Dịch thuật: Tại sao Lỗ Tấn gọi Hứa Quảng Bình là "huynh"?

TẠI SAO LỖ TẤN GỌI HỨA QUẢNG BÌNH LÀ “HUYNH”?

          Trong thư gởi cho Hứa Quảng Bình 许广平 (1), Lỗ Tấn 鲁迅 thường gọi bà là “Quảng Bình huynh” 广平兄. Hứa Quảng Bình vốn là học trò của Lỗ Tấn, về sau trở thành vợ của ông, rõ ràng là một nữ sĩ, thế thì tại sao Lỗ Tấn thường gọi bà là “huynh”?
          Ngày 11 tháng 3 năm 1925, trong thư gởi cho Hứa Quảng Bình, lần đầu tiên Lỗ Tấn gọi bà là “Quảng Bình huynh”. Hứa Quảng Bình sau khi xem thư, ngày 15 tháng 3 hồi âm, mở đầu đã nhắc đến vấn đề này:
          Khi mở thư ra xem, nhìn thấy hàng chữ đầu tiên trên giấy, dưới tên lại có chữ “huynh”. Ý của thầy là sao? Học trò không biết được.
         Trong thư bà còn thuật lại hoạt động tâm lí của bản thân mình khi nhìn thấy cách xưng hô này:
          Học trò dám nhận chữ “huynh” sao? Không, không …. Không gọi là “đồng học”, không gọi là “đệ tử” mà lại gọi là “huynh”, lẽ nào là đùa? 
          Ba ngày sau, ngày 18 tháng 3, Lỗ Tấn viết thư cho Hứa Quảng Bình, giải thích nguyên do:
          Lần này trước tiên nói về ý nghĩa của chữ “huynh”. Đây là do tôi tự chế định ra rồi theo đó mà dùng, chính là: bạn bè quen nhau ngày trước hoặc mới đây, đồng học mà đến nay còn qua lại, hoặc học trò trực tiếp nghe giảng, khi viết thư  đều gọi là “huynh”. Ngoài đó ra, nếu vốn là bậc tiền bối, hoặc những người không quen biết, hoặc tương đối khách sáo thì gọi là “tiên sinh”, “lão gia”, “thái thái”, “thiếu gia”, “tiểu thư”, “đại nhân” … Tóm lại, ý nghĩa chữ “huynh” của tôi chẳng qua hơn cách gọi thẳng tên một chút, không như Hứa Thúc Trọng tiên sinh (2) nói, chỉ có nghĩa là anh trai. Nhưng mấy lí do này, chỉ có mình tôi biết.
          Lỗ Tấn nói cách dùng mà ông nói trong thư là do ông tự định ra, kì thực Lỗ Tấn cũng đã có căn cứ. Trong từ điển Từ hải 辞海 giải thích rằng:
          Gọi là “huynh”, bạn bè tôn xưng lẫn nhau.
          Giữa bạn bè thầy trò, bất luận tuổi tác, không phân biệt giới tính, dùng “huynh đệ” xưng hô với nhau vốn là tập quán truyền thống của phần tử tri thức Trung Quốc, chẳng qua gọi giới nữ là “huynh đệ” thì tương đối ít thấy mà thôi.
          Lỗ Tấn gọi Hứa Quảng Bình là “huynh”, trừ nguyên nhân như Lỗ Tấn đã giải thích ra, chúng tôi cho rằng, ở đây còn bao hàm sự tín nhiệm, quý trọng và yêu mến của Lỗ Tấn đối với Hứa Quảng Bình, bao hàm một tình cảm đặc biệt đối với bà. Nếu không, tại sao với nhiều  nữ học sinh, Lỗ Tấn  không dùng “huynh” để gọi, mà chỉ gọi riêng một mình Hứa Quảng Bình.

Chú của người dịch
1- Hứa Quảng Bình 许广平 (1898 – 1968): người Quảng Châu. Năm 1917, bà theo học tại trường Sư phạm dành cho nữ tại Trực Lệ, Thiên Tân, đảm nhiệm chủ biên tờ “Tỉnh thế chu san” 醒世周刊, tập san của “Thiên Tân ái quốc đồng chí hội” 天津爱国同志会, đồng thời tham gia phong trào “ngũ tứ” dưới sự lãnh đạo của Chu Ân Lai 周恩来. Năm 1923 bà thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Kinh, trở thành học trò của Lỗ Tấn. Tháng 1 năm 1927, Lỗ Tấn đến Đại học Trung Sơn dạy học, bà làm trợ giảng và là người phiên dịch tiếng Quảng Châu, thuê phòng tại đường Bạch Vân 白云sống với Lỗ Tấn. Tháng 10 bà cùng Lỗ Tấn đến Thượng Hải chính thức sống chung. Năm 1929 sinh Chu Hải Anh 周海婴. Tháng 12 năm 1932, xuất bản và biên tập bộ “Lưỡng địa thư” 两地书, gồm những thư từ qua lại giữa bà với Lỗ Tấn.
          Tháng 3 năm 1968, Hứa Quảng Bình đau bệnh và mất tại Bắc Kinh, hưởng thọ 70 tuổi.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/75327.htm
2- Hứa Thúc Trọng 许叔重: tức Hứa Thận 许慎 người thời Đông Hán, tác giả quyển Thuyết văn giải tự 说文解字.

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 04/4/2015

Nguyên tác Trung văn
LỖ TẤN VI HÀ XƯNG HỨA QUẢNG BÌNH VI “HUYNH”
鲁迅为何称许广平为
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Previous Post Next Post