Dịch thuật: Thượng nhu hạ quần - Nhu

THƯỢNG NHU HẠ QUẦN
NHU

          Nhu quần 襦裙 bắt nguồn từ thời Chiến Quốc, chấm dứt vào thời Mãn Thanh, trải qua thời gian hơn 2000 năm, mặc dù độ dài ngắn chật hẹp tuỳ thời biến đổi, nhưng hình chế cơ bản trước sau vẫn giữ được dạng thức ban đầu. Nhu quần là hình thức cơ bản nhất của phục trang ở giới nữ đời Hán.
          Nhu là một loại đoản y 短衣 (áo ngắn), độ dài của nó nhìn chung là tới ngang hông, nhân đó “nhu” cũng được gọi là “yêu dũng” 腰桶. Nhu cũng giống những loại phục trang khác, cũng có phân biệt đơn và kép. Loại đơn gọi là “đảo nhu” 祷襦; loại kép gọi là “hiệp nhu” 挟襦. Với loại hiệp nhu, nếu ở giữa có độn bông thì gọi là “phức nhu” 复襦. Phức nhu là loại áo mùa đông chuyên dùng để chống rét. Trong khai quật khảo cổ học vẫn còn phát hiện loại phức nhu đời Hán, như một chiếc đoản y trong mộ đời Hán đào được tại Ma Chuỷ Tử 磨嘴子 ở Vũ Uy 武威 Cam Túc 甘肃, áo này dùng lụa màu lam nhạt may thành, gồm 2 lớp, ở giữa có độn bông, kiểu vạt lớn, tay áo dài, thân tay áo hẹp, khi khai quật mộ, áo vẫn còn đang mặc ở phần trên của thi thể người nữ, phần dưới là chiếc quần dài bằng tơ. Đáng tiếc là chiếc phức nhu vật thực này khi ra khỏi mộ đã bị ô xy hoá nên không thể truyền đời.
          Thời Hán Nguỵ, người ta mặc phía trên là nhu, phía dưới đa phần phối hợp với “trường quần” 长裙 (váy dài), nhân đó mà có cách nói “thượng nhu hạ quần” 上襦下裙. Do bởi vạt của nhu đa phần bỏ trong quần cho nên khó biết được độ dài của nó. Hình chế của những bộ phận khác có thể hiểu được thông qua tư liệu hình tượng. Nhìn tổng thể, đoản nhu thời Hán Nguỵ đa phần có vạt lớn, vạt áo cài bên phải, tay áo có loại rộng và hẹp, nhưng chủ yếu là hẹp. Chiếc phức y đào được trong ngôi mộ đời Hán ở Vũ Uy được may với tay áo hẹp. Theo báo cáo, nơi đầu ống tay áo của chiếc phức y này lúc khai quật hãy còn điểm xuyết một đoạn nối màu trắng. Hình nhân vật ở bích hoạ trong mộ đời Hán khai quật được tại Nhạc Lãng Thái Khiếp trủng 乐浪彩箧冢 ở Triều Tiên 朝鲜 và tại huyện Mật Hà Nam 河南 đều mặc đoản nhu, nơi đầu ống tay áo đa phần vẽ một đoạn nối màu trắng. Có thể thấy nơi đầu ống tay áo trang sức bằng một đoạn màu trắng là một đặc trưng lớn của đoản y đời Hán. Mùa xuân mùa hạ, đoản nhu mà mọi người mặc, miệng tay áo may tương đối rộng. Hoạ gia đời Tấn Cố Khải Chi 顾恺之 trong bức “Nữ sử châm đồ” 女史箴图 đã vẽ: một phụ nữ quý tộc trải tịch trên đất ngồi, bên cạnh có một thị nữ đang chải tóc cho bà. Đoản nhu màu hồng mà thị nữ mặc có tay áo rộng, do bởi tay áo quá rộng không dễ thao tác nên đã dùng dây buộc ở cánh tay, đồng thời cột thành hai nút.
          Thời Tuỳ Đường trở về sau, dạng thức của nhu có sự biến đổi tương đối lớn, trừ vạt áo lớn vốn có ra, đa phần dùng loại có tên gọi là “bán tí” 半臂. Loại bán tí mà phụ nữ đời Hán mặc có vạt đối xứng, vạt áo mở rộng, không dùng nút buộc mà bỏ vào trong quần. Tay áo thời kì này đa phần là hẹp, khi mặc bó chặt lấy cánh tay. Độ dài của tay áo thường đến cổ tay, có lúc dài quá cổ tay, hai tay dấu vào trong ống tay áo. Trong bức “Hoàn phiến sĩ nữ đồ” 纨扇仕女图 của Chu Phưởng 周昉, bức “Hàn Hi tái dạ yến đồ” 韩熙载夜宴图 của Cố Hoành Trung 顾闳中, đều vẽ hình tượng phụ nữ mặc đoản nhu tay hẹp.
          Những phụ kiện trang sức trên nhu cũng nhiều. Nhu ở thời kì đầu đa phần dùng loại đơn sắc đường vân phẳng để may, nhất là được dùng làm phức y của áo trong, thông thường không có hoa văn trang sức. Chiếc phức y tìm thấy ở ngôi mộ đời Hán tại Vũ Uy tỉnh Cam Túc đã dùng lụa có đường vân phẳng màu lam nhạt để may thành. Trên bức hoạ mộ đời Hán tại Nhạc Lãng Thái Khiếp trủng ở Triều Tiên có tổng cộng 8 cô gái, toàn bộ đều mặc nhu quần, trên nhu cũng không có đồ án hoa văn. Trên những tượng gốm đào được trong những ngôi mộ đời Hán cùng với những bức bích hoạ đều phản ánh đặc điểm này. Đại khái bắt đầu từ thời Đông Hán, trên nhu của mọi người xuất hiện các loại hoa văn đẹp. Phong cách trang sức này kéo dài mãi đến thời Tuỳ Đường Ngũ Đại. Trong thơ đời Đường có không ít những miêu tả, như trong bài Nghị hôn 议婚 của Bạch Cư Dị 白居易:
Hồng lâu phú gia nữ
Kim lũ tú la nhu
红楼富家女
金缕绣罗襦
(Cô gái nhà giàu ở chốn lầu hồng
Sợi vàng thêu trên áo lụa)
Lại còn có loại đoản nhu dùng hạt châu trang sức, tục gọi là “châu nhu” 珠襦.
          Đời Tống nhân vì có bối tử 背子 (1) xuất hiện, phụ nữ mặc nhu đã giảm, nhưng đến đời Nguyên lại lưu hành trở lại. Trang phụ phụ nữ đời Nguyên chia làm 2 loại: một loại là “bào sam” 袍衫, phụ nữ tộc Mông Cổ dùng nhiều; một loại là “nhu quần” 襦裙, phụ nữ tộc Hán dùng nhiều. Những loại đoản nhu này, khảo cổ phát hiện tương đối nhiều, như mộ đời Nguyên ở Gia Tường 嘉祥 ở huyện Trâu tại Sơn Đông 山东, mộ đời Nguyên ở Vô Tích 无锡, mộ đời Nguyên ở Tô Châu 苏州 tại Giang Tô 江苏, đều phát hiện được những đoản nhu hoàn chỉnh, minh chứng cho những ghi chép trong sử sách.

Chú của người dịch
1- Bối tử 背子: cũng được viết là 褙子, một loại trang phục truyền thống của người Hán, nam nữ đều có thể mặc được. Bối tử xuất hiện vào thời Tống, lưu hành vào thời Tống , Nguyên, Minh.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 30/01/2014

Nguyên tác Trung văn
THƯỢNG NHU HẠ QUẦN
NHU
上襦下裙
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
PHỤC SỨC
中国民俗文化
服饰
Biên soạn: Vân Trung Thiên 云中天
Bách Hoa Châu văn nghệ xuất bản xã,  2006.
Previous Post Next Post