Dịch thuật: Lai lịch mũ đầu chó

LAI LỊCH MŨ ĐẦU CHÓ

          Cuối đời Thanh, tại vùng Tiểu Giang 小江 ở Ninh Ba 宁波 có nhà họ Lí , cha mẹ qua đời rất sớm, để lại hai anh em Quế Căn 桂根 và Quế Sinh 桂生. Chẳng bao lâu, hai anh em lần lượt lập gia đình, người em là Quế Sinh sinh được hai người con trai, vô cùng vui mừng, nhưng chẳng may Quế Sinh mắc bệnh và qua đời. Người anh là Quế Căn gần 60 tuổi mà không có lấy một mụn con. Quế Căn cùng vợ bàn với nhau, muốn đem cháu về làm con.
          Ngày hôm sau, hai vợ chồng sau khi ăn qua cơm sáng liền hăm hở đến nhà em trai. Người em dâu ra mở cửa, thấy anh chị liền mời vào và đi rót trà, sau đó hỏi qua sự tình. Quế Căn nói rõ lí do, nào ngờ người em dâu nghe qua, liền cười nhạt nói rằng:
          Anh bảo tôi đưa con cho anh, anh không sinh con làm sao biết được nỗi khổ 10 tháng mang thai, nỗi vất vả cho con bú mớm?
          Hai vợ chồng Quế Căn sững sờ, đành nén giận về nhà.
          Sau khi về nhà, vợ Quế Căn giận muốn khóc. Quế Căn khuyên rằng:
          Thôi! Hà tất phải hơn thua với cô ta. Em trai chết sớm, chúng ta nhường cô ấy một tí.
          Nói ra cũng lạ. năm Quế Căn 60 tuổi, người vợ bỗng nhiên có thai, hai vợ chồng già mừng không biết nói sao. Thoáng chốc đã qua mấy tháng, Quế Căn thấy vợ sắp đến ngày sinh, mà gặp lúc mình phải ra ngoài thu nợ. Quế Căn quyết định trước tiên đi tìm một bà mụ, để tránh đến lúc trở tay không kịp. Quế Căn hỏi thăm, nghe nói có thím Lục rất giỏi đỡ đẻ, liền đến nhà, trao 200 lượng bạc nhờ bà. Thím Lục là người nhanh mồm nhanh miệng, nên việc vợ Quế Căn chờ ngày sinh đồn lên, một truyền mười, mười truyền trăm, truyền đến tai người em dâu của Quế Căn.
          Người em dâu của Quế Căn vốn cho rằng ngày anh chị quy thiên không còn xa, gia sản của họ sẽ thuộc về mình. Nay đốt lại sinh nhánh, con sắp chào đời, gia sản đó nào hưởng được. Làm sao đây? Nghĩ đến đó, nàng ta vội đi tìm thím Lục, hỏi:
          Quế Căn nhờ bà đỡ đẻ, ông ấy đưa cho bà bao nhiêu tiền?
          Thím Lục đáp rằng:
          200 lượng bạc.
          Người em dâu liền nhét thêm 200 lượng bạc, ghé tai thím Lục nói nhỏ một hồi.
          Ngày vợ Quế Căn sinh, người em dâu đến nhà Quế Căn, nói rằng:
          Chị dâu à! Khi con sắp sinh ra, chị phải lấy sức nhắm mắt lại, mới có thể bớt đau.
          Vợ Quế Căn cho là thật, khi lâm bồn nhắm chặt hai mắt lại. Quả nhiên đứa bé sinh ra rất nhanh. Chỉ  nghe “oa ” một tiếng, sau đó không nghe thấy gì nữa. Qua một lúc sau vợ Quế Căn mở mắt hỏi thím Lục sinh được bé trai hay bé gái? Thím Lục đáp rằng:
          Sinh ra quái thai, đã đem đi vất rồi.
          Vợ Quế Căn nghe qua ngất đi.
          Em dâu Quế Căn tham tài, một lòng muốn chiếm đoạt gia sản của Quế Căn, nàng ta đưa cho thím Lục 200 lạng bạc để làm một việc ác. Rõ ràng vợ Quế Căn sinh được một bé trai bụ bẫm, thế mà em dâu Quế Căn đang tâm hãm chết, sau đó bảo thím Lục nói dối với vợ Quế Căn là sinh ra quái thai, tự mình lấy bao bọc đứa bé lại đem vất ra nơi đồng hoang.
          Ai ngờ mọi việc đó đều bị con chó của nhà Quế Căn thấy được. Em dâu Quế Căn đi trước, con chó theo sau. Bọc quăng ra, con chó liền ngậm tha về ổ. Con chó cắn đứt sợi dây trói, tháo bọc ra, để đứa bé nằm trên đất rồi liếm khắp người, may thay đứa bé vẫn còn sống, từ từ hồi khí lại, bú sữa của chó.
          Ba ngày sau, Quế Căn thu nợ trở về, vừa đến cổng, con chó hướng đến chủ nhân sủa vang. Quế Căn tưởng chó bị đói liền lấy thức ăn, nhưng chó không ăn, vẫn cứ sủa. Quế Căn bực, lấy chân đá một cái, rồi nhanh chóng vào phòng thăm vợ. Chó quyết không buông, chồm tới cắn lấy áo Quế Căn lấy sức kéo. Quế Căn cảm thấy kì lạ liền theo chó đến ổ của nó. Nghe thấy bên trong có tiếng em bé khóc, nhìn vào thấy nơi góc ổ có một đứa bé trần truồng đang khóc. Quế Căn khom người bế đứa bé lên mang vào nhà. Người vợ đau buồn đem sự việc sinh ra quái thai nói lại cho chồng. Quế Căn vừa nghe qua, cảm thấy có gì không ổn. Lúc bấy giờ, con chó lại ngậm chiếc bao đến trước mặt chủ nhân. Quế Căn mở ra xem, bên trong có một đoạn dây, liền nghi ngờ. Quế Căn âm thầm đem giấu chiếc bao và đoạn dây, nói với vợ rằng:
          Nàng sinh ra quái thai, nay tôi nhặt được đứa bé trai này, chúng ta nuôi làm con đi.
          Người vợ gật đầu đồng ý.
          Ngày hôm sau Quế Căn tặng cho hàng xóm mỗi nhà 4 cái trứng nhuộm đỏ, 2 bát mì, duy chỉ có nhà cô em dâu là không tặng. Cô em dâu biết tin, liền đến huyện nha tố cáo vợ chồng Quế Căn, nói Quế Căn nhận con của chó cho bú mớm, điều này bất minh, bày đặt ra để lăng nhục mình, một quả phụ cùng con.
          Huyện quan nghe có lí, liền sai đưa vợ chồng Quế Căn đến huyện đường, chẳng phân biệt trắng đen phải trái, đánh mỗi người 20 gậy. Hai vợ chồng bị oan khuất, về nhà khóc, nói với con chó rằng:
          Chó à! Quan huyện không tin mầy có thể nuôi đứa bé, bảo chúng tao phải làm sao bây giờ?
          Con chó hướng đến họ sủa 3 tiếng.
          Cách một ngày sau, quan huyện lại truyền hai vợ chồng Quế Căn lên huyện đường. Quế Căn nói với quan huyện rằng:
          Đứa bé này quả thực là do chó nuôi.
          Nói xong, thấy có một con chó chạy đến huyện đường cho đứa bé bú sữa, chó còn ngậm chiếc bao để trước mặt quan huyện, quan huyện thấy sự tình có điều đáng ngờ liền sai người truyền đương sự thăng đường. Thím Lục trước giờ chưa trải qua trận thế này, vô cùng hoảng sợ, đành thật thà khai báo. Sự tình đã rõ chân tướng trắng đen, quan huyện lập tức cho bắt người em dâu Quế Căn và thím Lục.
          Hai vợ chồng Quế Căn ẵm con ruột của mình hân hoan về lại nhà, mời một thợ may nổi tiếng nhất vùng, mô phỏng hình dạng con chó, may cho đứa bé một chiếc mũ. Nhân đó mũ có tên là “cẩu đầu mạo” 狗头帽.
          Về sau, mọi người cảm thấy chiếc mũ đầu chó này khi đội lên đầu trẻ em, chúng rất hoạt bát đáng yêu liền tấp nập bắt chước làm theo. Vì thế, mũ đầu chó dần trở thành chiếc mũ mà trẻ em thích đội.

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 25/12/2015


Previous Post Next Post