BÍ ẨN VIỆC TẦN THUỶ HOÀNG “PHẦN THƯ
KHANH NHO”
Nói đến
Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇, người ta liền nghĩ đến sự kiện “phần thư khanh nho” 焚书坑儒 (đốt sách chôn học trò), nhưng Tần Thuỷ Hoàng rốt cuộc
có “khanh nho” hay không?
Sau khi
Tần Thuỷ Hoàng thống nhất 6 nước, đã áp dụng một loạt những biện pháp để tăng
cường trung ương tập quyền. Sau khi hoàn thành một số việc về chính trị đa phần
là để khống chế, Tần Thuỷ Hoàng bắt đầu khống chế tinh thần. Năm 213 trước công
nguyên, Tần Thuỷ Hoàng bày yến tiệc tại cung Hàm Dương 咸阳
chiêu đãi quần thần cùng nho sinh. Trong bữa tiệc xoay quanh việc nên hay không
nên thực hành chế độ phân phong. Giữa các nho sinh với nhau đã phát sinh tranh
luận kịch liệt. Thừa tướng Vương Oản 王绾, Bác sĩ sinh Thuần
Vu Việt 淳于越 chủ trương thực hành phân phong, còn Thừa tướng Lí Tư
李斯 lại tán đồng chế độ quận huyện, đồng thời chỉ trích
nhóm Thuần Vu Việt “không theo nay mà theo xưa”, “theo xưa mà chê nay”. Cuối
cùng Tần Thuỷ Hoàng ủng hộ quan điểm của Lí Tư, thực thi kiến nghị “phần thư” của
Lí Tư. Tần Thuỷ Hoàng hạ lệnh: trừ “Tần kỉ” 秦纪
(sử thư nước Tần), cùng các sách về y dược, bốc phệ, nông nghiệp cho đến “Thi”
“Thư” do quốc gia Bác sĩ cất giữ, Bách gia ngữ ra, phàm sử của các nước, những
tác phẩm của Nho gia do tư nhân cất giữ, những trứ tác của bách gia và các điển
tịch khác, nhất loạt giao cho quan thiêu huỷ, đồng thời cấm chỉ bàn đến “Thi”
“Thư” “lấy xưa chê nay”, ai vi phạm sẽ bị nghiêm trị thậm chí bị phán tội chết.
Bách tính nếu như muốn học một số pháp lệnh có thể bái quan lại làm thầy. Nhìn
từ quan điểnm này, việc “phần thư” nhất định Tần Thuỷ Hoàng đã làm qua.
Sau khi
Tần Thuỷ Hoàng xưng đế, ra sức cầu trường sinh bất lão, say mê tiên đạo, không
tiếc dùng một số lượng lớn vàng, trước sau phái Từ Phúc 徐福, Hàn Chúng 韩众, Hầu Sinh 侯生, Lư Sinh 卢生 đi tìm tiên dược.
Lúc đầu Hầu Sinh và Lư Sinh là phương sĩ bên cạnh Tần Thuỷ Hoàng, do bởi trường
kì cầu tiên nhân và tiên dược cho Tần Thuỷ Hoàng nhưng không được, trong lòng
nóng như lửa đốt, lo lắng không yên. Theo pháp luật nước Tần, cầu không được
tiên dược sẽ bị xử tội chết. Do đó họ cảm khái: giống như họ dựa vào người hung
hãn tàn bạo để tạo uy thế đồng thời tham lam quyền thế, không đáng để họ cầu
tiên dược. Vì thế, Hầu Sinh, Lư Sinh lén bỏ đi nơi khác.
Sự kiện
này khiến Tần Thuỷ Hoàng vô cùng tức giận, liền hạ lệnh, tiến thành thẩm tra
các phương sĩ đang ở Hàm Dương, muốn tra cho ra Hầu Sinh, Lư Sinh vì hai người
đã rêu rao mê hoặc mọi người. Để bảo toàn tính mạng, bọn phương sĩ đành cáo
phát lẫn nhau, cuối cùng Tần Thuỷ Hoàng vây được hơn 460 người, đều bị chôn sống
tại Hàm Dương.
“Khanh
nho” là sự kiện kế tiếp “phần thư”. Còn người bị chôn sống là phương sĩ hay nho
sinh, giới học thuật mỗi người đều có quan điểm riêng. Nhìn từ việc phân tích
nguyên nhân sự kiện “khanh nho”, số người mà Tần Thuỷ Hoàng chôn sống phải là
phương sĩ; nhưng nhìn từ việc trưởng tử Phù Tô 扶苏
dâng lời can ngăn “chúng nho sinh đều học tập học thuyết Khổng Tử”, số người mà Tần Thuỷ Hoàng chôn sống dường như là nho sinh.
Vả lại,
Vệ Hoành 卫宏 thời Đông Hán trong Chiếu định cổ văn quan thư tự 诏定古文官书序 có nói, Tần Thuỷ Hoàng cho đào hố ở Ôn Cốc 温谷 tại Li sơn 骊山 để trồng dưa, lấy
lí do hiện tượng kì dị mùa đông mà dưa chín, dụ bác sĩ chư sinh tập trung tại
Li sơn để xem. Khi các nho sinh tranh luận không thôi, ai nấy đều giữ ý kiến của
mình, Tần Thuỷ Hoàng thừa cơ hạ lệnh ngầm lấp hố chôn sống. Toàn bộ hơn 700 nho
sinh bị chôn sống tại sơn cốc. Vì thế, có người căn cứ vào điểm này mà ý kiến
nghiêng về cách nói truyền thống, cho rằng quả thực Tần Thuỷ Hoàng đã có hành
vi “khanh nho”.
Nhưng
có người nghiên cứu sử tịch, cho rằng “phần thư” thì có, còn “khanh nho” thì
không, “khanh nho chi sĩ” là lầm. Sự việc “khanh phương sĩ” thấy ở năm Tần Thuỷ
Hoàng thứ 35, do bởi Hầu Sinh, Lư Sinh hai người cầu tiên dược không thành, họ
sợ “pháp luật nhà Tần quy định cầu tiên dược không được, không ứng nghiệm thì bị
xử chết”, sau khi mắng Tần Thuỷ Hoàng một trận, họ liền bỏ đi. Đã là sự việc do
phương sĩ gây ra, thì chỉ có thể là “khanh phương sĩ”, đương nhiên không thể
nói trong số hơn 460 người bị giết không có nho sinh, mà chỉ toàn là phương sĩ,
nhưng do bởi nhân vật đại biểu mà suy, chủ thể bị giết phải là phương sĩ, còn
nguyên nhân bị giết lại càng không có quan hệ gì với chủ trương chính trị và
quan điểm học phái của Nho gia. Cho nên cho dù trong số người bị giết có nho
sinh, cũng không thể nhân vì nho sinh mà đắc tội, mà vì cái cớ nào đó bị liên
luỵ với phương sĩ. Do đó không có lí do gì để nói Tần Thuỷ Hoàng “khanh nho”.
Dù Tần Thuỷ Hoàng nhân vì việc “khanh nho” bị trách mắng, nhưng đến hiện nay, Tần
Thuỷ Hoàng rốt cuộc có “khanh nho” hay không vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời
giải.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 01/4/2016
Nguyên tác Trung văn
TẦN THUỶ HOÀNG “PHẦN THƯ KHANH NHO” CHI MÊ
秦始皇焚书坑儒之谜
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Tác giả: Hải Tử 海子
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật