Dịch thuật: Nhạc Phi (cuối kì 2)

NHẠC PHI
(cuối kì 2)

          Năm 1131, Cao Tông lệnh cho Trương Tuấn 张俊 làm Giang Hoài chiêu thảo sứ, Nhạc Phi làm Phó chiêu thảo sứ, đi chinh phạt Lí Thành 李成. Năm Kiến Viêm 建炎 thứ 2 Lí Thành làm giặc, tụ tập mọi người chiếm cứ địa bàn Túc Châu 宿州. Lí Thành ngang dọc vùng Giang, Hoài, Hồ, Tương, thế lực lớn mạnh dần.
          Trương Tuấn không đợi Nhạc Phi, xuất chinh trước, tiến đóng tại Hồng Châu 洪州. Đại tướng của Lí Thành là Mã Tiến 马进 thống lĩnh binh mã nhiều hơn Trương Tuấn gấp bội bao vây Hồng Châu. Trương Tuấn treo cao miễn chiến bài, không xuất thành. Mười mấy ngày sau, Nhạc Phi dẫn quân tới tiến vào trong thành. Trương Tuấn hỏi Nhạc Phi làm thế nào để chiến thắng quân địch. Nhạc Phi bảo rằng:
          Tôi cho rằng không nên ngồi chờ chết.
          Trương Tuấn bảo:
          Chúng ta hợp lại người cũng không đông bằng Mã Tiến, làm sao có thể thắng?
          Nhạc Phi đáp:
          Mã Tiến người đông thế mạnh, nhưng không biết binh pháp. Nếu chúng ta phái một toán binh mã xuất thành, men theo sông mà tiến lên, công hạ bến đò Sinh Mễ 生米, chặt đứt đường rút lui của Mã Tiến thì có thể phá được quân Mã Tiến.
          Trương Tuấn theo kế đó thi hành.
          Nhạc Phi tự nguyện làm tiên phong, dẫn thuộc hạ công nhập doanh trại quân địch. Trương Tuấn sai Dương Nghi Trung 杨沂中 dẫn một lộ binh, nhân lúc hỗn loạn chạy thẳng đến bến đò Sinh Mễ.
          Mã Tiến mấy ngày liền chửi mắng khiêu chiến, Trương Tuấn không xuất binh. Mã Tiến yên tâm, uống rượu vui chơi, nghĩ rằng lương thảo của quan quân trong thành hết, không đánh cũng tự diệt vong. Khi Mã Tuấn đang ôm người đẹp uống rượu, quân sĩ đến báo, nói rằng quan binh đến cướp trại, liền vội cầm đại đao xông ra ngoài trướng triệu tập bộ hạ.
          Mã Tiến vẫn chưa có sự chuẩn bị nghinh địch, Nhạc gia quân đã xông đến gần, dưới lá cờ chữ “Nhạc” đúng là Nhạc Phi. Nhạc Phi cầm thương chỉ vào Mã Tiến, mắng rằng:
          Phản tặc, còn chưa mau đầu hàng!
          Mã Tiến hét lên:
          Hôm nay ta sẽ chém nhà ngươi để dương danh với thiên hạ.
          Nói xong, Mã Tiến vung đao chạy đến chỗ Nhạc Phi. Nhạc Phi hạ lệnh bắn tên, quân Mã Tiến ngã xuống đất vô số. Nhạc Phi lại hạ lệnh:
          Giết!
          Nhạc Phi giục ngựa xông lên giơ thương hướng đến đâm Mã Tiến. Mã Tiến dùng đao đỡ. Qua mấy hiệp, Mã Tiến đỡ không nỗi, lúc bấy giờ mới biết sự lợi hại của Nhạc Phi.
          Mã Tiến hoảng sợ, quay lưng bỏ chạy. Nhạc Phi truy tới cùng không tha, Mã Tiến chạy đến Quân Châu 筠州, Nhạc Phi đóng trại tại phía đông thành. Mã Tiến sợ không dám mở cổng thành nghinh chiến, Nhạc Phi ra lệnh may một lá cờ màu đỏ, bên trên thêu chữ “Nhạc” thật lớn, sai hơn 2000 kị binh giương cờ tới lui đi tuần. Nhạc Phi cho quân chủ lực ẩn núp.
          Mã Tiến thấy đội Nhạc gia quân này số người ít, không có Nhạc Phi mà lại giương cờ chữ “Nhạc” đi hù doạ khắp nơi, Mã Tiến liền cho hạ cầu xuống, dẫn quân xông ra. Kị binh thấy Mã Tiến xuất thành, liền nghinh chiến một hồi rồi rút lui.
          Mã Tiến dẫn quân vừa chuyển qua góc thành, đột nhiên một tiếng pháo vang lên, phục binh bốn phía nổi dậy. Nhạc Phi xông tới, Mã Tiến chạy về phía đông, Nhạc Phi đuổi theo, đồng thời lệnh cho tướng sĩ hét lớn:
          Không muốn chết hãy mau đầu hàng!
          Bọn phỉ nghe qua đa số đầu hàng. Nhạc Phi sai đếm bắt được hơn 8 vạn tên. Nhạc Phi cho chúng lộ phí cho về quê nhà, một số biên chế vào quân đội. Mã Tiến dẫn tàn quân chạy đến Nam Khang 南康, Nhạc Phi dẫn quân chinh phạt, đuổi theo đến núi Chu Gia 朱家.
          Lí Thành nghe nói Mã Tiến gặp nạn, đích thân dẫn mười mấy vạn binh mã đến cứu. Nhạc Phi và Lí Thành giao chiến tại Lâu Tử Trang 楼子庄. Nhạc Phi múa trường thương, trong phút chốc giết chết mấy chục quân phỉ, quân phỉ hoảng loạn giẫm đạp lẫn nhau. Nhạc Phi dẫn quân xông lên tàn sát, đội quân của Lí Thành tan rã.
          Lí Thành vung đao chạy đến, Nhạc Phi giục ngựa nghinh chiến. Sau mấy chục hồi, Lí Thành mệt đến mức mắt đổ sao, bỗng Mã Tiến xông tới vung đao hướng đến Nhạc Phi chém. Nhạc Phi trái vung phải đỡ, đâm một nhát trúng yết hầu Mã Tiến. Lí Thành quay lưng bỏ chạy, gặp phải phục kích của Trương Tuấn và Dương Nghi Trung.
          Lí Thành tổn thất mười mấy vạn binh mã, chỉ còn lại ba đến năm ngàn người. Lí Thành chạy đến Kì Châu 蕲州, nương vào chính quyền nguỵ Tề của Lưu Dự 刘豫.
          Cầm đầu đám phỉ là Trương Dụng 张用 bị thám mã của Nhạc Phi dò biết rõ. Trương Dụng và Nhạc Phi cùng quê, Trương Dụng có ngoại hiệu là “Trương Mãng Đãng” 张莽荡, vợ ông ta có ngoại hiệu là “Nhị Trượng Thanh” 二丈青. Nhạc Phi gởi cho Trương Dụng một bức thư, nói rằng:
          Ông với tôi cùng quê, cho nên trước khi động binh tôi nói cho ông biết. Nếu ông muốn đánh thì xuất binh; còn nếu không muốn đánh thì chịu chiêu an đi!
          Trương Dụng bày tỏ ý nguyện muốn được chiêu an.
          Nhạc Phi đích thân đi chiêu an, bọn thổ phỉ của Trương Dụng cũng cảm động trước lòng trung nghĩa của Nhạc Phi. Cao Tông hạ chỉ thăng Nhạc Phi làm Hữu quân đô thống chế 右军都统制, trấn áp những bọn lưu khấu khác.
          Năm Thiệu Hưng 绍兴 thứ 2 (năm 1132), Tào Thành 曹成 tụ tập được hơn 10 vạn phản loạn, phát triển từ Giang Tây hướng đến Hồ Nam, Quảng Tây, công chiếm Đạo Châu 道州 và Hạ Châu 贺州. Cao Tông sai Nhạc phi chinh thảo. Tào Thành sau khi nghe tin, chia binh bỏ chạy. Nhạc Phi đến Trà Lăng 茶陵 phái người đi chiêu hàng, gặp phải cự tuyệt. Nhạc Phi dẫn quân đến đóng ở Hạ Châu. Một lần nọ đi tuần bắt được gian tế của Tào Thành, đem trói ngoài trướng của Nhạc Phi.
          Một quân sĩ hỏi rằng:
          Nhạc đô thống, lương thảo sắp hết, làm thế nào bây giờ?
          Nhạc Phi bảo:
          Trước tiên lui về Trà Lăng đi.
          Tên gian tế nhân lúc canh phòng sơ hở đã trốn về được doanh Tào, đem cơ mật quân sự báo lại Tào Thành. Tào Thành quyết tâm báo mối thù bị trúng tên của Nhạc Phi. Năm đó, khi cửa Nam Huân 南薰 có loạn, Nhạc Phi đánh Tào Thành, Tào Thành suýt chút nữa bỏ mạng, đến nay y vẫn còn căm hận. Tào Thành chuẩn bị khi Nhạc Phi rút lui sẽ truy sát.
          Nhạc Phi bảo quân sĩ chuẩn bị hành trang gọn nhẹ, chạy hướng về Dật Lĩnh 逸岭. Trời tang tảng sáng, Nhạc gia quân đã đến Thái Bình trường 太平场, Tào Thành đang ngủ, bỗng cả doanh trại bốn phía dậy lửa, tiếng hô “giết” vang trời. Tào Thành dẫn tàn binh bại tướng chạy đến Bắc Tàng lĩnh 北藏岭 và Thượng Ngô quan 上梧关. Đội quân cảm tử của Nhạc Phi theo sau dũng mãnh tấn công. Tào Thành một lần nữa thoát được, gom được 10 vạn thổ phỉ, chiếm giữ Bồng Đầu lĩnh 蓬头岭.
          Nhạc Phi chỉ có 8000 binh mã nhưng dụng binh như thần. Thổ phỉ bị công kích, như chim sợ cành cong, vừa đụng đến đã tan rã, ngăn không nổi sự tấn công của Nhạc gia quân. Tào Thành chạy đến Liên Châu 连州, cuối cùng buộc phải đầu hàng. Cao Tông biết được tin đã hậu thưởng Nhạc Phi.
          Năm Thiệu Hưng thứ 3 (năm 1133), bọn Trần Di Di 陈颐颐, Bành Hữu 彭友tại vùng Giang Tây, Quảng Đông cổ  suý nông dân làm phản. Cao Tông lệnh Nhạc Phi đi dẹp loạn. Nhạc Phi dẫn quân đến Kiền Châu 虔州, đánh chưa đến mấy hiệp Nhạc Phi đã bắt được Bành Hữu, đội quân nông dân chạy đến động Cố Thạch 固石. Động này bốn bên là nước, chỉ thông với một con đường nhỏ.
          Nhạc Phi cho phục binh dưới núi, sai đội cảm tử lên núi đánh địch, tàn quân của Bành Hữu thấy đội quân của Nhạc Phi đến đánh vội chạy xuống núi. Phục binh bốn phía nổi dậy, toàn bộ tàn quân đầu hàng. Chẳng bao lâu sau, Nhạc Phi lại trấn áp được mấy nhóm quân khởi nghĩa nông dân.
          Cao Tông vui mừng, viết 4 chữ “tinh trung Nhạc Phi” 精忠岳飞, may thành lá cờ gấm tặng Nhạc Phi, đề bạt Nhạc phi làm Trấn nam quân tuyên sứ 镇南军宣使.  (còn tiếp)

                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 27/02/2015

Nguyên tác
NHẠC PHI
HỮU DŨNG HỮU MƯU, NHẠC GIA QUÂN CHIẾN VÔ BẤT THẮNG
岳飞
有勇有谋, 岳家军战无不胜
Trong quyển
HỔ CHI UY
虎之威
Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post