ, người “quyến” thì có những điều không chịu làm)
14- Chủ nghĩa “vật” như trong Luận Ngữ - Nhan Uyên 論語 - 顏淵 có nói:
Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động.
非禮勿視, 非禮勿聽, 非禮勿言, 非禮勿動.
(Không hợp với lễ thì chớ có nhìn, không hợp với lễ thì chớ có nghe, không hợp với lễ thì chớ có nói, không hợp với lễ thì chớ có làm.)
Đều là tiêu cực, không làm thứ gì.
          Chủ nghĩa “vi” như trong Luận Ngữ - Vi Chính 論語 - 為政:
Kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã.
見義不為, 無勇也
(Thấy việc nghĩa mà không làm là không có dũng khí)
15- Càn khôn 乾坤 là trong Chu Dịch 周易. Càn là cương kiện, khôn là nhu thuận.
16- Chủ nghĩa “mệnh” chính là “chủ nghĩa thiên mệnh”, hoạ phúc cùng thông thọ yểu thành bại đều do “mệnh vận” định sẵn. Cho nên chủ trương “an phận thủ kỉ”. Trong Luận Ngữ - Nghiêu Viết 論語 - 堯曰 có câu:
Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử dã.
不知命, 無以為君子也.
(Không biết mệnh trời, không phải là quân tử)
          Chủ nghĩa “lực” , như trong Lễ Vận 禮運 có câu:
Lực ố kì bất xuất ư thân dã.
力惡其不出於身也
(Với “lực” chỉ sợ nó không từ thân mà phát huy ra)
          Trong Lễ Trung 禮中 (tức Trung Dung – ND) có câu:
Lực hành cận hồ nhân
力行近乎仁
(Ra sức để làm là gần với đức nhân)
          Trong Lễ Nho 禮儒 (tức thiên Nho Hành trong Lễ Kí – ND) có câu:
Lực hành dĩ đãi thủ
力行以待取
(Ra sức học tập để đợi người đến hỏi)
17- Lạc tắc hành chi, ưu tắc vi chi 樂則行之, 憂則違之: câu này trong văn ngôn ở quẻ Càn trong Chu Dịch. “Vi” là tránh đi. Cả câu ý nói, có vui thì làm, có lo lắng thì tránh.
18- Vô đa ngôn, đa ngôn đa hoạn; vô đa sự, đa sự đa bại 無多言, 多言多患; 無多事, 多事多敗: câu này trong Thuyết Uyển – Kim Nhân Minh 說苑 - 金人銘.
19- Nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư 危邦不入, 亂邦不居: câu này trong Luận Ngữ - Thái Bá 論語 - 泰伯.
20- Hiếu tử bất đăng cao, bất lâm thâm 孝子不登高, 不臨深: trong Lễ Kí – Khúc Lễ thượng 禮記 - 曲禮上 có ghi:
 Vi nhân tử giả ..... bất đăng cao, bất lâm thâm, hiếu tử bất đăng nguy, cụ nhục thân dã.
為人子者 ..... 不登高, 不臨深, 孝子不登危, 懼辱親也.
(Làm con ..... không lên cao, không đến vực sâu, người con hiếu thảo không lên chỗ nguy hiểm, sợ làm nhục đến cha mẹ.)
Cao tức núi cao, thâm tức vực sâu, đều chỉ những chỗ nguy hiểm. Ở vào chỗ nguy hiểm, dễ gây hoạ hoạn, liên luỵ đến  cha mẹ  phải mang nhục. Cho nên nói người con hiếu thảo không lên cao, không đến vực sâu.
21- Nguyên tác là:
Ngôn phi nhất đoan, nghĩa các hữu đáng
言非一端, 義各有當
22- Nguyên tác là:
Hạt thường dĩ thử nghĩa tận luật thiên hạ tai.
曷嘗以此義盡律天下哉
“Luật” là lấy luật pháp để ràng buộc, dùng phương pháp để ước thúc.
23- Nguyên tác là:
Mạt tục thừa lưu
末俗承流
24- Nguyên tác là:
Mông Lão mã dĩ Khổng bì
蒙老馬以孔皮
Ám chỉ dùng chủ trương của Lão Tử mà bề ngoài nói là đạo lí của Khổng Tử; giống như đem ngựa của Lão gia mà khoác lên da hổ của Khổng gia.
25- Nguyên tác là:
Dịch Ni Tằng dĩ Đam Cử
尼鄫以 聃莒
          “Ni” là gọi tắt từ Trọng Ni 仲尼, tên tự của Khổng Tử; “Đam” là thuỵ hiệu của Lão Tử. “Tằng” và “Cử” là hai nước nhỏ thời Xuân Thu. Trong Tả truyện – Tương Công thập lục niên 左傳 - 襄公十六年 có nói, nước Tằng bị nước Cử diệt. Dịch Ni Tằng dĩ Đam Cử  ví đương thời học thuyết của Lão Tử thịnh hành, Khổng học đã bị Lão học đoạt mất.
26- Nguyên tác là “ti diệt” 澌滅 tức tiêu diệt. Trịnh Huyền 鄭玄 khi chú Lễ Kí Đàn Cung 禮記 - 檀弓 có nói:
Tiêu tận vi ti
消盡為澌
(Tiêu mất hết gọi là ti)
27- Thập thất sử 十七史: gọi chung 17 bộ sử, gồm Sử Kí, Hán Thư, Hậu Hán Thư, Tam Quốc Chí, Tấn Thư, Tống Thư, Nam Tề Thư, Lương Thư, Trần Thư, Hậu Nguỵ Thư, Bắc Tề Thư, Hậu Chu Thư, Tuỳ Thư, Nam Sử, Bắc Sử, Đường Thư, Ngũ đại sử.
28- Ca Luân Bố 哥侖布 (Cristoforo Colombo – ND): nhà hàng hải Ý Đại Lợi, người phát hiện Mĩ châu tân đại lục.
Lập Ôn Tư Đôn 立溫斯敦: nhà truyền giáo người Anh, nhà thám hiểm châu Phi. Ông từng 3 lần đến châu Phi, nhiều lần thấm hiểm bên trong châu Phi, kế hoạch khai phát, lưu vực sông Nil, nhân vì đi tìm hiểu vùng đất hoang vu, bị nhuốm bệnh mất.
29- Mã Đinh Lộ Đắc 馬丁路得 (Martin Luther – ND): người Đức, nhà cải cách Cơ Đốc giáo. Nhân vì căm phẫn giáo hoàng mượn chuyện “chuộc Phi”, gạt lấy tiền vàng của ngu dân, ông viết 95 bài văn dán nơi cổng giáo đường Uy Đốn Bảo 威頓堡 (Wittenberg – ND) , ra sức công kích thuyết rửa tội, giáo hoàng tham ô, giáo hội hủ bại. Năm 1520, giáo hoàng Lí Áo 李奧 thứ 10 (Leo X – ND) ra lệnh trục xuất ông khỏi giáo hội. Nhưng cuối cùng được sự đồng tình và ủng hộ của giáo dân thành tâm, ông sáng lập Tân giáo (Cơ Đốc giáo).
30- Lâm Khẳng 林肯(Abraham Lincoin – ND): vị tổng thống thứ 16 của nước Mĩ.
          Khắc Lâm Uy Nhĩ 克林威爾 (1599 – 1658) (Oliver Cromwell – ND): chính trị gia nước Anh.
          Hoa Thịnh Đốn 華盛頓 (Washington – ND): người sáng lập Hợp chúng quốc Bắc Mĩ.
31- Nguyên tác là “hữu nữ đức nhi vô nam đức”有女德而無男德: có cái đẹp nhu thuận mềm yếu của nữ tính, mà không có cương kiện thô tráng của nam tính.
32- Nguyên tác là “thông (đỗng) tai” 恫哉 có nghĩa là đau lòng thay. “thông” là “thống” . Trong Thi – Đại Nhã – Tang Nhu - 大雅 - 桑柔 có câu:
Ai thông Trung quốc
哀恫中國
(Đau xót cho Trung quốc)
                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 18/9/2016

Nguyên tác Trung văn
LUẬN TIẾN THỦ MẠO HIỂM
論進取冒險
Trong quyển
ẨM BĂNG THẤT TOÀN TẬP
飲氷室全集
Tác giả: Lương Khải Siêu 梁啟超
Văn hoá đồ thư công ti ấn hành
Previous Post Next Post