Dịch thuật: Đối liễn là một loại kĩ xảo ngôn ngữ ...

ĐỐI LIỄN LÀ MỘT LOẠI KĨ XẢO NGÔN NGỮ
CŨNG LÀ MỘT LOẠI NGHỆ THUẬT NGÔN NGỮ

          Các dạng đối liễn đều từ sự khác biệt và biến hoá của tự hình, tự âm, tự nghĩa mà ra; đối liễn làm ra có được sự khác thường, điển nhã hay không, quyết định ở chỗ trình độ cao thấp trong việc tu dưỡng văn học cổ điển. Cơ sở của văn học cổ điển là “tiểu học”, “tiểu học” được phân ra 3 bộ phận, đó là huấn hỗ, văn tự và âm vận. Huấn hỗ là nghiên cứu tự nghĩa; văn tự nghiên cứu tự hình, âm vận nghiên cứu tự âm.
          Âm nhạc cổ đại Trung Quốc phân ra 5 âm giai, dùng “cung thương chuỷ vũ giốc” 宫商徵羽角 để kí lục nhạc phổ. Đến thời Lục triều, văn nhân đem âm giai âm nhạc dẫn vào phạm trù ngôn ngữ, lấy 4 thanh “bình thượng khứ nhập” 平上去入 phân ra thanh điệu của tự âm. Văn nhân thời Lục triều đem tứ thanh so sánh với ngũ âm, cho rằng âm “thương” không hợp luật, bỏ âm “thương” đi, “phối cùng tứ thanh thì hợp”. Ngoài Văn tâm điêu long 文心雕龙 của Lưu Hiệp 刘勰 có một chương Thanh luật 声律 ra, còn có Tứ thanh phổ 四声谱 của Thẩm Ước 沈约, Tứ thanh thiết vận 四声切韵của Chu Ngạn Luân 周彦伦, Ngũ cách tứ thanh luận 五格四声论 , Âm phổ quyết nghi 音谱决疑của Vương Bân 王斌, Tứ thanh luận 四声论, Tứ thanh chỉ quy 四声指归của Lưu Thiện Kinh 刘善经 … đều là nhưng chuyên trứ luận thuật về tứ thanh.
          Trong Tứ thanh luận 四声论 , Lưu Thiện Kinh nói rằng:
          Phàm tứ thanh, không tiếng vang nào là không đến, không lời nào là không thu lấy, tổng quát cả tam tài, bao trùm cả vạn tượng.
          Không chỉ ngôn ngữ của con người có thể phân thành tứ thanh, mà thanh âm của giới tự nhiên cũng có tứ thanh, tứ thanh thâu tóm thiên địa, bao la vạn tượng. Lưu Thiện Kinh cho rằng, tứ thanh có thể ví như quỹ đạo của ngôn ngữ, bất kì ai xa rời nó đều không có cách nào đi được; tứ thanh cũng giống như nơi quy tụ của ngôn ngữ, bất luận đến nơi nào cũng đều luôn có một nơi để dừng lại.
          Thẩm Ước cho rằng tứ thanh giống như 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông:
          Lấy Xuân làm dương trung 阳中, đức trạch không thiên lệch, tức tượng của bình thanh; cây cỏ mùa Hạ tươi tốt, nóng bức như lửa, tức tượng của thượng thanh, sương Thu ngưng đọng không rơi, rời rễ xa gốc, tức tượng của khứ thanh, mùa Đông trời đất bế tàng, vận vật hết thảy đều thu lại, tức tượng của nhập thanh.
          Ông còn cho rằng:
          Tứ tượng đã lập thì vạn vật sinh ra, tứ thanh đã đủ thì những thanh khác được quy loại.
          Tứ thanh có thể đem các loại thanh âm khác quy loại một cách tỉ mỉ chặt chẽ.
          Lưu Thiện Kinh cho rằng:
          Trong một thẻ giản, âm vận đã khác nhau; trong hai câu, nặng nhẹ cũng có khác. Đạt được ý chỉ này, thì mới có thể nói về văn.
          Trong một đoản ngữ, âm vận của mỗi chữ hết thảy bất đồng; trong hai câu, nặng nhẹ nhanh chậm của mỗi âm tiết đều có sự khu biệt. Chỉ có nắm vững bí quyết này mới có thể làm văn. Họ đem tính trọng yếu của âm vận trong bài văn nâng cao đến mức như thế, là việc mà người đương thời không theo kịp.
          Đối với thành quả nghiên cứu âm vận, văn nhân cũng đã truyền bá ra dân gian, ngay cả nô bộc của những nhà quyền quý cũng chú ý đến song thanh điệp vận, có thể thấy công việc điều hoà bằng trắc đến thời Lục triều đã “cáo quyết thành công”. Nhưng hiện nay ngay cả những người làm công tác ngữ văn đều có chút “đàm âm biến sắc” 谈音变色 (nói về âm thì mặt biến sắc). Điều này đại khái có liên quan đến việc mấy chục năm coi nhẹ “lãng tụng” 朗诵 (đọc có diễn cảm) và “bội tụng” 背诵 ( đọc thuộc lòng) trong việc dạy Ngữ văn. Ở trường, lớp trẻ không bội tụng không lãng tụng, không học thơ cũ, lâu dần đối với âm vận không thông thạo, nó trở nên xa lạ, chỉ có thiểu số cực ít người làm thơ cũ và một số hí khúc, diễn viên nghệ khúc mới coi trọng thanh vận.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 11/5/2015

Nguồn
TRUNG HOA ĐỐI LIÊN TẢ TÁC
中华对联写作
Tác giả: La Duy Dương 罗维扬
Trường Sa: Nhạc Lộc thư xã, 2004
Previous Post Next Post