Dịch thuật: Vì sao Kinh Kha thích Tần Vương không thành công

VÌ SAO KINH KHA THÍCH TẦN VƯƠNG KHÔNG THÀNH CÔNG

          Kinh Kha 荆轲, người nước Vệ thời Chiến Quốc. Tổ tiên của ông là người nước Tề, sau khi dời đến nước Vệ, người nước Vệ gọi ông là Khánh Khanh 庆卿. Sau khi đến nước Yên, người nước Yên gọi ông là Kinh Khanh 荆卿. Câu chuyện “Kinh Kha thích Tần” lưu truyền đến nay.
          Câu chuyện “Kinh Kha thích Tần” lan truyền rất rộng. Để báo ơn tri ngộ thái tử Đan nước Yên, tráng sĩ Kinh Kha không tiếc lấy mạng sống của mình đánh cược, đi đến nước Tần giết Tần Vương. Nhưng điều khiến người ta phải ngạc nhiên đó là sự việc vốn đã nắm chặt nhưng lại không thành công, Kinh Kha trở thành anh hùng thất bại “một đi không trở lại”.
          Tại sao hành động thích Tần của Kinh Kha không thành công? Phân tích sự thực lịch sử không khó để mà phát hiện, trong hành động đó có hành vi sai lầm không đáng có:
- Một là dùng không đúng người, trợ thủ Vũ Dương 武阳 tuy là dũng sĩ, nhưng lúc quan trọng nhất lại dễ dàng run sợ.
- Hai là bản thân Kinh Kha không nắm vững thời cơ, không thể tuỳ cơ mà quyết đoán, kết quả là hỏng đại sự.
          Kinh Kha do Điền Quang 田光 tiến cử lên thái tử Đan, Điền Quang là người có tầm nhìn, khi tiến cử Kinh Kha, ông nói rằng:
          - Tôi ngầm quan sát thực khách thủ hạ của thái tử, đều không thể làm được. Hạ Phù 夏扶, Tống Ý 宋意, Vũ Dương 武阳 tuy là dũng sĩ, nhưng một khi nổi giận, sắc mặt thay đổi. Tôi biết chỉ có một người tên là Kinh Kha, thần dũng phi thường, khi giận, mặt không biến sắc. Người biết nhiều nhớ kĩ, thân thể cường  tráng, tính tình cương liệt, không câu nệ tiểu tiết. Chí hướng của ông ấy cao xa, muốn có công danh thành tựu, thường trú ở nước Vệ. Thái tử muốn thành đại sự, ngoài Kinh Kha ra thì không  thể.
          Thế là thái tử Đan đích thân đưa Điền Quang đến nước Vệ nghinh đón Kinh Kha. “Sĩ vi tri kỉ giả tử” 士为知己者死 (kẻ sĩ có thể vì tri kỉ mà chết), Kinh Kha cảm thấy mình cần phải báo đáp.
          Kinh Kha nói rằng:
          - Hiện có hai thứ mà Tần Vương muốn nhất: một là chiếc đầu của Phàn Ô Kì 樊于期 (1) hai là bản đồ vùng Đốc Cang 督亢. Mà hai thứ này chúng ta đều có thể cung cấp được, như vậy thắng lợi chúng ta nắm trong tay.
          Kinh Kha ngầm cầu kiến Phàn Ô Kì, nói ra dự tính của mình đồng thời cho thấy rõ lợi hại, kết quả để báo thù cho mình, Phàn Ô Kì đã tự vẫn, đầu quặt ra sau lưng, lúc chết vẫn không nhắm mắt.
          Thái tử Đan sau khi nghe nói vô cùng đau buồn, nhưng vì kế lâu dài, đành lấy đầu Phàn Ô Kì đựng vào trong hộp và phong kín, để bên cạnh bản đồ vùng Đốc Cang của nước Yên, làm lễ vật dâng cho nước Tần. Thái tử Đan phái Vũ Dương theo Kinh Kha đến Tần, tuỳ họ chọn ngày xuất phát.
          Kinh Kha, Vũ Dương hai người nhắm hướng tây tiến vào địa phận nước Tần. Quan viên nước Tần nắm giữ bản tịch vương tộc là Mông Bạch 蒙白 nói với Tần Vương:
          - Thái tử Đan nước Yên sợ uy danh của đại vương, hiện dâng chiếc đầu của Phàn Ô Kì và bản đồ vùng Đốc Cang, bày tỏ thành tâm muốn làm thần dân phiên quốc phía bắc.
          Quả nhiên Tần Vương rất vui mừng, cho triệu kiến sứ tiết nước Yên dưới sự hộ giá của vệ sĩ chấp kích và bách quan. Kinh Kha bưng chiếc đầu Phàn Ô Kì, Vũ Dương bưng bản đồ. Chuông trống nổi lên, quần thần cao hô vạn tuế. Nhìn thấy tình hình đó, Vũ Dương vô cùng khủng hoảng, đứng yên một chỗ không thể di động, sắc mặt tái bệch, Tần Vương có chút nghi ngờ. Kinh Kha quay đầu lại nhìn Vũ Dương rồi tiến lên tạ tội nói rằng:
          - Ông ấy ở nơi hoang vắng, không có kiến thức, hi vọng đại vương lượng thứ để ông ta hoàn thành sứ mệnh trước mặt đại vương.
          Lúc này Tần vương mới tin, bảo rằng:
          - Ngươi qua đây, đem bản đồ vùng Đốc Cang dâng lên đây.
          Tần Vương mở bản đồ vùng Đốc Cang, lộ ra một cây kiếm ngắn. Kinh Kha nhanh như chớp, tay trái chụp lấy tay áo Tần Vương, tay phải cầm kiếm chỉa thẳng vào ngực Tần Vương, ra lệnh rằng:
          - Hiện tại, mẫu thân của Yên Vương đang bệnh, thời gian của ta rất gấp, nếu muốn sống thì phải theo kế hoạch của ta mà làm!
          Tần Vương bảo rằng:
          - Ta đồng ý theo kế hoạch của khanh, ta thỉnh cầu trước khi chết cho nghe tiếng đàn.
          Tần Vương gọi người đẹp đến đàn, đồng thời hát lên:
Lụa may áo đơn
 Có thể xé rách
Bình phong cao tám xích
Có thể nhảy sang
Thanh bảo kiếm
Có thể từ phía sau rút ra
          Kinh Kha không hiểu ý nghĩa trong những câu hát ấy, Tần Vương nghe theo đó rút kiếm phía sau thân, chặt đứt vạt áo, chạy ra phía sau bình phong. Kinh Kha rút kiếm ngắn phóng theo Tần Vương, nhưng chỉ trúng tai Tần Vương, kiếm ngắn trúng trụ đồng toé lửa. Tần Vương thừa cơ chuyển mình nhảy bổ đến Kinh Kha, chắt đứt hai tay của Kinh Kha. Kinh Kha dựa trụ đồng cười lớn, ngồi xoạc hai chân ra lớn tiếng mắng rằng:
          - Đại sự sở dĩ không thành công là do bởi ta muốn bắt sống ngươi, buộc ngươi trả khế ước đất đai cho các nước chư hầu rồi hồi báo thái tử.
          Lúc này thị vệ xông lên giết chết Kinh Kha. Đến đây Kinh Kha thích Tần Vương cáo chung thất bại.
          Nhưng Kinh Kha thích Tần Vương rốt cuộc vì sao thất bại, còn cần phải đợi tiến thêm một bước là rõ những bí ẩn trong đó.

Chú của người dịch
1- Phàn Ô Kì
          Trong nguyên tác in theo chữ giản thể, tên nhân vật được viết là 樊于期. Các tư liệu chữ phồn thể, tên nhân vật được viết là 樊於期. Ở đây tôi phiên âm theo dạng chữ phồn thể.
Với chữ : trong Khang Hi tự điển có 2 âm như sau:
          - Âm Bắc Kinh là wu (thanh 1)
             Đường vận 唐韻  phiên thiết là AI ĐÔ 哀都 (ô).
             Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 phiên thiết là UÔNG HỒ 汪胡.
          Đều có âm là .
          - Âm Bắc Kinh là yu (thanh 2) .
          Quảng vận 廣韻 phiên thiết là ƯƠNG CƯ 央居 (ư)
Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 phiên thiết là Y HƯ 衣虛 (ư).
Đều có âm là .
(trang 430, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003)
Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có 2 âm: ƯÔ
Với chữ : trong Khang Hi tự điển cũng có 2 âm:
          - Âm Bắc Kinh là qi (thanh 1)
           Đường vận 唐韻 , Tập vận 集韻, Vận hội 韻會  đều phiên thiết là CỪ CHI 渠之, âm (kì)
          - Âm Bắc Kinh là ji (thanh 1)
          Tập vận 集韻  phiên thiết là CƯ CHI 居之, âm (cơ / ki)
(trang 454, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003)
Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có 2 âm: KỲKY
Theo http://baike.baidu.com/view/671559.htm, tên của nhân vật viết theo dạng phồn thể là樊於期 với âm Bắc Kinh chú bên cạnh là Fan Wu ji, âm Hán Việt là Phàn Ô Ki.
Theo http://www.zwbk.org/MylemmaShow.aspx, tên của nhân vật lại chú âm Bắc Kinh là Fan Wu qi, âm Hán Việt là Phàn Ô Kì.
Trong Sử Kí bản dịch của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê phiên âm là Phàn Ô Kì, bản của Phan Ngọc phiên âm là Phàn Ư Kỳ.  
Tôi theo bản dịch của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê phiên là Phàn Ô Kì.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 06/3/2016

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post