ĐỖ KHANG – THUỶ TỔ NGHỀ Ủ RƯỢU
Sau khi
Hoàng Đế kiến lập liên minh bộ lạc, trải qua việc Thần Nông 神农 nếm trăm loại cỏ, phân biệt ngũ cốc, bắt đầu cày ruộng
trồng lương thực. Hoàng Đế sai Đỗ Khang quản lí việc sản xuất lương thực, Đỗ
Khang rất có trách nhiệm. Do bởi đất đai phì nhiêu, mưa thuận gió hoà, mấy năm
liền được mùa, lương thực ngày càng nhiều. Lúc bấy giờ do chưa có kho chứa, lại
không có phương pháp bảo quản khoa học, Đỗ Khang đã đem lương thực thu hoạch được
chất vào sơn động. Qua một thời gian dài, bởi sơn động ẩm thấp, lương thực đã
sinh mốc. Hoàng Đế biết chuyện vô cùng tức
giận, hạ lệnh bãi chức Đỗ Khang, chỉ để ông lo việc bảo quản lương thực, đồng
thời bảo rằng, sau này nếu lương thực còn sinh mốc nữa sẽ xử tử Đỗ Khang.
Đỗ
Khang từ một vị đại thần phụ trách sản xuất lương thực, trong phút chốc bị
giáng xuống phụ trách bảo quản lương thực, trong lòng vô cùng buồn. Nhưng Đỗ
Khang lại nghĩ đến Luy Tổ 嫘祖, Phong Hậu 风后, Thương Hiệt 仓颉
đều có phát minh sáng tạo, lập đại công, duy chỉ riêng bản thân mình không có
công lao gì, lại còn phạm tội. Nghĩ đến đó, cơn giận của ông tiêu tan, ông âm
thầm hạ quyết tâm: không thể không làm tốt việc bảo quản lương thực. Một ngày nọ,
Đỗ Khang vào rừng sâu phát hiện một hố đất rộng, chung quanh có mấy cây đã chết
khô, chỉ trơ lại thân cây to lớn, thân cây đã rỗng. Đỗ Khang lanh trí, nghĩ rằng,
nếu đem lương thực bỏ vào bộng cây, có lẽ sẽ không sinh mốc. Vì thế, phàm những
cây chết khô ông đều khoét rỗng. Mấy ngày sau, đem lương thực bỏ vào trong đó.
Nào ngờ,
sau hai năm, lương thực trong những bộng cây, trải qua nắng gió, mưa dầm, từ từ
đã lên men. Một ngày nọ, khi Đỗ Khang lên núi kiểm tra lương thực, đột nhiên
phát hiện chung quanh một cây khô có chứa lương thực có mấy con dê, heo rừng và
thỏ đang nằm. Lúc đầu ông tưởng rằng những con thú này đã chết, bước đến xem,
phát hiện chúng hãy còn sống, dường như là đang ngủ. Trong nhất thời Đỗ Khang
không rõ nguyên nhân, còn đang suy nghĩ, một con heo rừng tỉnh lại, trông thấy
người nó vội chạy vô rừng sâu. Tiếp đó, dê, thỏ cũng tỉnh dậy chạy mất. Khi lên
núi Đỗ Khang không mang cung tên, nên không đuổi theo. Đang chuẩn bị trở về, Đỗ
Khang lại phát hiện hai con dê đang cúi đầu liếm thứ gì đó trong bộng cây chứa
lương thực. Đỗ Khang vội núp sau một gốc cây to để quan sát, chỉ thấy hai con
dê liếm một lát liền lắc lư, đi không được phải nằm trên mặt đất. Đỗ Khanh
nhanh chóng chạy đến cột hai con dê lại, sau đó mới tỉ mỉ xem dê vừa liếm thứ
gì. Đã không xem thì thôi, vừa mới xem Đỗ Khang đã giật mình. Hoá ra bộng cây
chứa lương thực đã bị tét ra mấy đường, nước bên trong không ngừng rỉ ra bên
ngoài. Dê, heo rừng và thỏ đều liếm thứ nước này mới bị té ngã. Đỗ Khang ngửi qua,
chất nước rỉ ra đặc biệt thơm, không ngăn được ông cũng nếm. Mùi vị tuy hơi cay
nhưng ngọt đậm, càng nếm càng muốn nêm thêm, cuối cùng uống liền mấy ngụm. Lúc
uống chẳng sao, phút chốc ông cảm thấy trời đất quay cuồng, vừa mới bước mấy bước,
thân không làm chủ đã ngã ra đất ngủ say. Không biết qua một thời gian bao lâu,
khi tỉnh dậy, hai con dê bị trói một con đã chạy mất, con còn lại đang giãy giụa.
Đỗ Khang đứng dậy cảm thấy tinh thần phấn chấn, toàn thân đầy sức mạnh, trong
lúc không cẩn thận đã giẫm chết con dê, thuận tay ông lấy chiếc bình đeo bên
người hứng được nửa bình chất nước có mùi vị thơm nồng rỉ ra từ bộng cây.
Sau khi
về, Đỗ Khang kể những gì đã thấy cho những người bảo quản lương thực, lại đem
chất nước thơm cho mọi người nếm thử, mọi người đều cảm thấy rất kì lạ. Có người
kiến nghị đem chuyện này báo cáo với Hoàng Đế, có người lại không đồng ý, lí do
là Đỗ Khang trước đây đã để lương thực sinh mốc, bị giáng chức, nay lại đem
lương thực bỏ vào bộng cây khiến lương thực biến thành nước. Nếu Hoàng Đế biết
được, nếu không lấy đầu Đỗ Khang thì cũng đánh chết ông ta. Đỗ Khang nghe qua
chậm rãi nói với mọi người rằng:
Việc đến nước này, bất luận tốt xấu đều
không thể giấu Hoàng Đế.
Nói
xong, Đỗ Khang cầm bình đi tìm Hoàng Đế.
Hoàng Đế
nghe xong báo cáo của Đỗ Khang, lại nếm qua chất nước thơm nồng mà Đỗ Khang
mang đến, lập tức cùng các đại thần thương nghị. Các đại thần nhất trí cho rằng
đó là một loại nguyên khí trong lương thực, hoàn toàn không phải là nước độc.
Hoàng Đế không trách Đỗ Khang, sai Đỗ Khang tiếp tục quan sát, nghiên cứu tỉ mỉ
việc đó. Hoàng Đế lại sai Thương Hiệt đặt cho chất nước thơm nồng này một cái
tên. Thương Hiệt nói rằng:
Nước này mùi vị thơm ngọt, uống vào tinh thần
phấn chấn.
Nói
xong liền tạo ra chữ 酒 (tửu)
Hoàng Đế
và các đại thần cho rằng tên gọi này rất hay.
Từ đó về
sau, nghề ủ rượu thời viễn cổ ở Trung Quốc bắt đầu xuất hiện. Để kỉ niệm Đỗ Khang, người đời sau đã tôn Đỗ
Khang là thuỷ tổ nghề ủ rượu.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 17/11/2014
Nguyên tác Trung văn
NHƯỠNG TỬU THUỶ TỔ ĐỖ KHANG
酿酒始祖杜康
Trong quyển
THANH THIẾU NIÊN TỐI HỈ HOAN ĐÍCH
THẦN THOẠI CỐ SỰ
青少年最喜欢的
神话故事
Tác giả: Ngô Cảnh Minh 吴景明
Diên Biên nhân dân xuất bản xã,
2002
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật