Dịch thuật: Tề Hoàn Công gọi Quản Trọng là "Trọng phụ" ...

TỀ HOÀN CÔNG GỌI QUẢN TRỌNG LÀ “TRỌNG PHỤ”,
CÁCH XƯNG HÔ NÀY CÓ Ý NGHĨA GÌ?

          Quản Trọng 管仲 là chính trị gia nổi tiếng thời Xuân Thu ở Trung Quốc, từng phò tá Tề Hoàn Công 齐桓公 9 lần họp chư hầu, tôn vương nhương di, khiến Tề Hoàn Công trở thành đứng đầu trong ngũ bá. Tề Hoàn Công rất tôn kính Quản Trọng, do bởi tên là Trọng , nhân đó gọi ông là “Trọng phụ” 仲父, ý nghĩa là người đứng sau phụ thân, thế thì danh xưng “Trọng phụ” này được sinh ra như thế nào, trong lịch sử chỉ có Quản Trọng là “Trọng phụ” hay sao?
          Trung Quốc cổ đại, giữa các huynh trưởng sẽ dùng “bá” , “trọng” , “quý” để xếp thứ bậc. Anh cả gọi là “bá”, anh thứ hai gọi là “trọng”. Trong
Thuyết văn – Nhân bộ 说文 - 人部 ghi rằng:
Bá, trưởng dã
, 长也
(Bá là đầu)

Trọng, trung dã
, 中也
(Trọng là giữa)
          Về sau chỉ tháng cũng nói “trọng, quý”.
          Gọi là “Trọng phụ” chính là người đứng chỉ sau phụ thân. Trung Quốc cổ đại rất coi trọng tam cương ngũ thường, phụ là cương của tử, trong chế độ gia trưởng, phụ thân rất có quyền uy. Đối với người mà mình tôn kính, “dĩ phụ sự chi” 以父事之 (xem họ như phụ thân mà phụng thờ họ), nhưng không thể nhận người khác làm phụ thân, cho nên mới có từ “Trọng phụ”.
          Lã Bất Vi 吕不韦 cũng từng là “Trọng phụ”. Ông vốn là một thương nhân nước Hàn, sau khi đầu cơ chính trị, một bước đã nhảy lên Tể tướng nước Tần. Theo lí, ông có địa vị cực cao, quyền khuynh thiên hạ, nhưng không thoả mãn, không bức Tần Vương Doanh Chính 嬴政 phong mình làm “trọng phụ” không được. Nhưng danh hiệu “Trọng phụ” này phải là do đế vương tự nguyện ban cho, nếu tự mình đòi lấy, rốt cuộc là cái hoạ, cuối cùng Lã “Trọng phụ” bị giết chết, trở thành người có vận mệnh bi thảm nhất trong số các “Trọng phụ”.
          Đầu thời Tây Chu, Khương Thượng Khương Tử Nha 姜子牙 giúp Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương phạt Thương diệt Trụ, khai sáng cơ nghiệp triều Chu hơn 800 năm, ông được Chu Vũ Vương thân thiết gọi là “Thượng phụ” 尚父. Thời Hán Sở tương tranh, mưu sĩ của Hạng Vũ 项羽 là Phạm Tăng 范曾 từng được gọi là “Á phụ” 亚父, kì thực hàm nghĩa của nó tương đồng với “Trọng phụ”. “Á” nghĩa là thứ hai, cũng đều là tôn xưng. Thời Tam Quốc đại thần Đông Ngô là Trương Chiêu 张昭, vị cao quyền trọng, được mọi người gọi là “Giang Đông Trọng phụ” 江东仲父. Thừa tướng Thục Hán thời Tam Quốc là Chư Cát Lượng 诸葛亮, được Hậu chủ Lưu Thiện 刘善 gọi là “Tướng phụ” 相父.
          Có thể thấy, vinh dự cực lớn mà vị quân chủ đối với thần tử chính là xưng “phụ”, ý nghĩa là bậc trưởng bối đáng được tôn kính. Trong đó, cách gọi “Trọng phụ” là nhiều nhất, biểu thị người đứng chỉ sau phụ thân.

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 21/12/2015

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post