Dịch thuật: Tần Thuỷ Hoàng tu sửa Trường thành và xây cung A Bàng

TẦN THUỶ HOÀNG TU SỬA TRƯỜNG THÀNH
VÀ XÂY CUNG A BÀNG

          Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 sau khi thống nhất 6 nước, vào năm 215 trước công nguyên đã phái đại tướng Mông Điềm 蒙恬 thống lĩnh 30 vạn đại quân đánh bại Hung Nô, sau đó hạ lệnh đem những đoạn trường thành vốn có của nước Yên, Triệu, Tần nối liền lại, đồng thời tu sửa và xây thêm. Bộ phận xây thêm vượt quá 3 đoạn trường thành vốn có cộng lại. Trường thành Tần phía tây bắt đầu từ Lâm Thao 临洮 Cam Túc 甘肃, phía đông đến đông bộ Liêu Ninh 辽宁, dài đến hơn 5000 cây số, trong lịch sử gọi là Vạn lí trường thành 万里长城
          Trường thành do kẻ thống trị triều Tần điều động mấy chục vạn người, trải qua nhiều năm lao động gian khổ, tử vong vô số, mới xây dựng thành công. Kiến trúc của Trường thành ở tuyệt đại đa số địa phương là lấy sơn mạch làm cơ sở, theo thế núi cao thấp lên xuống. Có đoạn xây trên núi cao cách mặt đất 1300, 1400 cây số. Độ cao của bản thân Trường thành từ 5m đến 10m không đều nhau. Bề ngoài của tường dùng gạch và đá xây thành, bên trong dùng hoàng thổ nén chặt, phần mặt hướng ra bên ngoài trên đỉnh Trường thành còn xây “nữ tường” 女墙 (tức tường nhỏ trên tường của thành). Trên nữ tường chừa mấy lỗ trống nhỏ, có thể quan sát ngoài thành. Cứ cách 130m, xây một lô cốt làm đài quan sát.  Nhưng nơi hiểm yếu  còn xây “phong hoả đài” 烽火台, một khi phát hiện địch tình, lập tức phát ra cảnh cáo; ban ngày đốt phân sói cùng củi, để đám khói dày bay lên trời cao; ban đêm đốt củi khô có thêm lưu hoàng và diêm tiêu, để ngọn lửa cháy sáng, đó là cách truyền đạt khẩn cấp tình hình quân sự trong khi tác chiến.
          Vạn lí trường thành là kết tinh trí tuệ của nhân dân lao động cổ đại.
          Tuyến Trường thành men theo địa thế hiểm trở, thi công tinh xảo lợi dụng được địa hình tự nhiên. Tại những nơi sườn núi, lợi dụng sống núi làm cơ sở, vừa không chế được hiểm yếu, lại tiện cho thi công; những nơi ven sông và hang sâu, lợi dụng sườn núi gập ghềnh vốn có, nhìn từ bề ngoài vô cùng hiểm trở.
          Vận chuyển một số lượng lớn đất, đá, gạch lên núi là việc vô cùng gian khổ. Vì thế, mỗi lần tu sửa Trường thành đều động viên một số lượng lớn sức lao động, trong lịch sử từng nhiều lần trùng tu công trình to lớn này. Ví dụ như năm 555, vương triều Bắc Tề tu sửa đoạn Trường thành từ Cư Dung quan 居庸关 đến Đại Đồng 大同, khoảng 450 cây số, đã điều động 180 vạn dân phu. Tấm bia đá triều   Minh phát hiện trên Bát Đạt Lĩnh 八达岭, bên trên có ghi rõ tình hình tu sửa Trường thành năm 1582: mấy ngàn binh sĩ và dân phu, tổng cộng tu sửa một  đoạn dài hơn 70 trượng. Có thể tưởng tượng, công trình lúc bấy giờ gian khổ biết chừng nào. Nếu như đem số gạch đá của Trường thành xây một tường thành cao 2m, rộng 1m, thì có thể được một vòng quanh địa cầu vẫn còn dư. Nếu xếp thành con đường rộng 1 trượng 5 xích, dày 1 xích thì có thể được 3,4 vòng quanh địa cầu.
          Trường thành đời Tần hiện tại còn bảo tồn được mấy đoạn di tích. Như tại phía tây bắc Đại Đồng 10 dặm. Có đoạn sắc đất màu tía, mọi người gọi là “tử tái” 紫塞, nghe nói đó là đoạn do triều Tần tu sửa. Ngoài ra, tại phía tây huyện Mân huyện Khai Thành 开城, huyện Hoàn của Cam Túc 甘肃, còn có di tích Trường thành triều Tần. Các triều như Bắc Nguỵ, Bắc tề, Bắc Chu ở thời kì Tây Tấn và Nam Bắc triều và triều Tuỳ đều tu sửa qua Trường thành.
          Triều Minh vô cùng coi trọng công trình tu sửa Trường thành, điều này có liên quan đến việc các bộ Mông Cổ phương bắc thường đem binh quấy nhiễu vùng trung nguyên. Cả một triều đại nhà Minh đều tu sửa Trường thành, đến khoảng trước sau năm 1500, Trường thành triều Minh tu sửa xong. Phía tây khởi đầu từ Gia Dục quan 嘉峪关 tỉnh Cam Túc, phía đông đến Sơn Hải quan 山海关 ở đông bắc tỉnh Hà Bắc, đi qua các tỉnh như Ninh Hạ, Thiểm Tây, Nội Mông Cổ. Nó quanh co uốn khúc theo sơn mạch, kéo dài khoảng hơn 6300 cây số, hình thành nên một bức tường thành khí thế hùng vĩ trên những ngọn núi cao. Vạn lí trường thành đã biểu hiện trí tuệ cao độ của dân tộc Trung Hoa, cũng là “chứng nhân” lịch sử lâu đời của Trung Quốc.
          Nhắc đến Vạn lí trường thành, mọi người luôn liên hệ đến câu chuyện nàng Mạnh Khương 孟姜 khóc Trường thành. Truyền thuyết kể rằng, có một người tên là Phạm Kỉ Lương 范杞梁, mới cưới vợ được hơn 1 tháng đã bị Tần Thuỷ Hoàng bắt đi tu sửa Trường thành. Vợ anh là nàng Mạnh Khương 孟姜 băng rừng vượt suối tìm đến đưa áo len. Nhưng người chồng trong lúc khổ dịch đã chết, vì thế nàng đối mặt với Trường thành khóc 3 ngày 3 đêm, cuối cùng cảm động thiên địa quỷ thần, Trường thành sụp xuống, xuất hiện một lỗ hổng dài hơn 40 dặm.
          Việc Tần Thuỷ Hoàng tu sửa Trường thành, do bởi lao dịch quá nặng, người chết quá nhiều, nên khiến tiếng oán than của bách tính đầy đường. (còn tiếp)

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 23/4/2016

Nguyên tác Trung văn
TẦN THUỶ HOÀNG TU TRÚC VẠN LÍ TRƯỜNG THÀNH
HOÀ A BÀNG CUNG
秦始皇修筑万里长城和阿房宫
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post