Dịch thuật: Quán Âm là con của Vô Tránh Niệm Vương

QUÁN ÂM LÀ CON CỦA VÔ TRÁNH NIỆM VƯƠNG

          Khi Thích Ca Mâu Ni Phật 释迦牟尼佛 tại thế, từng ở tại ngoại ô kinh đô thành Vương Xá 王舍, hướng đến 62000 đại tì kheo, Bồ Tát diễn giảng Bi Hoa kinh – Đại thí phẩm thụ kí phẩm 悲华经 - 大施品授记品, trong kinh khi đề cập thân thế của Quán Thế Âm 观世音, nói rằng:
          Từ thời xa xưa, trong kiếp “thiện trì” 善持 có một thế giới Phật gọi là “San Đề Lam” 删提岚, lúc bấy giờ có một vị Chuyển luân Thánh Vương tên là Vô Tránh Niệm Vương 无诤念王, vị này chính là quá khứ sinh của A Di Đà Phật 阿弥陀佛. Vô Tránh Niệm Vương có 10 người con, đại thái tử tên là Bất Huyền 不眴, chính là quá khứ sinh của Quán Thế Âm. Danh hiệu của Phật lúc bấy giờ là Bảo Tạng Phật 宝藏佛, Vô Tránh Niệm Vương và các thái tử đều cúng dường Bảo Tạng Phật.
          Một lần nọ, Vô Tránh Niệm Vương và các thái tử cùng lễ cúng Bảo Tạng Phật, mỗi người ai nấy tự phát nguyện, có người truy cầu đại phú, có người muốn làm thiên thần, có người muốn làm Thánh giả, riêng Vô Tránh Niệm Vương thì cầu nguyện bản thân mình vẫn làm Chuyển luân Thánh Vương.
          Lúc bấy giờ trong triều có một vị đại thần tên là Hải Bảo 海宝, ông là một cao nhân có kiến thức, thường khuyên người nên quy y Phật, phát Bồ Đề tâm. Có một ngày, Hải Bảo nằm mơ một giấc mơ kì lạ, trong mơ nhìn thấy chư Phật đều cầm hoa sen trao cho Hải Bảo, lại thấy xuất hiện thuỵ tướng bất khả tư nghị. Đồng thời ông cũng thấy Vô Tránh Niệm Vương, thân người mặt heo, trên thân vấy đầy vết máu, đang chạy khắp bốn phương tám hướng, lúc đầu ăn các loại côn trùng, sau khi ăn no, có vô số chúng sinh đến tranh nhau ăn thân thể của Vô Tránh Niệm Vương, cứ như vậy, tử rồi lại sinh, vẫn là thân người mặt heo, bị chúng sinh ăn, sinh rồi tử, tử rồi lại sinh.
          Hải Bảo nhìn thấy vô cùng lo sợ, tỉnh dậy vội nói với Vô Tránh Niệm Vương và các thái tử, đồng thời hướng đến Bảo Tạng Phật thỉnh giáo. Bảo Tạng Phật nói với Hải Bảo về những nỗi khổ sở chuyển hồi chuyển sinh. Nhân đó, Hải Bảo bèn khuyến cáo Vô Tránh Niệm Vương và các thái tử, bảo họ nên phát Bồ Đề tâm, không nên chỉ cầu nhân thiên phúc báo. Họ đều nghe theo lời khuyến cáo của Hải Bảo phát đại Bồ Đề tâm. Lúc bấy giờ Chuyển luân Thánh Vương
được Phật thọ kí đương lai sẽ là Phật, Phật hiệu là “Vô Lượng Thọ” 无量寿, hoặc xưng “A Di Đà” 阿弥陀.
          Đại thái tử Bất Huyền nhìn thấy chúng sinh thế gian không ngừng tạo tội khổ não mà không có cách nào rời khỏi cái khổ, liền hướng đến Phật phát đại chí nguyện:
          Nếu có chúng sinh chịu những khổ não, mất đi chính pháp, rơi vào chỗ tối tăm, ưu sầu cơ cực, không ai cứu hộ, không nơi nương tựa không nhà để về, nếu xưng danh tự của con, được thiên nhĩ của con nghe được, được thiên nhãn của con nhìn thấy, mà con không có cách nào để miễn trừ khổ não của họ thì con vĩnh viễn không thành Phật.
          Phát nguyện của Bất Huyền, được Bảo Tạng Phật xưng tụng tán thành, nói rằng:
          Thiện nam tử, con nhìn thấy chúng sinh khổ não, sinh tâm đại bi, thề nguyện cắt đứt phiền não của chúng sinh, từ nay con nên xưng là Quán Thế Âm 观世音.
          Bảo Tạng Phật dự tri Quán Âm vị lai sẽ thành tựu, nói rằng vị lai sẽ thành Phật, Phật hiệu là “Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai” 遍出一切光明功德山王如来, Phật thổ gọi là “Nhất Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu Đích Thế Giới.” 一切珍宝所成就的世界.
          Nhị thái tử đương thời tên là “Ni Ma” 尼摩 cũng phát nguyện cầu được Phật thổ, đợi đến sau khi Quán Âm nhập Niết Bàn 涅槃 sẽ thành Phật. Bảo Tạng Phật liền nói với nhị vương tử Ni Ma rằng:
          Con sẽ kế tục Quán Thế Âm thành Phật ở vị lai, Phật hiệu là “Thiện Trú Trân Bảo Sơn Vương Như Lai” 善住珍宝山王如来. Do bởi con phát nguyện cầu được Phật thổ đại thế giới, nên nên của con cũng gọi là “Đại Thế Chí” 大势至.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 23/12/2015

Nguyên tác Trung văn trong
QUAN ÂM TIỂU BÁCH KHOA
观音小百科
Tác giả: Nhan Tố Tuệ 颜素慧
Trường Sa – Nhạc Lộc thư xã, 2002
Previous Post Next Post