Dịch thuật: Bàn

BÀN

          Bàn là một loại khí vật vào thời Thương Chu dùng để hứng nước khi quý tộc tế tự hoặc yến tiệc làm lễ rửa tay. Thời Chiến Quốc lễ rửa tay dần phế bỏ, bàn thay thế dùng đựng nước để rửa tay. Đầu đời Thương, bàn không nhiều và cũng không tinh xảo. Thời Tây Chu, bàn cực trang trọng và tinh mĩ, thời Xuân Thu Chiến Quốc thì nhiều nhất, bàn thời Xuân Thu phong cách đa dạng nhưng không điển nhã, thời Chiến Quốc thì thực dụng và giản hoá, nói chung tương đối tinh xảo, với dạng hình tròn là chính.
          Theo Lịch đại trứ lục cát kim mục 历代著录吉金目, thanh đồng bàn đời Thương Chu được các đời thu thập có 133 chiếc, hiện tồn cũng không ít. Loại có minh văn trọng yếu và hoa văn tinh mĩ có thể xếp hạng cấp 1. Đặc biệt là bàn thời Tây Chu, cơ bản đều không phải để sử dụng, mà là loại lễ khí có minh văn mang tính kỉ niệm, nhân đó thuộc loại trọng khí trân quý của nhóm thanh đồng khí, trong đó nổi tiếng nhất có 3 chiếc:
          Tán Thị bàn 散氏盘. Cũng gọi là Tán bàn 散盘. Nhân vì trong minh văn có 2 chữ “Tán Thị” 散氏 nên có tên như thế. Có người cho rằng người làm ra là Niết Nhân, cho nên còn có tên là “Niết Nhân bàn”, khí vật trung vãn kì thời Xuân Thu. Theo lời kể, bàn được phát hiện tại huyện Phụng Tường 凤翔 tỉnh Thiểm Tây 陕西 vào đầu thời Càn Long nhà Thanh, nguyên lưu giữ tại Viện bảo tàng Cố Cung, nay tại Đài Bắc. Lời minh ghi về việc hoạch định giới hạn đất đai cùng lời thề, là sử liệu trọng yếu để nghiên cứu chế độ đất đai từ sau thời Chu Hiếu vương, Chu Di Vương.
          Sử Tường Bàn 史墙盘. Phát hiện tại huyện Phù Phong 扶风 tỉnh Thiểm Tây 陕西 vào tháng 12 năm 1976, hiện được lưu giữ tại Sở quản lí văn vật Phù Phong 扶风Chu Nguyên 周原Thiểm Tây 陕西 , khí vật trung kì thời Tây Chu. Chiếc bàn đồng này do một người tên Tường trong gia tộc Vi thị 微氏 làm ra để kỉ niệm tổ tiên mình, nhân vì người làm ra là sử quan nên có tên gọi như thế. Lời minh ghi chép lại những sự tích quan trọng thời Văn Vương, Vũ Vương , Thành Vương, Khang Vương, Chiêu Vương, Mục Vương thời Tây Chu cùng gia thế người làm ra, nó cực kì quan trọng đối với việc nghiên cứu lịch sử thời Tây Chu. Minh văn ghi chép từ lịch sử thời Tây Chu đến đời Mục Vương thì ngừng, nhân đó mọi người cho rằng khí vật này thuộc thời kì Cung Vương 共王.
          Quắc Quý Tử Bạch bàn 虢季子白盘. Khí vật thời Tây Chu, được phát hiện tại Bảo Kê 宝鸡 Thiểm Tây 陕西 vào thời Đạo Quang 道光 nhà Thanh. Bàn dài 137,3cm, rộng 86,2cm, nặng 240,5k. Miệng lớn, đáy nhỏ, 4 chân, bốn vách của bàn mỗi vách có 2 phù điêu đầu hổ ngậm vòng, 8 phù điêu hình hổ ngậm vòng này dùng thủ pháp khoa trương, khiến khí thế khủng bố của hổ giảm đi. Với dạng hình chữ nhật to lớn như Quắc Quý Tử Bạch bàn, là thuộc loại hiếm thấy. Nơi đáy bàn có minh văn làm theo vận thể với 110 chữ, ghi lại việc Quắc Quý Tử Bạch nhân vì lập được chiến công được Chu thiên tử ban thưởng nên làm ra để kỉ niệm.

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 07/6/2016

Nguồn: CỔ NGOẠN 古玩
Tác giả: Đỗ Vệ Dân 杜卫民
Bắc Kinh: Học Uyển xuất bản xã, 2007



Sử Tường bàn


Tán Thị bàn 


Quắc Quý Tử Bạch bàn 



Previous Post Next Post