Dịch thuật: Từ Đồng sinh đến Trạng nguyên phải qua 5 giai đoạn nào?

  TỪ ĐỒNG SINH ĐẾN TRẠNG NGUYÊN
PHẢI QUA 5 GIAI ĐOẠN NÀO?

          Chế độ khoa cử thời trước của Trung Quốc chia làm 4 cấp: Viện thí 院试, Hương thí 乡试, Hội thí 会试, Điện thí 殿试 (Điện thí do Võ Tắc Thiên 武则天 thời Đường đặt ra. Thời Tống Thái Tổ 宋太祖 trở thành định lệ). Từ Đồng sinh 童生 đến Trạng nguyên 状元 nhìn chung phải qua 5 giai đoạn.
          Đồng sinh童生: phàm những ai thi Sinh viên 生员 (Tú tài 秀才), bất luận tuổi lớn hay nhỏ đều gọi là Nho đồng 儒童, theo tập quán gọi là Đồng sinh.
          Viện thí 院试: do quan Học chính của tỉnh chủ trì. Đồng sinh tham gia thi đỗ gọi là Tú tài 秀才, cũng gọi là Sinh viên 生员. Nhìn chung có thể gọi là “Tướng công” 相公.
          Cả 2 đợt thi này chỉ là hình thức dự tuyển. Hương thí, Hội thí, Điện thí mới là khảo thí khoa cử chính thức.
          Hương thí 乡试: do tỉnh thành tổ chức 3 năm 1 lần, tham gia là những Tú tài. Người thi đỗ gọi là Cử nhân 举人, có thể gọi là “lão gia” 老爷. Người đỗ đầu Cử nhân gọi là Giải nguyên 解元. Người đỗ từ thứ 2 đến thứ 10 gọi là Á nguyên 亚元. Thi Hương được tổ chức vào tháng 8 nên cũng gọi là “Thu vi” 秋围.
          Hội thí 会试: được tiến hành trên cơ sở Hương thí, thời gian là mùa Xuân năm sau của Hương thí, địa điểm tại quan nha bộ Lễ ở kinh thành. Cử nhân tham gia, thi đỗ gọi là Cống sĩ 贡士, người đỗ đầu gọi là Hội nguyên 会元.
          Điện thí 殿试: sau khi thi đỗ Hội thí thì tham gia Điện thí do Hoàng đế đích thân chủ trì hoặc do Khâm mệnh đại thần thay mặt chủ trì. Những ai hợp cách gọi chung là Tiến sĩ 进士. Cống sĩ mới có tư cách tham gia Điện thí. Điện thí chia là 3 giáp:
          - Đệ nhất giáp là Tiến sĩ cập đệ 进士及第
          - Đệ nhị giáp là Tiến sĩ xuất thân 进士出身
          - Đệ tam giáp là Đồng tiến sĩ xuất thân 同进士出身
          Người đỗ đầu Điện thí gọi là Trạng nguyên 状元, người đỗ thứ nhì là Bảng nhãn 榜眼, người đỗ thứ ba là Thám hoa 探花.
          Tiến sĩ 进士: trong chế độ khoa cử cổ đại Trung Quốc, thông qua cấp thi cuối cùng gọi là Tiến sĩ. Năm 605, triều Tuỳ bắt đầu mở khoa thi Tiến sĩ, được xem là bắt đầu chế độ khoa cử. Thời Tuỳ Đường, “Tiến sĩ khoa” chỉ là một khoa trong số các khoa của chế độ khoa cử,  nội dung thi là thơ phú. Nhân vì Tiến sĩ khoa là thường khoa, thi khó nhất, cho nên được xem là tôn quý, địa vị cũng đứng đầu các khoa. Trước thời Tống, Tiến sĩ chỉ cần thông qua “Tỉnh thí” 省试 do Thượng thư sảnh tổ chức. Từ thời Tống trở về sau, Tiến sĩ nhất luật phải kinh qua Điện thí do Hoàng đế chủ trì để phúc hạch và quyết định tên gọi và thứ bậc. Thời Tống Nhân Tông 宋仁宗 từng xảy ra vụ một khảo sinh thông qua được “Tỉnh thí”, nhưng vào Điện thí bị đánh rớt, khảo sinh phẫn hận đầu bôn Tây Hạ 西夏. Từ đó về sau tại Điện thí chỉ là định danh thứ chứ không đánh rớt khảo sinh. Triều Minh và triều Thanh Điện thí chia làm 3 bậc gọi là “tam giáp”. Nhất giáp theo thứ tự là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, gọi là “Tiến sĩ cập đệ”. Nhị giáp lấy một số người (triều Thanh thường là 7 người), gọi là “Tiến sĩ xuất thân”. Tam giáp gọi là “Đồng tiến sĩ xuất thân”. Người đời gọi chung những người thi đỗ là Tiến sĩ.
          Trạng nguyên 状元: là vinh dự cao nhất trong chế độ khoa cử Trung Quốc, là cấp thi cuối cùng (triều Đường là Tỉnh thí, từ thời Tống trở về sau là Điện thí). Người đỗ đầu Tiến sĩ gọi là Trạng nguyên. Trạng nguyên cũng được gọi là “Đỉnh nguyên” 鼎元, “Điện nguyên” 殿元.
          Trong lịch sử Trung Quốc, Trạng nguyên đầu tiên là Trạng nguyên Tôn Phục Già 孙伏伽đỗ vào năm Vũ Đức 武德 thứ 5 đời Đường (năm 622); Trạng nguyên cuối cùng là Trạng nguyên Lưu Xuân Lâm 刘春霖, đỗ vào năm Quang Tự 光绪 thứ 30 đời Thanh (năm 1904).
          Trải qua 1300 năm tổng cộng có 504 Trạng nguyện. Trạng nguyên cũng chỉ người đỗ đầu trong kì thi võ, gọi là Võ trạng nguyên.

                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 06/12/2014

Nguồn
Previous Post Next Post