Dịch thuật: Phiên vương là vấn đề lớn của triều Minh

PHIÊN VƯƠNG LÀ VẤN ĐỀ LỚN CỦA TRIỀU MINH

          Triều Minh với 3 thế kỉ, một vấn đề chính trị xuyên suốt trước sau đó là vấn đề phiên vương.
          Phân phong phiên vương là chế độ thông dụng của các vương triều phong kiến, Chu Nguyên Chương 朱元璋 sau khi kiến lập vương triều cũng theo chế độ này. Từ mục đích mà nói, chính như Chu Nguyên Chương từng nói:
Dĩ phiên bình đế thất
以藩屏帝室
(Dùng phiên vương làm bình phong để che chắn cho đế thất)
Chính là dùng quyền lực của phiên vương để củng cố và bảo vệ trung ương.
          Nhằm vào mục đích này, Chu Nguyên Chương đã làm một việc mà công nhận là sai: Thời Hồng Vũ 洪武, phiên vương phân phong không những có sự đãi ngộ ưu hậu, mà quyền lực quân chính cũng cực lớn. Đặc biệt là mấy phiên vương phía bắc có binh quyền, như Ninh Vương 宁王, Yên Vương 燕王, Cốc Vương 谷王, Liêu Vương 辽王 càng nắm giữ lực lượng vũ trang tinh nhuệ của triều Minh, mỗi người đều xưng hùng thiên hạ.
          Đối với sự uy hiếp tiềm tàng này, Chu Nguyên Chương cũng không phải là không dự tính tới. Chế độ phiên vương triều Minh so với các triều trước, điểm tiến bộ đó là quản lí nghiêm túc: đặc chế ra “Thiên hoàng ngọc điệp” 天潢玉牒. Phàm con cháu hoàng thất được sinh ra phải ghi vào sách, phong thưởng ban tước cho tới trật tự truyền thừa hoàng vị cũng đều tuân theo ngọc điệp. Một điểm khác đó là coi trọng sự giáo dục, Chu Nguyên Chương còn biên soạn Vĩnh giám lục 永鉴录Ngự chế kỉ phi lục 御制纪非录. Hai tài liệu này ghi chép những bài học giáo huấn về việc phiên vương các đời gây ác, phân phát cho phiên vương các nơi để học tập, khuyên răn họ nên tận trung với nước. Đồng thời quy củ cũng rất nhiều, phiên vương mặc y phục mà không chú ý, cất nhà mà vượt quá quy định, ra khỏi cửa với nghi thức huyênh hoang, đều có thể bị chụp lên chiếc mũ “vi chế” 违制 (vi phạm chế độ), theo tội mưu phản mà xử lí.
          Nhưng ngàn lần đề phòng vạn lần đề phòng, phòng bị cũng chỉ là phòng bị. Trong tay có binh quyền, sẽ có nguy cơ tạo phản. Lại thêm bản thân chế độ của Chu Nguyên Chương có lỗ hổng: chế độ phiên vương triều Minh quy định, nếu trung ương có gian thần lộng quyền, phiên vương có quyền khởi binh thanh trừ gian thần để bảo vệ hoàng thất. Kết quả, sau khi Chu Nguyên Chương qua đời, Yên Vương Chu Đệ 朱棣 khởi binh tạo phản, đoạt lấy hoàng vị của Kiến Văn Đế Chu Doãn Văn 朱允炆, người kế thừa theo pháp định. Danh nghĩa khởi binh là “thanh quân trắc” 清君侧 (dẹp phản loạn bên cạnh vua), chính là từ lỗ hổng này mà ra.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 18/12/2015

Nguyên tác Trung văn
PHIÊN VƯƠNG THỊ CÁ ĐẠI VẤN ĐỀ
藩王是个大问题
trong quyển
MINH TRIỀU NGUYÊN LAI THỊ GIÁ DẠNG
明朝原来是这样
Tác giả: Trương Khâm 张嶔
Bắc Kinh – Hiện Đại xuất bản xã, 2014
Previous Post Next Post