TỬ HẬU HÔN
Tử hậu
hôn 死后婚 còn gọi là “minh hôn” 冥婚,
chỉ hôn lễ được cử hành cho người đã mất. Con người sau khi mất đi không thể sống
lại được, thế thì sao lại còn phải kết hôn? Tiền đề sản sinh ra hình thức hôn
nhân này là quan niệm “linh hồn bất tử”. Theo người xưa, bất kì người nào và vật
thể nào cũng đều có linh hồn, con người sau khi mất, âm hồn vẫn tiếp tục sống ở
âm gian. Do đó tổ chức hôn lễ cho hai người đã mất để linh hồn của họ kết hợp với
nhau, sống cuộc sống vợ chồng ở âm gian, là sự cân bằng tâm linh và sự hi vọng
của người sống.
Nhìn từ
tư liệu sách vở, thời Tam Quốc đã xuất hiện minh hôn. Người con nhỏ của Tào
Tháo 曹操 là Tào Xung 曹冲 chết yểu, Tào Tháo
rất đau buồn, đã hợp táng con gái nhà họ Chân 甄
cho Tào Xung. Thời Đường Trung Tông,
(Hoàng hậu) Vi thứ nhân (*) hựu vị vong đệ tặng
Nhữ Nam Vương Tuân, dữ Chí Trung nữ vi minh hôn hợp táng. (1)
韦庶人 (*) 又为亡弟赠汝南王询, 与至忠女为冥婚合葬. (1)
(Hoàng hậu Vi thứ nhân đã minh hôn hợp táng người em
trai Nhữ Nam Vương Tuân đã mất với con gái của Chí Trung)
Đến thời Tống, phong khí tổ
chức hôn sự cho người đã mất càng thịnh. Đời Nguyên, tục minh hôn lại tăng
không giảm. Đến thời Minh Thanh, trong dân gian vẫn còn lưu hành tập tục hôn
nhân này. Điều khiến mọi người kinh ngạc là trong xã hội hiện nay, tập tục hôn
nhân này vẫn chưa tuyệt tích. Năm 1982, tại một xưởng nông cơ ở Bắc Kinh, người
con của một đôi vợ chồng già qua đời, đôi vợ chồng già đã dùng quan tài đưa di
thể người con về quê nhà Sơn Đông xây mộ an táng. Sau đó tại quê nhà, tìm một
người con gái đã mất gã làm vợ cho người con đó, mời người tổ chức hôn sự cho
đôi nam nữ đã mất này, đem họ hợp táng chung một một (2).
Tử hậu hôn là một hủ tục hiện
nay vẫn tồn tại, đương nhiên nó có nguồn gốc văn hoá lịch sử sâu xa. Bậc làm
cha mẹ tìm người bạn đời cho người con đã mất trước khi lập gia đình, từ phương
diện tâm lí mà nói, là đã làm hết trách nhiệm của mình, cầu mong được sự cân bằng
tâm lí, nhưng từ phương diện pháp luật mà nói quả là việc hoang đường.
Chú của
nguyên tác
(1)- Cựu Đường
thư – Tiêu Chí Trung truyện 旧唐书 - 萧至忠传
(2)- “Bắc Kinh nhật báo” 北京日报, ngày 19 tháng 5 năm 1982.
Chú của người
dịch
(*)- Vi thứ
nhân 韦庶人: tức hoàng hậu của Đường Trung Tông Lí Hiển 李显.
Năm Thần Long 神龙 thứ 1 (năm 705), Trung Tông lên ngôi trở lại, Vi thị
câu kết với Võ Tam Tư 武三思 thao túng triều
chính, người anh họ của Vi thị là Vi Ôn 韦温
nắm giữ thực quyền, hình thành tập đoàn chuyên chính Võ, Vi đứng đầu là Vi thị,
để con gái là công chúa An Lạc 安乐 tự do mua quan bán
tước, lại ra sức xây dựng tự miếu đạo quán, xa xỉ vô độ.
Năm Cảnh
Long 景龙 thứ 4 (năm 710), Lí Hiển chết đột ngột, Vi thị lập Ôn
Vương Lí Trọng Mậu 温王李重茂 làm hoàng đế, lâm triều xưng chế. Chẳng bao lâu, Lí
Long Cơ 李隆基 phát
động chính biến, đưa phụ thân là Tương Vương Lí Đán 相王李旦 đăng cơ. Vi thị bị giết trong cung, đồng thời bị truy biếm là thứ
nhân, gọi là Vi thứ nhân.
Vi hoàng
hậu từng cưới người con gái đã mất của Trung thư lệnh Tiêu Chí Trung 萧至忠 cho người em
đã mất là Nhữ Nam Vương Vi Tuân 韦询 rồi cho hợp táng. Về sau Lí Long Cơ phát động chính biến Huyền
Vũ môn 玄武门, giết Vi hoàng hậu cùng bè đảng
Vi, Vũ. Tiêu Chí Trung sợ bị liên luỵ nên đã cho quật mộ Vi Tuân, đưa linh cửu
con gái mình ra khỏi mộ để tỏ rõ hai người đã “li hôn”.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 13/10/2014
Nguyên tác Trung văn
TỬ HẬU HÔN
死后婚
Trong quyển
BÁT TỰ HÔN NHÂN HỌC
八字婚姻学
Tác giả: Vương Trạch Thụ 王泽树
Thanh Hải nhân dân xuất bản xã, 2005.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật