Dịch thuật: Xưng vị quan lại các cấp thời cổ (kì 2)

XƯNG VỊ QUAN LẠI CÁC CẤP THỜI CỔ
(kì 2)

THƯỢNG KHANH 上卿: quan chế đời Chu, thiên tử cùng chư hầu đều có khanh, phân làm 3 bậc thượng, trung, hạ, tôn quý nhất là “Thượng khanh”.
ĐẠI TƯỚNG QUÂN 大将军: là xưng hiệu cao nhất của tướng quân thời Tiên Tần và Tây Hán. Như Hán Cao Tổ lấy Hàn Tín 韩信 làm Đại tướng quân, Hán Vũ Đế lấy Vệ Thanh 卫青 làm Đại tướng quân. Từ thời Nguỵ Tấn về sau dần trở thành hư hàm không thực chức. Hai đời Minh Thanh khi chiến tranh mới thiết lập chức quan Đại tướng quân, sau chiến tranh phế bỏ. Đặng Chất 邓骘 là Đại tướng quân thời Hán Hoà Đế.
THAM TRI CHÍNH SỰ 参知政事: gọi tắt là “Tham chính” 参政, một trong những trưởng quan chính vụ cao nhất thời Đường Tống, cùng với Đồng bình chương sự 同平章事, Xu mật sứ 枢密使, Khuông mật phó sứ 框密副使 hợp xưng là “Tể chấp” 宰执. Đời Tống, Phạm Trọng Yêm 范仲淹, Âu Dương Tu 欧阳修, Vương An Thạch 王安石 từng đảm nhiệm qua chức này.
QUÂN CƠ ĐẠI THẦN 军机大臣: Quân cơ xứ là cơ cấu chính vụ phụ tá hoàng đế vào đời Thanh. Người nhậm chức nhìn chung là do Thân vương, Đại học sĩ, Thượng thư, Thị lang hoặc Kinh đường kiêm nhiệm, xưng là Quân cơ đại thần. Quân cơ đại thần, ít thì 3, 4 người, nhiều thì 6, 7 người, được gọi là “Xu thần” 枢臣. Cuối đời Thanh, với người Hán chỉ có Tả Tông Đường 左宗棠, Trương Chi Động 张之洞, Viên Thế Khải 袁世凯 từng đảm nhiệm qua chức Quân cơ đại thần  trong một thời gian ngắn.
QUÂN CƠ CHƯƠNG KINH 军机章京: xem “Quân cơ đại thần”. Là nhân viên làm việc ở Quân cơ xứ, thuộc quan của Quân cơ đại thần, được gọi là “Tiểu quân cơ” 小军机.
NGỰ SỬ 御史:  vốn là sử quan. Từ đời Tần về sau, đặt Ngự sử đại phu, chức vị chỉ sau Thừa tướng, chủ quản việc đàn hặc, củ sát những lỗi mà quan viên mắc phải. Hàn Dũ 韩愈 từng giữ qua chức Giám sát ngự sử. Đời Minh, Hải Thuỵ 海瑞 từng đảm nhiệm Nam Kinh hữu thiêm đô ngự sử.
XU MẬT SỨ枢密使: trưởng quan của Xu mật viện. Thời Đường do hoạn quan đảm nhiệm, từ thời Tống về sau đổi lại do đại thần đảm nhiệm. Xu mật viện là một trong những cơ cấu quốc vụ cao nhất quản lí quân quốc yếu chính. Quyền lực của Xu mật xứ tương đương với Tể tướng. Đời Thanh Quân cơ đại thần luôn được tôn xưng là “Xu mật” 枢密. Đời Tống, Âu Dương Tu 欧阳修 từng giữ chức Xu mật phó sứ.
TẢ ĐỒ 左徒: tên chức quan ở nước Sở thời Chiến Quốc, tương đương với Tả Hữu thập di sau này. Chức trách chủ yếu là can gián hoàng đế, tiến cử nhân tài. Khuất Nguyên 屈原 là Tả đồ của Sở Hoài Vương.
THÁI UÝ 太尉: danh xưng chức quan trước đời Nguyên, là vị võ quan cao nhất phụ tá hoàng đế, đời Hán gọi là Đại tư mã. Đời Tống quy định thành Nhất  cấp
Võ quan tối cao.
THƯỢNG ĐẠI PHU 上大夫: tên chức quan thời Tiên Tần, so với Khanh thấp hơn một bậc. Lận Tương Như 蔺相如 so với Thượng khanh Liêm Pha 廉颇 quan vị thấp hơn.
ĐẠI PHU 大夫: đại phu mà các triều đại nói đến không tương đồng, có lúc chỉ chức vụ trọng yếu trong cơ cấu trung ương, như Ngự sử đại, Gián nghị đại phu ...
SĨ ĐẠI PHU 士大夫:   thời cổ chỉ quan lại hoặc phần tử tri thức tương đối có danh vọng, địa vị.
THÁI SỬ 太史: là đại thần triều đình có địa vị rất cao thời Tây Chu và Xuân Thu, nắm giữ việc khởi thảo văn thư, sách mệnh chư hầu khanh đại phu, ghi chép sử sách kiêm quản điển tịch, lịch pháp, tế tự ... Từ Tần Hán về sau lập Thái sử lệnh, phạm vi chức vụ nắm giữ tương đối nhỏ hơn, địa vị dần thấp. Tư Mã Thiên 司马迁 từng đảm nhiệm qua chức Thái sử lệnh.
TRƯỞNG SỬ 长史: thuộc quan của Thừa tướng đời Tần, như Lí Tư 李斯 từng giữ chức Trưởng sử, tương đương với thư kí trưởng của Thừa tướng. Thời lưỡng Hán về sau là thuộc quan của Tướng quân, đứng đầu mạc liêu.
THỊ LANG 侍郎: lúc đầu hầu cận trong cung đình. Từ thời Đông Hán về sau trở thành thuộc quan của Thượng thư. Đời Đường bắt đầu lấy Thị lang làm phó chức cho Trưởng quan (Thượng thư) của các bộ ở Tam tỉnh (Trung thư, Môn hạ, Thượng thư). Hàn Dũ 韩愈 trước sau từng đảm nhiệm chức Thị lang của Hình bộ, Binh bộ, Lại bộ. Viên Thế Khải 袁世凯 cũng từng là Binh bộ Thị lang.
THỊ TRUNG 侍中: nguyên là một trong những chức quan gia thêm ngoài chức quan chính quy. Nhân vì theo hầu bên cạnh hoàng đế, địa vị dần cao, đẳng cấp vượt quá Thị lang. Từ thời Nguỵ Tấn về sau, về sự thực thường trở thành Tể tướng.
LANG TRUNG郎中: thị vệ cung đình thời Chiến Quốc. Từ đời Đường đến đời Thanh thành Thượng thư, quan viên cao cấp dưới Thị lang, chia nhau nắm giữ sự việc các ti.
THAM QUÂN 参军: nói tắt của “Tham mưu quân vụ” 参谋军务, lúc ban đầu là tham mưu quân sự của Thừa tướng. Từ đời Tấn về sau, địa vị dần thấp, trở thành mạc liêu của chư vương, tướng quân, như Đào Uyên Minh 陶渊明 từng giữ chức Trấn quân Tham quân. Phạm Việp 范晔, người biên soạn bộ Hậu Hán thư 后汉书 từng giữ chức Tham quân cho người con thứ 4 của Lưu Dụ 刘裕 là Lưu Nghĩa 刘义. Sau thời Tuỳ Đường dần trở thành quan viên địa phương, như Đỗ Phủ 杜甫 từng làm Hữu vệ soái phủ trụ tào tham quân, Hoa Châu ti công tào tham quân. Bạch Cư Dị 白居易 từng là Kinh triệu phủ doãn tào tham quân.
                                                                 (còn tiếp)

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 02/8/2016

Nguyên tác
CỔ ĐẠI CÁC CẤP QUAN LẠI ĐÍCH XƯNG VỊ
古代各级官吏的称谓
Previous Post Next Post