TỪ ĐƠN ÂM
VÀ TỪ PHỨC ÂM
(tiếp theo)
Mỗi từ
tố của loại từ phức âm luôn bảo tồn tính độc lập nhất định. Đây chính là nói, ở
chỗ này nó là từ tố của từ phức âm, ở chỗ khác nó lại có thể độc lập thành một từ đơn âm. Ví dụ trong Chiến quốc sách – Tề sách 戰國策 - 齊策 có câu:
Tề vương văn chi, quân thần khủng cụ
齊王聞之, 君臣恐懼
(Tề vương nghe được, vua tôi đều sợ)
“khủng cụ” ở đây có thể cho là từ phức âm, nhưng trong
Luận ngữ - Nhan Uyên 論語 - 顏淵 lại có câu:
Quân tử bất ưu bất cụ
君子不憂不懼
(Quân tử không lo không sợ)
Trong Mạnh Tử -
Lương Huệ Vương hạ 孟子 - 梁惠王下:
Ngô thậm khủng
吾甚恐
(Ta rất sợ)
“khủng” và “cụ” đều có thể độc lập vận dụng. Và như trong
Tả truyện – Tuyên Công nhị niên 左傳 - 宣公二年:
Bất vong cung kính, dân chi chủ dã
不忘恭敬, 民之主也
(Người mà không quên cung kính có thể làm chủ dân)
“cung kính” ở đây là từ phức âm. Nhưng trong Luận ngữ - Tử Lộ 論語 - 子路:
Cư xử cung, chấp sự kính
居處恭, 執事敬
(Cư xử phải cung, làm việc phải kính)
Có thể thấy “cung” và “kính” lại có thể tách ra dùng
riêng. Và trong Luận ngữ - Học nhi 論語 - 學而:
Dữ bằng hữu giao, nhi bất tín hồ?
與朋友交, 而不信乎?
(Giao thiệp bạn bè có thành tín không?)
“bằng hữu” có thể cho là từ phức âm, nhưng cũng trong Luận ngữ - Học nhi 論語 - 學而:
Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc
hồ?
有朋自遠方來, 不亦樂乎?
(Có bạn từ phương xa đến, cũng chẳng phải là vui sao?)
Trong Lễ kí- Nho
hạnh 禮記 - 儒行:
Kì giao hữu hữu như thử giả
其交友有如此者
(Thái độ giao tiếp bạn bè của nhà Nho là như thế)
Tình hình có thể tách ra có thể hợp lại này khác với từ
phức âm đơn thuần.
Trong
Hán ngữ cổ đại có một loại từ phức âm đáng chú ý. Loại từ phức âm này dùng 2 từ
đơn âm gần nghĩa hoặc trái nghĩa làm thành từ tố; trong đó nghĩa gốc của một từ
tố là nghĩa của từ phức âm, còn ý nghĩa của từ tố kia không có tác dụng. Ví dụ:
Kim hữu nhất nhân, nhập nhân viên phố,
thiết kì đào lí
今有一人, 入人園圃, 竊其桃李
(Nay có một người vào vườn người ta hái trộm đào lí)
(Mặc Tử - Phi
công thượng 墨子 - 非攻上)
(Nơi trồng cây gọi là “viên”, nơi trồng rau gọi là “phố”.
Ở đây chỉ có “viên” là có tác dụng, “phố” vô nghĩa)
Hoài nộ vị phát, hưu tẩm giáng ư thiên
懷怒未發, 休祲降於天
(Cái giận trong lòng chưa phát tiết mà cái hoạ từ trời
đã giáng xuống)
(Chiến quốc sách
– Nguỵ sách 戰國策 - 魏策)
“hưu” điềm tốt; “tẩm” khí xấu. Ở đây chỉ có “tẩm” là
có tác dụng, “hưu” vô nghĩa)
Đa nhân, bất năng vô sinh đắc thất
多人, 不能無生得失
(Nhiều người không thể không thất bại)
(Sử kí – Thích
khách liệt truyện 史記 - 剌客列傳)
Chữ “đắc” vô nghĩa.
Có người gọi loại từ phức âm này là “thiên nghĩa phức
từ” 偏義複詞.
Có một
số tổ hợp từ từ tổ biến ra, nếu tách ra thì hoàn toàn khác với ý nghĩa chỉnh thể,
đó cũng có thể gọi là từ phức âm. Loại này có những từ như: “thiên hạ” 天下, “túc hạ” 足下, “quân tử” 君子, “tiểu nhân” 小人,
“tiên sinh” 先生, “tướng quân” 將軍
…
Còn những
từ phức âm đơn thuần tương đối ít thấy trong Hán ngữ cổ đại, nhưng cũng chiếm một
số lượng nhất định.
Từ phức
âm đơn thuần, tuyệt đại bộ phận là “liên miên tự” 連緜字
(chữ liên tục, liền nhau). Ví dụ: “thích thảng” 倜儻,
“nữu ni” 忸怩, “tháo thứ” 造次, “tư cơ” 鎡基, “ức uất” 抑鬱, “bồi hồi” 徘徊, “hộc tốc” 觳速, “thuân tuần” 逡巡, “tiêu diêu” 逍遙,
“tu du” 須臾 … Hai chữ trong liên miên tự chỉ đại biểu hai âm tiết
của từ phức âm đơn thuần. Các nhà chú thích cổ đại có lúc tách loại chữ liên tục
thành 2 từ, giải thích thành từ tổ, điều đó là sai lầm. Ví dụ: “phi mị” 披靡 là cây cỏ theo gió mà rạp xuống, cũng dùng để ví quân
đội tan tác. Trong Sử kí – Hạng Vũ bản kỉ
史記 - 項武本紀 có câu:
Hán quân giai phi mị
漢軍皆披靡
Trương Thủ Tiết 張守節
trong Chính nghĩa 正義 giải thích rằng:
Mị, ngôn tinh thể đê thuỳ
靡, 言精體低垂
(Mị là nói tinh thể cúi rạp)
Và như “tích dịch” 辟易
là quay trở lui. Trong Sử kí – Hạng Vũ bản
kỉ 史記 - 項武本紀 :
Nhân mã câu kinh, tịch dịch sổ lí
人馬俱驚, 辟易數里
(Người ngựa đều kinh hãi, tháo lui mấy dặm)
Trương Thủ Tiết 張守節
trong Chính nghĩa 正義 giải thích rằng:
Ngôn nhân mã câu kinh, khai trương dịch
cựu xứ, nãi chí sổ lí
言人馬俱驚, 開張易舊處, 乃至數里
(Ý nói người ngựa đều kinh hãi, đổi mở rộng chỗ cũ đến
mấy dặm)
Chỉ giảng riêng chữ “mị” 靡,
thì chữ “phi” 披 không có chỗ đứng; chữ “tịch” 辟 giảng là chữ “tịch” 闢
(mở rộng), chữ “dịch” 易 giảng là “canh dịch”
更易 (thay đổi), đều là vọng văn sinh nghĩa. Những điều
này là không đúng.
Tóm lại,
khi chúng ta đọc sách cổ, gặp phải từ đồng nghĩa đi liền với nhau, không nên
khinh suất xem là từ phức âm, gặp phải liên miên tự, không nên tách ra để giảng.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 21/9/2014
Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 1)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật