Dịch thuật: Khởi nghĩa Lục Lâm, Xích Mi

KHỞI NGHĨA LỤC, LÂM XÍCH MI

          Năm công nguyên thứ 9, đại thần triều Hán là Vương Mãng 王莽 đổi triều Hán thành “Tân triều” 新朝, tự mình xưng đế. Nhằm đối phó với những vấn đề xã hội tồn tại lúc bấy giờ, Vương Mãng lấy “Chu lễ” làm gốc, tiến hành một loạt cải cách. Kết quả ngược với mong muốn, những cải cách này do bởi xúc phạm lợi ích  của địa chủ và giai tầng thương nhân nên đã bị họ chống lại, khiến mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, bách tính khổ sở, khắp nơi trong cả nước loạn lạc, bạo phát cuộc đại khởi nghĩa Lục Lâm 绿林và Xích Mi 赤眉.
          Vùng Ngũ Nguyên 五原 và Đại quận 代郡 ở biên giới tây bắc gần với Hung Nô, bách tính luôn khổ vì chiến loạn, thuế khoá vô cùng nặng. Năm công nguyên thứ 17, Kinh Châu 荆州 (vùng Hồ Bắc 湖北 Hồ Nam 湖南 ngày nay) bị mất mùa đói kém, mọi người phải ăn rau dại, lúc bấy giờ Vương Khuông 王匡 và Vương Thuận 王顺 tiến lên điều giải. Vương Khuông, Vương Thuận chỉa mũi nhọn hướng về triều đình. Dưới sự lãnh đạo của hai người, mấy trăm nông dân khởi nghĩa, họ cướp lương thực, chiếm Lục Lâm, lấy của người giàu chia cho người nghèo, trừ bạo an lương. Chỉ mấy tháng, đội ngũ đã phát triển lên đến bảy tám ngàn người, người đời sau gọi họ là “Lục Lâm hảo hán”. Vương Mãng sau khi biết tin, lập tức bảo quan lại địa phương dốc toàn lực tiễu trừ. Hai vạn quan binh hùng hổ tiến đến Lục Lâm, bị đội quân Lục Lâm dũng mãnh đánh cho tan tác.
          Đội quân Lục Lâm ngày càng lớn mạnh. Lúc bấy giờ một số phần tử giai cấp địa chủ thừa nước đục thả câu, như địa chủ Lưu Huyền 刘玄, hoàng tộc triều Hán đã bị sa sút; Lưu Tú 刘秀, đại địa chủ ở Nam Dương 南阳 thống lĩnh gia binh hưởng ứng, gọi là “Thung lăng binh” 舂陵兵 v.v… Thành phần tổ chức của quân Lục Lâm ngày càng phức tạp, quyền lãnh đạo dần bị phần tử giai cấp địa chủ soán đoạt. Tháng 5 năm công nguyên thứ 23, quân Lục Lâm phát triển đến 10 vạn người, họ cử Lưu Huyền làm hoàng đế, khôi phục triều Hán, năm đó xưng là chính quyền Canh Thuỷ 更始. Tiếp đó, Vương Phụng chỉ huy 8 ngàn quân nông dân, anh dũng giết địch, nội ngoại giáp công, đánh bại 42 vạn đại quân của Vương Mãng đang vây Côn Dương 昆阳 (nay là huyện Diệp Hà Nam 河南). Tháng 9, quân Lục Lâm tấn công Trường An 长安, giết chết Vương Mãng, kết thúc sự thống trị của triều “Tân”.
          Đồng thời với cuộc khởi nghĩa Lục Lâm, Phàn Sùng 樊崇, người Lang Nha 琅邪 Sơn Đông 山东 (nay là Chư Thành 诸城Sơn Đông 山东) đã tập hợp hơn mấy trăm dân bị đói khởi nghĩa, nông dân vùng phụ cận tấp nập hưởng ứng. Họ lấy Thái sơn 泰山 làm trung tâm, bắt giết quan quân khắp nơi ở Sơn Đông, tịch thu tài sản của địa chủ, trừng trị bọn ác bá. Nhân vì chân mày của họ đều bôi màu đỏ nên được gọi là “Xích Mi quân” 赤眉军. Quân Xích Mi kỉ luật rất nghiêm, lại kiêu dũng thiện chiến nên được bách tính yêu quý.
          Sau khi quân Lục Lâm đánh vào Trường An, lại dời đô về Lạc Dương 洛阳, lĩnh tụ quân Xích Mi là Phàn Sùng dẫn hơn 20 thủ lĩnh nghĩa quân đến Lạc Dương bái kiến Lưu Huyền, biểu thị sự tín nhiệm và ủng hộ chính quyền Canh Thuỷ. Lúc này Lưu Huyền đương quyền, ông ta không ngó ngàng đến triều chính, ngày đêm tại hậu cung yến tiệc. Đại phong tôn thất triều Hán, trọng dụng cựu quý tộc, phái quân đánh vào nơi trấn thủ của lãnh đạo quân Lục Lâm Vương Khuông, mâu thuẫn giữa quân nông dân và tập đoàn Lưu Huyền trở nên gay gắt.
          Thấy tình hình như thế, Phàn  Sùng nhanh chóng rời Lạc Dương, thống lĩnh bộ hạ đánh chính quyền Canh Thuỷ. Tháng 6 năm công nguyên thứ 25, họ chọn Lưu Bồn Tử 刘盆子, em bé chăn trâu mới 15 tuổi lập làm hoàng đế, đặt niên hiệu là “Kiến Thế” 建世, quốc hiệu là “Hán”. Đồng thời với đó, phần tử giai cấp địa chủ trong quân Lục Lâm là Lưu Tú cũng kiến lập chính quyền Đông Hán.
          Tháng 9 năm đó, quân Xích Mi tiến đánh Trường An, Canh Thuỷ đế Lưu Huyền đầu hàng, sau bị xử tử. Quân Xích Mi kỉ luật nghiêm túc, không quấy nhiễu bách tính, vùng phụ cận Trường An vấn đề trị an rất tốt, thị dân Trường An lũ lượt trở về. Nhưng giai cấp địa chủ Trường An thấy quân Xích Mi không đại biểu cho lợi ích của họ, nên đã đem lương thực cất giấu, khiến quân Xích Mi cuối cùng bị đứt lương thực, không thể không rời Trường An. Năm công nguyên thứ 27, quân Xích Mi bị trọng binh của Lưu Tú bao vây tại vùng Nghi Dương 宜阳, Phàn Sùng bị bắt. Như vậy, chiến đấu 10 năm, quân Xích Mi với tác dụng to lớn đã bị tan rã. Lưu Bồn Tử bị bức đầu hàng, chính quyền “Kiến Thế” bị diệt, cuộc khởi nghĩa nông dân oanh liệt đến đây kết thúc.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 20/9/2015

Nguyên tác Trung văn
LỤC LÂM XÍCH MI KHỞI NGHĨA
绿林赤眉起义
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post