Dịch thuật: Quan viên thời cổ có thể nghỉ hưu không?

QUAN VIÊN THỜI CỔ CÓ THỂ NGHỈ HƯU KHÔNG?

          Đương nhiên là có thể. Vào thời cổ, về việc quan viên nghỉ hưu có một từ rất văn nhã dùng để gọi, đó là “trí sĩ” 致士, ý nghĩa là đem chức quan trả lại cho quân vương.
          Trong Chu lễ 周礼 có nói, triều Chu
Đại phu thất thập nhi trí sĩ
大夫七十而致士
(Đại phu đến 70 tuổi thì trí sĩ)
Tức làm quan đến 70 tuổi thì cáo lão về quê, “trả lại lộc vị cho quân vương”.
          Sau triều Chu, các triều của các đời về cơ bản đều theo chế độ này. Triều Đường quy định:
Chư chức quan niên cập thất thập, tinh lực suy hao, lệ hành trí sĩ.
诸职官年及七十, 精力衰耗, 例行致士
(Các chức quan, tuổi đến 70, tinh lực suy giảm, theo lệ thì trí sĩ)
          Hai triều Minh Thanh đổi lại 60 tuổi thì nghỉ hưu. Đặc biệt là triều Thanh, chức quan càng nhỏ thì nghỉ hưu càng sớm. Tuổi nghỉ hưu của võ quan cấp thấp là: Tham tướng 54 tuổi, Du kích 51 tuổi, Đô tư thủ bị 48 tuổi, Thiên tổng, Bả tổng 45 tuổi.
          Quan viên sau khi nghỉ hưu có còn hưởng thụ bổng lộc của đất nước không?
          Từ triều Đường trở về trước, quan viên sau khi nghỉ hưu, triều đình sẽ không phát bổng lộc cho họ nữa. Như, năm Kiến Sơ 建初 thứ 6 (năm 81), đại thần Đông Hán là Trịnh Quân 郑均 sau khi nghỉ hưu, hoàng đế chỉ ban cho ông ta một danh hiệu suông “chung thân Thượng thư” 终身尚书, không hề có chút bổng lộc nào.
          Đời Đường, quan viên từ ngũ phẩm trở lên sau khi nghỉ hưu, có thể được một nửa “lộc mễ” 禄米 (1). Đời Tống, Tống Chân Tông Triệu Hằng 赵恒 sau khi đăng cơ, triều đình quy định: Bách quan văn võ sau khi nghỉ hưu, theo bổng lộc của họ, có thể cấp cho một nữa “thoái hưu kim” 退休金. Chế độ “thoái hưu kim” là bắt đầu từ đó.

Chú của người dịch
1- Lộc mễ 禄米: Thời cổ, bổng lộc của quan viên dùng gạo thóc để tính nên gọi là “lộc mễ”.

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 05/01/2016

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post