Dịch thuật: Huệ Thi

HUỆ THI

          Huệ Thi 惠施 (khoảng năm 370 đến năm 310 trước công nguyên), Tể tướng của Nguỵ Huệ Vương 魏惠王 thời Chiến Quốc. Ông là tư tưởng gia, tung hoành gia nổi tiếng. Bệnh mất, hưởng niên 61 tuổi.

          Huệ Thi người nước Tống, học thức uyên bác, giỏi biện luận. Năm 338 trước công nguyên, Huệ Thi lần đầu tiên đến nước Nguỵ cầu kiến Tướng quốc nước Nguỵ là Bạch Khuê 白圭, đồng thời thông qua sự tiến cử của Bạch Khuê, bái kiến Nguỵ Huệ Vương. Huệ Thi cùng Nguỵ Huệ Vương bàn luận đại thế thiên hạ, phân tích nguyên nhân sâu xa sự thất bại của nước Nguỵ trong cuộc chiến Mã Lăng 马陵 mấy năm trước giữa Tề với Nguỵ, ông đề xuất kiến giải chấn hưng lại nước Nguỵ, rất được Nguỵ Huệ Vương tán thưởng.
          Năm 334 trước công nguyên, Huệ Thi được Nguỵ Huệ Vương bái làm Tướng quốc, nắm giữ triều chính, ra sức thực thi quốc sách liên hiệp với Tề. Ông cùng Nguỵ Huệ Vương đến Từ Châu 徐州 (nay là phía nam huyện Đằng tỉnh Sơn Đông 山东) để hội kiến cùng Tề Uy Vương 齐威王, bàn định việc nước Nguỵ tôn Tề Uy Vương làm Vương, nước Tề cũng tôn Nguỵ Huệ Vương làm Vương, sử xưng là “hội Từ Châu tương Vương” 会徐州相王, kiến lập liên minh Tề Nguỵ, mưu tính việc hai nước cùng chế ngự dừng chiến tranh.
          Nhưng, chính kiến của Huệ Thi gặp phải sự phản đối kịch liệt của các nước Sở, Triệu, Tần. Năm sau, Sở Uy Vương 楚威王 đích thân thống lĩnh đại quân tấn công Từ Châu, đánh bại quân Tề. Năm 330 trước công nguyên, tướng Tần là Công Tôn Diễn 公孙衍 lại tấn công nước Nguỵ, tiếp đó chiếm Điêu Âm 雕阴, Phần Dương 汾阳, Bì Thị 皮氏, Khúc Ốc 曲呜沃, Bồ Dương 蒲阳, bức nước Nguỵ đem 15 huyện ở Thượng Quận 上郡 dâng cho nước Tần để cầu hoà. Đối mặt với cục diện bất lợi, Huệ Thi vẫn kiên trì quốc sách liên Tề, kiến nghị Nguỵ Huệ Vương nhiều lần tương hội với Tề Uy Vương và Hàn Tuyên Huệ Vương 韩宣惠王, cùng nhau thừa nhận là Vương lẫn nhau, liên hiệp kháng Tần. Nước Tần cũng phái Trương Nghi 张仪, tung hoành gia nổi tiếng, cùng tương hội với đại thần nước Sở tại Khiết Tang 啮桑, để phân hoá làm tan rã liên minh Tề Nguỵ. Nước Sở cũng tấn công nước Nguỵ, đoạt lấy 8 ấp.
          Năm 322 trước công nguyên, Nguỵ Huệ Vương thấy quốc sách liên Tề của Huệ Thi không có hiệu quả liền bãi miễn chức Tướng quốc của Huệ Thi, còn đuổi ông ra khỏi nước Nguỵ, mời Trương Nghi làm Tướng quốc. Huệ Thi đi qua nước Sở đến nước Tống, cùng trao đổi học vấn với học giả nổi tiếng Trang Chu 庄周. Trương Nghi sau khi bái tướng, về danh nghĩa đề xuất quốc sách liên hiệp với nước Tần, nước Hàn tấn công nước Sở, trên thực tế, là ép nước Nguỵ hướng đến nước Tần mà thần phục. Điều đó đã gây ra sự phản cảm của Nguỵ Huệ Vương, nên vào  năm 319 trước công nguyên đã đuổi Trương Nghi ra khỏi nước. Cùng năm đó, Huệ Thi về lại nước Nguỵ.
          Sau đó, Huệ Thi từng nhận mệnh đi sứ nước Sở, đồng thời trao đổi học vấn với kì nhân phương nam Hoàng Liêu 黄缭. Năm 316 trước công nguyên, nước Tề tấn công nước Yên, ông lại đi sứ nước Triệu, thuyết phục Triệu cứu Yên đánh Tề.
          Huệ Thi là chính trị gia, cũng là tư tưởng gia. Ông còn là nhân vật đại biểu của học phái Hợp đồng dị nguỵ biện thời Chiến Quốc, luận chứng “vạn vật tất đồng tất dị”, nguyên lí “tiểu nhất” cấu thành “đại nhất”, đồng thời từ đó dẫn đến quan điểm “phiếm ái vạn vật, thiên địa nhất thể” gần với “tề vật” của Trang Chu.
          Năm 310 trước công nguyên, Huệ Thi bị bệnh và qua đời, lúc sinh tiền ông viết không ít những bài văn, đáng tiếc là đều đã thất tán.

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 28/8/2016

Nguyên tác Trung văn
HUỆ THI
惠施
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999
Previous Post Next Post