Dịch thuật: Nhất đan nhất biều

NHẤT ĐAN NHẤT BIỀU
一箪一瓢
GIỎ CƠM BẦU NƯỚC

Giải thích: hình dung cuộc sống thanh bần
Xuất xứ: Xuân Thu . Khổng Khâu đệ tử: Luận ngữ - Ung dã thiên 论语 - 雍也篇

          Nhan Hồi 颜回 là học trò mà Khổng Tử 孔子 thương yêu nhất. Nhan Hồi thiên tư thông minh, học tập chuyên cần, thái độ đối đãi với bạn học rất chân thành. Khổng Tử bảo rằng:
Tự ngô hữu Hồi, môn nhân ích thân
自吾有回, 门人益亲
(Từ khi ta có Nhan Hồi, học trò ngày càng gần gũi hơn)
          Nhan Hồi năm 29 tuổi tóc đã bạc trắng, chỉ sống vỏn vẹn có 32 năm. Khi Nhan Hồi mất, Khổng Tử lúc đó đã hơn 60 tuổi, Khổng Tử khóc vô cùng thương tâm. Gia cảnh Nhan Hồi rất nghèo, cuộc sống thường ngày vô cùng kiệm phác, nhưng Nhan Hồi không cảm thấy khổ, chưa từng có lời oán hận. Khổng Tử cho rằng  Nhan Hồi là người hiền khó có, có sự tu dưỡng cực cao.
          Ở thiên Ung dã 雍也  trong Luận ngữ论语 có ghi:
          Tử viết: “Hiền tai Hồi dã! Nhất đan tự, nhất biều ẩm, tại lậu hạng, nhân bất kham kì ưu, Hồi dã bất cải kì lạc.”
          子曰: “贤哉回也! 一箪食, 一瓢饮, 在陋巷, 人不堪其忧, 回也不改其乐.”
          (Khổng Tử bảo rằng: “Hiền thay anh Hồi! một giỏ cơm, một bầu nước, ở nơi ngõ hẻm, người khác thì ưu sầu không chịu nỗi cảnh khốn khổ đó, riêng anh Hồi thì vẫn không đổi niềm vui.”
          “Đan” là cái giỏ đựng cơm; “biều” là trái bầu khô làm gáo múc nước, cả hai đều là dụng cụ giản đơn, hình dung cuộc sống gian khổ của Nhan Hồi. Nhan Hồi sống tại một ngõ nhỏ xưa cũ, với người khác thì chịu không nỗi cảnh khốn cùng này, riêng Nhan Hồi lại không vì thế mà thay đổi thái độ lạc quan của mình.
          Do bởi câu chuyện của Nhan Hồi, người đời sau đã dùng thành ngữ “nhất đan nhất biều” 一箪一瓢, hoặc “đan biều lậu hạng” 箪瓢陋巷 để hình dung cuộc sống thanh bần  kiệm phác.

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                 Quy Nhơn 15/6/2015

Nguyên tác Trung văn
NHẤT ĐAN NHẤT BIỀU
一箪一瓢
Trong quyển
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004.
Previous Post Next Post